Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế - tài chính TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, ngân hàng mua TPDN có thế là điều đáng “hoan nghênh” để dòng vốn không phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng, và đóng góp tích cực vào "bức tranh" lợi nhuận cho ngân hàng. Điển hình là báo cáo tài chính 3 quý đầu năm đã ghi nhận lãi từ hoạt động chứng khoán tăng mạnh. Ngược lại, việc này thực hiện ở mức độ quá lớn ngân hàng cũng đối diện với rủi ro "bom nợ", có thể tạo thành rủi ro dây chuyền. Do đó, cần sự vào cuộc chấn chỉnh từ cơ quan quản lý.
Thời gian qua, cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều cảnh báo, thậm chí các văn bản chấn chỉnh hoạt động mua bán TPDN của các TCTD. Tuy nhiên, TPDN vẫn là mảng đầu tư hấp dẫn với các ngân hàng. Đâu là nguyên nhân của câu chuyện này, thưa ông?
Trước tiên tôi muốn nói, thời gian qua, việc vay vốn được các ngân hàng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nhiều nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải đưa ra quy định về hạn mức, khiến các ngân hàng phải co lại khoản vay. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp vay vốn phải đáp ứng các điều kiện về phương án kinh doanh, đa số phải có tài sản đảm bảo. Các ngân hàng lại có hạn mức tín dụng được NHNN phân bổ theo từng giai đoạn nên có thể không đáp ứng được nhu cầu vay vốn. Do đó, trong trường hợp này, các doanh nghiệp phải tìm phương án huy động vốn khác là dùng trái phiếu.
Thực tế cho thấy, cơ cấu vốn của doanh nghiệp đang quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, có thể lên tới 80%. Trong khi các nước phát triển trong khu vực thì hệ thống ngân hàng cung ứng vốn trung dài hạn chỉ ở mức 30-40%. TPDN là hình thức cho vay dài hạn từ 2-5 năm, thậm chí có loại lên tới 10 năm, nên nếu được hoạt động và giao dịch lành mạnh thì rất tốt, thay thế vốn ngân hàng.
Ngoài ra, các nguồn vốn này nếu được thực hiện theo đúng các quy định về Luật Chứng khoán, các nghị định liên quan đến trái phiếu… đảm bảo được phát hành ra đại chúng thì đây sẽ là nguồn vốn tốt, đáng “hoan nghênh” cho doanh nghiệp, thay thế tín dụng ngân hàng.
"9 tháng năm 2021, các ngân hàng là nhóm nhà đầu tư chính mua TPDN với 56% tổng giá trị phát hành. Số lượng ngân hàng tham gia trực tiếp mua trái phiếu ngân hàng trên thị trường sơ cấp chiếm khoảng 23,2% lượng trái phiếu ngân hàng phát hành", theo Fiin Group.
Thống kê riêng của VnBusiness tại 26 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, 24/26 ngân hàng đang có lãi từ chứng khoán đầu tư trong 9 tháng đầu năm.
Tôi xin nhắc lại, trong giai đoạn năm 2020-2021 lượng phát hành TPDN đã tăng mạnh, các ngân hàng cũng đẩy mạnh mua vào. Một phần nguyên nhân của giai đoạn này là do các ngân hàng không thể tăng lãi suất cho vay, do phải thực hiện nghĩa vụ hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Nhiều doanh nghiệp đang bị kẹt vốn do không có doanh thu vì đại dịch, không trả được nợ trong ngắn hạn, nếu ngân hàng không thu hồi thì vừa ảnh hưởng ngân hàng, vừa ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Do vậy, các ngân hàng dùng trái phiếu sẽ tránh chuyện đưa các khoản nợ này vào nợ xấu. Số tiền này không mới mà giống như đưa vào để trả ngân hàng khoản nợ vay kỳ hạn.
Tôi cho rằng, về dài hạn, các cơ quan quản lý phải có giải pháp để phát triển TPDN thành kênh huy động vốn cho doanh nghiệp.
Đảo nợ bằng trái phiếu có thể giúp doanh nghiệp "thoát" nợ xấu và "bức tranh" tài chính của ngân hàng bớt "ảm đạm". Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cách làm này cũng giống như việc ngân hàng chơi "một canh bạc" bởi bom nợ có thể vỡ bất cứ lúc nào. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
Rõ ràng, nếu lượng TPDN được ngân hàng mua vào ở mức độ vừa phải thì không sao, nhưng nếu quá nhiều sẽ không lành mạnh. Tuy nhiên, theo tôi việc phát hành TPDN ở mức độ riêng lẻ quá nhiều như hiện nay, lên tới 90% trái phiếu phát hành riêng lẻ, đa số là tổ chức tín dụng mua thì sẽ không lành mạnh.
Các ngân hàng chủ yếu kinh doanh nghiệp vụ tín dụng là chính, không thể đổ dồn mua TPDN. Các loại trái phiếu này phải cho nhà đầu tư, quỹ đầu tư mua, ngân hàng nên hoạt động cho vay. Bởi cho vay thì nguồn vốn chặt chẽ, đánh giá được doanh nghiệp cũng như kiểm soát được dòng vốn có được giải ngân vào đúng mục đích hay không. Nên tín dụng rất chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho ngân hàng, còn trái phiếu doanh nghiệp thì lợi nhuận cao hơn nhưng rủi ro cũng cao hơn.
Hơn nữa, các quy định của NHNN rất chặt chẽ, nhất là về cho vay và thu hồi nợ, đặc biệt NHNN không cho phép cho vay đảo nợ. Nhưng hệ thống trái phiếu này nếu lọt qua các quy định của NHNN sẽ biến thành cho vay đảo nợ, nợ xấu sẽ bị che giấu thông qua mua trái phiếu, không còn hiển thị trên báo cáo tài chính của các ngân hàng.
Như vậy, nếu ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay đảo nợ thì có thể tạo thành các doanh nghiệp “sân sau”, gây ra nguy cơ không thu hồi được vốn. Khi ngân hàng không thu hồi được vốn thì sẽ không trả được lãi suất tiền gửi, gây mất niềm tin trong dân. Do vậy, nếu rủi ro này không sớm được nhận diện và khắc phục, sẽ tạo thành sự đổ vỡ dây chuyền.
Bên cạnh hoạt động tăng mua TPDN, đang có hiện tượng các ngân hàng mua chéo trái phiếu của nhau. Điều này có được xem là bất thường với các ngân hàng không, thưa ông?
Về câu chuyện này, tôi xin lấy ví dụ như sau, ngân hàng A cho doanh nghiệp vay, nhưng doanh nghiệp trục trặc trong kinh doanh nên khó trả nợ. Về nguyên tắc trong hoạt động tín dụng, khách hàng không trả nợ đúng hạn sẽ thành nợ xấu khó đòi, nhưng doanh nghiệp này lại phát hành trái phiếu. Nếu ngân hàng A trực tiếp mua trái phiếu doanh nghiệp của “con nợ” này thì sẽ bị cơ quan quản lý sẽ “tuýt còi”, bởi điều này đồng nghĩa với việc cho vay đảo nợ. Nhưng khi có ngân hàng B cũng gặp tình trạng này, thì ngân hàng A và B sẽ hợp tác để mua chéo trái phiếu doanh nghiệp của nhau.
Hoạt động như trên sẽ khiến NHNN không thấy hiện tượng bất thường. Ban đầu, đây có thể là sự hợp tác bằng cách “lách luật” ở mức độ cho phép. Tuy nhiên, theo tôi nếu hiện tượng này vẫn cứ tiếp diễn, ở mức độ cao hơn và nhiều hơn thì sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn của toàn hệ thống ngân hàng.
Do đó, để hạn chế hiện tượng này, tôi cho rằng NHNN và Bộ Tài chính cần phối hợp đưa ra các giải pháp, quy định để kiểm soát chặt chẽ việc các ngân hàng thương mại mua trái phiếu.
Thứ nhất, nếu ngân hàng mua trái phiếu để có kênh giữ vốn trong giai đoạn dòng vốn tạm dư thừa thì cần hướng vào trái phiếu Chính phủ.
Thứ hai, các ngân hàng phải mua trái phiếu doanh nghiệp có tiêu chuẩn cao, được đánh giá và xếp hạng AAA (công ty phát hành có thu nhập đủ để trả vốn gốc và lãi trong 5-40 năm kỳ hạn của trái phiếu- PV), nhưng vẫn phải hạn chế. Hoặc cần hướng dòng vốn đầu tư trái phiếu của các ngân hàng đến những doanh nghiệp nhà nước lớn, thực hiện các công trình vững chắc về hạ tầng cho đất nước như xây dựng sân bay, làm đường cao tốc… Nghĩa là các ngân hàng không được tham gia đầu tư vào những loại trái phiếu doanh nghiệp thông thường, thì mới giúp lành mạnh thị trường vốn.
- Xin cảm ơn ông!
Ngân hàng chỉ được mua TPDN khi nợ xấu dưới 3% Trước tình trạng ngân hàng đổ mạnh vốn vào TPDN, ngày 10/11/2021, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 16/2021/TT-NHNN về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (ngân hàng) mua, bán trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, một trong những nguyên tắc mua, bán TPDN được đưa ra là tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được mua TPDN khi TCTD đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với TCTD trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp. (các quy định hiện hành không quy định nội dung này). TCTD mua, bán TPDN phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và phải ban hành quy định nội bộ về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan. Đặc biệt, NHNN quy định, TCTD không được mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành; có mục đích tăng vốn… |
Thanh Hoa thực hiện