Dự kiến, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam vào ngày 10 – 11/9 theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Thúc đẩy tăng trưởng tập trung vào công nghệ, đổi mới, mở rộng quan hệ giữa nhân dân hai nước thông qua trao đổi giáo dục và các chương trình phát triển lực lượng lao động, chống biến đổi khí hậu, tăng cường hòa bình, thịnh vượng là ổn định khu vực là những điểm nổi bật trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ đến Việt Nam.
Nhiều 'đại bàng' Mỹ quan tâm Việt Nam
Theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) trong 8 tháng đầu năm nay, Mỹ có 72 dự án đầu tư mới vào Việt Nam, với tổng số vốn đầu tư là 489 triệu USD, tăng 132% so với cùng kỳ năm trước.
Kỳ vọng sẽ có nhiều tập đoàn lớn của Mỹ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. |
Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/8/2023 là 1.286 dự án, với tổng số vốn đăng ký là 11,7 tỷ USD. Hiện, Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ 11 trong tổng số 143 nhà đầu tư nước ngoài đang rót vốn vào Việt Nam. Điều này cho thấy, tiềm năng thu hút vốn đầu tư từ Mỹ vào Việt Nam là cực kỳ lớn.
Các tập đoàn hàng đầu của Mỹ như Intel, Coca-Cola, Cargill… hiện đã đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD. Đáng chú ý, ông Nguyễn Thắng Vượng, Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho hay, sau đại dịch COVID-19, các công ty lớn của Mỹ (như Apple, Intel…) có xu hướng mới đi tìm nguồn cung của họ ngoài Trung Quốc. Nhờ đó, Việt Nam hoàn toàn có thể có cơ hội tiếp cận các tập đoàn đa quốc gia có trình độ cao, cũng như gia tăng cơ hội hợp tác liên Chính phủ về kinh tế thương mại, khoa học kỹ thuật để tạo đà phát triển, đón nhận và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đáng chú ý, ông Vượng cho hay, Apple đã chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Intel đầu tư mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP.HCM với giá trị lên tới 4 tỷ USD.
Gần đây, các tập đoàn lớn của Boeing, Google, Walmart tìm kiếm nghiên cứu môi trường đầu tư tại Việt Nam, tìm kiếm mạng lưới cung ứng để phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam.
Một thông tin đáng chú ý vừa được ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), chia sẻ đó là đang có sự dịch chuyển vốn của nhà đầu tư Bắc Mỹ đến Việt Nam. Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ cùng nhiều DN đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng hồi tháng 7 vừa qua, các tập đoàn lớn của Mỹ như AES, TIAA, CitiGroup, Mitsubishi châu Mỹ, Davidson Kempner Capital Management, S&P Global… đều rất quan tâm, tin tưởng vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam và cam kết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.
Cùng với đó, những lĩnh vực được DN Mỹ ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới là y tế, thương mại số, năng lượng, biến đổi khí hậu...
Doanh nghiệp Việt tìm cách gia nhập chuỗi giá trị
Có thể thấy, các lĩnh vực mà nhà đầu tư Mỹ quan tâm khi quyết định rót vốn vào Việt Nam đều có hàm lượng công nghệ cao, phát triển đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững. Đây cũng là định hướng mà Chính phủ Việt Nam hướng đến trong việc chuyển hướng thu hút vốn FDI chất lượng cao.
Tham dự đoàn hơn 50 công ty, tập đoàn Mỹ tới Việt Nam hồi tháng 3 năm nay, ông Rafael Frankel, Giám đốc Meta khu vực châu Á – Thái Bình Dương, công ty mẹ Facebook, chia sẻ đây là lần thứ 2, kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, ông có mặt tại Việt Nam. Ông đánh giá cao tính cần cù chăm chỉ và chất lượng của người lao động Việt Nam.
“Việt Nam là một trong những quốc gia mà chúng tôi tin vào tương lai phát triển và bằng chứng là các kết quả hợp tác rất tốt trong nhiều năm qua”, vị này chia sẻ và mong muốn được đóng góp vào sự phát triển của kinh tế số, đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong thời gian tới.
Đại diện tập đoàn năng lượng hàng đầu của Mỹ AES cũng cho biết, năng lượng tiếp tục là một lĩnh vực chiến lược quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa 2 nước. Tiến bộ trong các dự án năng lượng quy mô lớn của AES và các công ty thành viên khác sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam.
Tuy vậy, một trong những điểm cần cải thiện của Việt Nam đó là nỗ lực tham gia vào chuỗi của các DN nội địa. Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho hay sự đầu tư của các DN lớn của Mỹ cũng như các tập đoàn đa quốc gia sẽ giúp DN Việt tham gia với cả 2 vai trò vừa là người mua và người bán. Trong giai đoạn tới, với làn sóng FDI đầu tư lớn vào Việt Nam, cơ hội tham gia cung cấp linh kiện, tham gia vào chuỗi FDI rất lớn.
Tuy vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn yếu, hạn chế. “Nhìn thấy rõ khi DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng nhưng chỉ tham gia vào khâu trung gian, đáy đường “cong mặt cười” – tức là khâu thiết kế, phân phối do DN nước ngoài đảm nhận. Một khi lợi thế nhân công giá rẻ giảm dần thì lợi thế cạnh tranh sẽ mất đi”, ông Hoàn cho biết.
Song song với các chính sách đẩy mạnh thu hút dòng vốn FDI dịch chuyển, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp cho rằng, Việt Nam cần có bộ công cụ chính sách đủ mạnh để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển hơn. Một trong những điều mà các tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam quan tâm là khả năng cung ứng của công nghiệp hỗ trợ trong nước với các sản phẩm linh phụ kiện.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng nhận định, nhà đầu tư Mỹ chắc chắn không chỉ đến mình Việt Nam, mà còn có những động thái tương tự, thăm dò môi trường đầu tư với các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Ấn Độ... DN Mỹ đang tìm nhà cung cấp, nơi đầu tư để tạo nên chuỗi giá trị mới. Việt Nam là một trong những ứng cử viên sáng giá phải nắm bắt cơ hội
“Đối với nhà đầu tư Mỹ, tính minh bạch trong môi trường đầu tư kinh doanh là rất quan trọng, đó là kiểm soát tham nhũng khi xử lý thủ tục hành chính, chi phí phi chính thức phải chấm dứt”, một chuyên gia khuyến nghị.
Ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Quan hệ Việt Nam – Mỹ đang ở thời kỳ rất tốt đẹp. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thu hút được các dự án của nhà đầu tư Mỹ với chất lượng cao hơn, có giá trị gia tăng cao, liên kết và nâng cao năng lực của các DN Việt Nam để cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bộ KH&ĐT cùng các bộ, ngành Việt Nam sẽ đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các DN Mỹ và tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư để các DN hoạt động kinh doanh, sản xuất có hiệu quả và thành công tại Việt Nam. Ông Ted Osius Nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) Nhiều DN Mỹ quan tâm tới mục tiêu chuyển đổi số và chương trình chuyển đổi xanh của Việt Nam nhằm đáp ứng các cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đó là lý do, những lĩnh vực đầu tư mới được quan tâm. Chúng tôi có niềm tin mạnh mẽ vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam và luôn mong muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Toàn Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE) Việt Nam đang có cơ hội tốt để đón làn sóng đầu tư lớn từ Mỹ. Trên thực tế, luồng vốn từ Mỹ đầu tư tại Việt Nam không phải ít nhưng lại qua nước thứ 3 mới vào Việt Nam, dù điều này chưa có thống kê cụ thể. Những lợi thế mà Việt Nam có là tình hình kinh tế - chính trị ổn định, Chính phủ Việt Nam cũng đang nghiên cứu các chính sách ưu đãi mới khi quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng – trong đó nhiều “đại bàng” Mỹ sẽ nằm trong đối tượng chịu tác động… Đây là điều khiến nhà đầu tư Mỹ quan tâm đến Việt Nam, đồng thời thăm dò môi trường đầu tư kinh doanh. |
Nhật Linh