GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã có những chia sẻ với VnBusiness về kỳ vọng của ông về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ tới đây.
GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. |
Dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam vào ngày 10 – 11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Ở góc độ đầu tư, ông đánh giá những tác động về hợp tác đầu tư từ chuyến thăm này như thế nào?
2023 là năm kỷ niệm tròn 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ, trước khi ông Joe Biden sang Việt Nam, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đánh giá kể từ khi bình thường hóa giữa hai nước, Việt Nam và Mỹ đã tạo quan hệ bền vững, năng động và hiệu quả. Tôi cho đấy là đánh giá đúng, thực chất.
Nhìn vào số liệu, chúng ta có thể thấy, nếu năm 1995, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt - Mỹ mới có 450 triệu USD, năm 2005 là 7,8 tỷ USD thì đến năm 2015 là 45,1 tỷ USD và năm 2022 là 123 tỷ USD, gấp 240 lần. Có thể nói trong lịch sử thương mại Việt Nam, không có tốc độ tăng trưởng nào bằng quan hệ thương mại với Mỹ.
Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/8/2023 là 1.286 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 11,7 tỷ USD. Hiện, Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 11 trong tổng số 143 nhà đầu tư nước ngoài đang rót vốn vào Việt Nam. Điều này cho thấy, tiềm năng thu hút vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam là cực kỳ lớn. Đây là vốn trực tiếp, còn vốn gián tiếp thông qua nước thứ 3 là lớn hơn nhiều, điều này đã được một số chuyên gia, học giả người Việt và nước ngoài nghiên cứu và chứng thực.
Với những doanh nhân, tỷ phú thế giới, họ xét Việt Nam không chỉ về lợi ích của mình mà còn xét về lợi ích của chính họ, của dân tộc họ. Từ đó, là lợi ích hai bên, vì vậy, chúng ta nói về đầu tư, tôi nói con số đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam còn rất nhỏ so với tổng số vốn 120 tỷ USD mà Mỹ đầu tư khắp thế giới. Nhưng chúng ta hãy chờ, chỉ cần vài ba dự án thôi là cục diện sẽ khác. Không nên nhìn phiến diện số vốn ít, hạn chế hoặc trong ngắn hạn, mà cần nhìn rộng ra, làm sao để chớp lấy cơ hội.
Chất xúc tác cho đầu tư thương mại Việt - Mỹ là các chuyến viếng thăm liên tiếp của các nhà lãnh đạo Mỹ, doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ vào Việt Nam. Tôi cũng đọc một bài viết của tỷ phú Bill Gates phát biểu ở Nhật Bản, ông ấy chọn Việt Nam vì đầu tư ở Việt Nam có lợi cho ông ấy, có lợi cho Việt Nam và như vậy quan hệ Việt - Mỹ sẽ có lợi hơn.
Vậy ông nhìn nhận đâu là những lĩnh vực mà Việt Nam có thể thu hút đầu tư từ Mỹ trong thời gian tới?
Hiện nay, thế giới đua nhau cạnh tranh về bán dẫn mà bán dẫn không thể thiếu đất hiếm được. Trung Quốc mỗi năm sản xuất, xuất khẩu hơn 220.000 tấn đất hiếm, cung ứng hơn 80% đất hiếm cho thế giới, “độc quyền” về đất hiếm.
Việt Nam là nước có trữ lượng đất hiếm lớn thứ 2 thế giới với khoảng 2 triệu tấn. Với Việt Nam, khi chúng ta bắt đầu mở cửa, phát hiện ra dầu thô như nguồn năng lượng xuất khẩu, tạo 20% nguồn thu ngân sách hằng năm. Bây giờ, khi tiến đến một bước ngoặt mới, chúng ta phát hiện và có kế hoạch khai thác đất hiếm.
Có thể nói, đất hiếm là quý giá vô cùng. Năm 2022, chúng ta xuất hơn 4.500 tấn đất hiếm, thu về hơn 200 triệu USD. Nếu chúng ta tạo ra được hơn 220.000 tấn đất hiếm như Trung Quốc thì sẽ có lợi thế rất lớn. Thế giới ngày nay là trao đổi vị thế, anh có cái gì trao đổi với tôi, anh mới có vị thế, còn anh phụ thuộc hoàn toàn, thì không bao giờ anh có vị thế đàm phán với tôi cả.
Bán dẫn hiện nay không chỉ Intel, LG hay Foxconn đâu mà còn nhiều doanh nghiệp khác cùng tham gia sản xuất và thị trường này đang rất rộng mở. Việt Nam có cơ hội vì có tài nguyên lớn, chúng ta có 'át chủ bài' và chiến lược cần liên kết, khai thác hợp tác có hiệu quả để tận dụng cơ hội đưa đất nước phát triển trong các ngành, lĩnh vực mới, tạo động lực mới cho đất nước.
Ngoài đất hiếm, chúng ta có thể liên doanh với Mỹ ở các lĩnh vực công nghệ. Bởi lẽ, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu thế giới về công nghệ nguồn, cốt lõi. Tôi nhớ khi Chủ tịch Tập đoàn Intel sang Việt Nam, có trao đổi với lãnh đạo Việt Nam: Intel hiện có 3 nhà máy sản xuất chip đầu nguồn là ở Mỹ, Scotland và Israel và sắp tới là Việt Nam. Nếu không phải là đối tác đáng tin cậy, thì họ không có ý định như vậy.
Thêm vào đó, Việt Nam có chiến lược phát triển bền vững, cam kết năm 2050 phát thải ròng bằng 0. Chúng ta cam kết với thế giới trong cuộc đua về chống biến đổi khí hậu và cần năng lượng sạch, bền vững. Trong khi Mỹ là nước có công nghệ này hàng đầu. Hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch rất quan trọng, bởi nó gắn với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, Việt Nam có thể hợp tác với Mỹ trong việc phát triển các dịch vụ hiện đại, blockchain, thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo… Mỹ là nước dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này. Khi tạo lòng tin cho nhau rồi, những chuyển giao công nghệ giữa Mỹ và Việt Nam cực kỳ quan trọng và dễ dàng hơn.
Làm thế nào để biến những tiềm năng, cơ hội trên trở thành các dự án đầu tư tỷ USD của các tập đoàn hàng đầu Mỹ vào Việt Nam, thưa ông?
Tôi hoàn toàn tin tưởng chúng ta có thể làm được những điều này khi chúng ta là một trong những nước phát triển ngành công nghệ thông tin hàng đầu ASEAN. Chúng ta có chiến lược phát triển ngành bán dẫn trong tương lai gần và có tài nguyên đặc biệt đất hiếm.
Ngoài ra, tôi cũng nhắc là chúng ta có tài nguyên lớn là con người Việt Nam, thế hệ trẻ nhanh nhẹn, thông minh và ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới… Đây là những điều quan trọng giúp chúng ta có lợi thế khi liên kết với Mỹ và là khởi đầu quan trọng trong hợp tác sâu rộng ngành lĩnh vực chiến lược trong tương lai.
Trong chiến lược thu hút FDI, Việt Nam có quan điểm không chỉ coi trọng về số lượng mà đặt chất lượng và phục vụ ngành ưu tiên lên hàng đầu. Thu hút FDI làm sao hiệu quả nhất, gắn với thực hiện bằng được các mục tiêu chiến lược của đất nước đề ra. Đó là định hướng rất đúng, trước đây chúng ta muốn thực hiện nhưng chưa làm được, bây giờ chúng ta có thể làm được rồi.
Có những vấn đề tôi luôn cần phải nhắc lại. Với nhà đầu tư châu Á, đầu tư vào Việt Nam họ ngại nhất là thủ tục hành chính, nên họ dùng liên doanh để người Việt làm chân chạy thủ tục.
Nhưng các nước như Mỹ, EU thì nhà đầu tư cần đầu tiên là minh bạch, công khai, dễ dự báo, ít thay đổi, không hồi tố… và phải thực thi luật pháp nghiêm chỉnh. Đồng thời, chúng ta muốn thu hút doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào công nghệ cao, thì Việt Nam cần đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, tài sản thương hiệu, chống buôn lậu, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Thêm vào đó, các cơ quan hành chính của Việt Nam cần phải cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn, xóa bỏ tham nhũng vặt gắn với sách nhiễu, đòi hỏi nhà đầu tư phải "lót tay".
Không phải doanh nghiệp Mỹ, EU chưa muốn đầu tư nhiều vào Việt Nam mà là do chúng ta chưa tạo được các điều kiện thuận lợi thế để để họ đầu tư vào Việt Nam.
Tôi mong rằng dịp sang thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ là cơ sở, tiền đề chúng ta xóa bỏ những tồn tại trong cơ chế quản lý, bất cập về thu hút đầu tư để biến những cơ hội tốt đẹp từ ngoại giao, chính trị, trở thành những thành quả kinh tế đầy hiệu quả, thực chất và Việt Nam thực sự tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất toàn cầu của Mỹ.
Thy Lê (thực hiện)