Tính cả giai đoạn 1993-2023, lượng kiều hối gửi về nước đạt gần 200 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ.
Hiện nay, kiều hối chuyển về Việt Nam qua hai kênh chủ yếu là ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối.
Nhiều ngân hàng thương mại cho biết lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối.
Ước tính lượng kiều hối chảy về cả nước năm 2023 đạt khoảng 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước. |
Chẳng hạn, tại công ty Kiều hối Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank-SBR), doanh số chuyển ngoại hối trong năm 2023 tăng hơn 95% so với 2022, mức tăng cao nhất 5 năm trở lại đây.
Kiều hối chuyển qua kênh chính thức đã giúp tổ chức tín dụng tiếp cận các hộ gia đình, cung cấp dịch vụ tài chính, tạo cơ hội cho họ quản lý tài chính cá nhân, hạn chế rủi ro tài chính. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng sẽ phát triển mảng bán lẻ đến từng người nghèo ở khu vực nông thôn, thúc đẩy tiết kiệm, đầu tư hiệu quả từ nguồn kiều hối.
Tính đến tháng 11/2023, có 421 dự án của kiều bào tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký trên 1,72 tỷ USD.
Nhìn nhận diễn biến tích cực này, các chuyên gia cho rằng hậu Covid-19, một số nước bắt đầu tháo gỡ việc thắt chặt xuất nhập cảnh, giúp lượng người Việt xuất khẩu lao động tăng lên, là một trong các lý do khiến kiều hối tăng mạnh so với năm ngoái.
Theo chuyên gia kinh tế PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, năm 2023, kinh tế toàn cầu đều khó khăn nên dòng tiền của người Việt từ nước ngoài gửi về Việt Nam ở mức 16 tỷ USD là rất cao. Đây là nguồn vốn lớn bổ sung vào đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Điều này đã đóng góp lớn vào việc đảm bảo đời sống của nhiều gia đình, hỗ trợ an sinh xã hội trong nước.
Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, với bản chất là nguồn ngoại tệ từ thu nhập, tích lũy của kiều bào, của người lao động ở nước ngoài chuyển về có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương.
Tại buổi gặp mặt và biểu dương kiều bào tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho đất nước, cộng đồng trên nhiều lĩnh vực do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 2/2, bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, hiện có gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng TP Hồ Chí Minh có khoảng 2,9 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc tại các nước. Trong năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, bất ổn chính trị ở nhiều nơi, nhưng kiều bào vẫn nỗ lực thích ứng, ổn định cuộc sống và tiếp tục đóng góp cho quê hương đất nước.
Do đó, trong năm qua, TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương đón nhận lượng kiều hối nhiều nhất với gần 9,5 tỷ USD, chiếm gần 60% của cả nước. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất thập kỷ, một phần do nền thấp của năm 2022.
Đáng chú ý, nguồn kiều hối đổ về Việt Nam nhiều nhất lại đến từ các quốc gia khu vực châu Á. Trong đó, 3 thị trường lao động lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Riêng đối với thị trường Mỹ và châu Âu, dự báo lượng kiều hối về Việt Nam sẽ thấp hơn so với khu vực châu Á do những bất ổn về chính trị như xung đột Nga - Ukraine và Israel - Hamas sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của lượng ngoại tệ từ kiều bào gửi về Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, châu Á là khu vực có sự ổn định về kinh tế, chính trị cùng với quan hệ kinh tế, hợp tác lao động ngày càng mở rộng. Do đó, đây sẽ là khu vực có tác động đến tăng trưởng kiều hối thời gian tới.
Để thu hút nguồn lực quý giá này, thời gian qua, các nhà băng đã triển khai nhiều chương trình với chính sách ưu đãi hấp dẫn, như Vietbank, Sacombank, Agribank, BIDV…
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh kỳ vọng lượng kiều hối chuyển về tăng khoảng 20% khi kinh tế thế giới được dự báo sẽ chuyển mình sau đại dịch, nhưng cũng gặp thách thức với diễn biến phức tạp của tình hình địa chính trị, xã hội.
Thanh Hoa