Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện nay 95% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về "sân chơi".
Ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi. |
Khối ngoại 'săn đón' khối nội khó... làm ngơ
Là một doanh nghiệp trong ngành, ông Nguyễn Quốc Phương, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (AVC), cho biết thị trường vận tải hàng không Việt Nam nói chung và thị trường logistics hàng không nói riêng được đánh giá còn nhiều dư địa tăng trưởng, cùng với những điều kiện thuận lợi từ các chính sách của Chính phủ như tham gia các tổ chức ASEAN, APEC, WTO, các hiệp định FTA, EVFTA ... và chính sách mở cửa bầu trời, tự do hoá trong chính sách vận tải hàng không mở ra những cơ hội kinh doanh mới.
Tuy nhiên, trong cơ cấu tổng sản lượng vận chuyển hàng hóa, thì hàng hóa quốc tế chiếm đến 80%. Và thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không trong nước chỉ chiếm 12%, 88% còn lại nằm trong tay 75 hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam.
Ông Phương đã chỉ ra những thách thức mà ngành vận tải hàng không Việt Nam phải đối mặt như sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam mới chỉ dừng lại ở sự phát triển riêng lẻ đối với từng hãng hàng không, từng cảng hàng không chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa hãng hàng không, doanh nghiệp giao nhận và khách hàng, đặc biệt là vai trò của chuỗi logistics.
Các hãng hàng không nội địa tuy đã có mức tăng trưởng nhanh nhưng vẫn thấp hơn các hãng hàng không quốc tế, đồng thời việc vận chuyển chủ yếu mới chỉ tập trung vào hành khách chưa có đội bay chuyên dụng vận tải hàng hóa.
Hiện cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác hàng hóa chỉ có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là có nhà ga hàng hóa chuyên biệt. "Các cảng hàng không của Việt Nam chưa đủ sức cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trong khu vực về năng lực trung chuyển như các cảng hàng không Suvarnabhumi (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Changi (Singapore), Chek Lap Kok (Hong Kong, Trung Quốc)", ông Phương đánh giá.
Đáng lo ngại, ông Đỗ Huy Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP giải pháp chuỗi cung ứng Smartlog, cho hay ngành logistics Việt Nam đang được các tập đoàn lớn trên thế giới quan tâm. "Tôi được biết nhiều doanh nghiệp lớn ở nước ngoài chỉ cần doanh nghiệp logistics Việt Nam có tài sản, đội xe thì sẽ mua ngay. Đó là những doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc... Họ mua doanh nghiệp của chúng ta để hoàn thiện hệ sinh thái, chuỗi dịch vụ của chính họ", ông Bình nói đồng thời chia sẻ thêm rằng ngay chính bản thân doanh nghiệp của ông cũng nhận được lời đề nghị mua lại từ phía nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều khi chính ông cũng lung lay trước lời đề nghị hấp dẫn đó.
Cái 'bắt tay' tạo nên sức mạnh
Trước thực tế trên, đại diện của Smartlog cho rằng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần sẵn sàng để thay đổi. Ứng dụng công nghệ vào hệ thống hoạt động của mình. "Đâu đó, nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn dựa vào lợi thế cạnh tranh là tài sản và mối quan hệ. Tuy nhiên, để tăng trưởng và phát triển lâu dài thì đây không phải lợi thế. Theo đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần "bắt tay nhau", ông Bình nhắn nhủ.
Theo ông Bình, nếu không hợp tác với nhau thì không giải được bài toán lớn của ngành logisitcs. Doanh nghiệp thực hiện công đoạn giao nhận cần sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp ở khâu vận tải, kho bãi để tạo ra hệ sinh thái của cả một ngành.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhìn nhận thời gian qua câu chuyện liên kết giữa các doanh nghiệp logistics đã được nói tới nhiều nhưng làm thế nào để đẩy mạnh mối liên kết này ở thực tế thì rất khó khăn. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của Hiệp hội, từ đó đóng vai trò trung gian trong việc kết nối từng doanh nghiệp logistics riêng lẻ với nhau để đưa ngành logistics Việt Nam phát triển vững mạnh.
Ông Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) thẳng thắn bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam đừng xem nhau như là đối thủ. Thực tế đã cho thấy doanh nghiệp logistics Việt chiếm đến 95% số lượng nhưng doanh thu chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại là rơi vào tay khối ngoại. Do vậy, các doanh nghiệp nội hãy hợp tác với nhau để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Bản chất tên logistics là đã bao hàm chuyện phải kết nối với nhau rồi.
Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá, dịch vụ logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng. Do đó, việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sẽ thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin giữa các doanh nghiệp.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng cần hình thành mạng lưới các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường. Tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam... Hoạt động này không chỉ cần sự chủ động của các doanh nghiệp mà còn cần những chính sách hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Lê Thúy