Đó là chia sẻ của đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình), Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam với Thời báo Kinh Doanh.
Nhìn một cách tổng thể, Hiệp định CPTPP sẽ đem tới những cơ hội và thách thức như thế nào đối với các DNNVV của Việt Nam, thưa ông?
Về cơ hội, thị trường của các nước tham gia CPTPP có quy mô lớn với GDP của cả khối chiếm 13,5% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. Việc tham gia hiệp định này sẽ giúp các DNNVV Việt Nam có một thị trường rộng lớn để tiêu thụ sản phẩm.
Hơn nữa, khi tham gia CPTPP, cộng đồng DNNVV sẽ rất ý thức được việc tự đào tạo nguồn nhân lực, nâng tầm về kỹ năng sản xuất, quản lý điều hành.
Cơ hội là rất lớn, song thách thức cũng không hề nhỏ. Trong đó phải kể tới kinh nghiệm hội nhập quốc tế của các DNNVV còn ít, hiểu biết về pháp luật quốc tế trong vấn đề kinh doanh, thương mại còn hạn chế nên không tránh khỏi bị thua thiệt khi ký kết các hợp đồng xuất, nhập khẩu.
Đặc biệt, khi cắt bỏ hàng rào thuế quan, hàng hóa từ các nước CPTPP sẽ đổ bộ vào thị trường nội địa của Việt Nam. Họ có thế mạnh là sản phẩm rẻ, mẫu mã đa dạng, sẽ tạo sức ép không nhỏ đối với hàng hóa của Việt Nam, nhất là khi phần lớn DNNVV vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, trình độ nhân lực thấp, chi phí sản xuất lớn.
Như ông vừa đề cập ở trên, cơ hội là điều dễ thấy nhưng muốn tận dụng được, các DN buộc phải vượt qua thách thức. Vừa qua, các DNNVV đã có sự chuẩn bị thế nào cho CPTPP?
Cách đây gần 2 năm, khi đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều chương trình, hội thảo, hội nghị phổ biến thông tin về TPP đã được tổ chức cho các DN Việt Nam nói chung và DNNVV nói riêng. Đến nay, sau khi Mỹ rút khỏi, TPP đổi tên thành CPTPP là khái niệm không hề mới với nhiều DN.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều DNNVV cho biết họ có nghe nhưng số DN hiểu cặn kẽ các cam kết, điều khoản trong hiệp định không nhiều.
Điều đó có nghĩa, nhiều DNNVV vẫn không nắm được khi CPTPP chính thức có hiệu lực, DN mình sẽ được những cơ hội và đối mặt thách thức nào.
Thậm chí, khi hiệp hội đi phổ biến kiến thức về hiệp định này, nhiều DN vẫn xem đó là những thông tin hão, không quan trọng.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân |
Thưa ông, ngoài việc không nhận thức rõ những cơ hội và thách thức từ CPTPP, DNNVV còn phải đối mặt với những khó khăn nào?
Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với khối DNNVV như Luật Hỗ trợ DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNNV và Quỹ Phát triển DNNVV…, nhưng thực tế hỗ trợ lại không mang lại nhiều hiệu quả.
Ví dụ, Quỹ Phát triển DNNVV có 2.000 tỷ đồng nhưng mới cho vay được 500 tỷ đồng.
Hay Luật Hỗ trợ DNNVV đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, trong đó có nội dung hỗ trợ DNNVV về thuế, phí… nhưng đến nay, sau gần một năm, rất ít DN tiếp cận được nguồn hỗ trợ này.
Vậy, vướng mắc đang nằm ở đâu? Tôi cho rằng vấn đề ở cơ chế, thủ tục cho vay, hưởng ưu đãi còn phức tạp. DN không chỉ khó khăn khi tiếp cận các quỹ hỗ trợ của Chính phủ, hiện nay, tại các ngân hàng thương mại luôn có gói tín dụng ưu đãi dành cho DNNVV nhưng do điều kiện cho vay thắt chặt nên nhiều DN không thể tiếp cận trong khi ngân hàng “thừa tiền”.
Trước những khó khăn như vậy, theo ông, Chính phủ cần hỗ trợ thế nào để các DNNVV có thể tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP?
Như tôi đề cập ở trên, muốn hỗ trợ DNNVV, Chính phủ cần phải tháo gỡ các rào cản trong tiếp cận vốn, đất đai cho các DN. DN có ý tưởng sản xuất kinh doanh nhưng chưa đáp ứng được các điều kiện vay vốn của quỹ tín dụng và ngân hàng, vậy nên phải làm sao tháo gỡ được các nút thắt này.
Cùng với đó, cần phải nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Thời quan vừa qua, môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, thủ tục hành chính thuế, hải quan, điều kiện kinh doanh… đã được cắt giảm, song vẫn cần phải đẩy mạnh hơn nữa, nhất là tình trạng phí bôi trơn, phong bì, phong bao vẫn còn.
Đồng thời, Chính phủ cần phải đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến nội dung các cam kết trong CPTPP tới cộng đồng DN.
Tham gia CPTPP, Việt Nam được ví là một trong 11 “con thuyền” cùng ra khơi, ra biển lớn. Lãnh đạo Chính phủ đóng vai trò là người giương cánh buồm theo chiều gió để lèo lái con thuyền Việt Nam song hành cùng các nước thành viên. Nếu chúng ta lơ là, không chịu thay đổi, con thuyền Việt Nam sẽ có nguy cơ tách mình ra khỏi khối và tụt lại phía sau.
Theo dự kiến, chiều ngày 12/11 tới, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Ông có bấm nút thông qua?
Chắc chắn là tôi sẽ đồng ý thông qua CPTPP. Việt Nam muốn phát triển là phải hội nhập quốc tế. Các DNNVV không tránh khỏi đối mặt nhiều khó khăn nhưng phải tự thay đổi chính mình.
Hội nhập sẽ đánh vào “bát cơm manh áo, thu nhập của chính DN”. Vì vậy, DN phải thay đổi tư duy, đổi mới quy trình sản xuất, cách quản trị để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thy Lê thực hiện