Sáng nay (5/11), thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hầu hết các đại biểu đồng tình với sự cần thiết tham gia CPTPP và cho rằng quan trọng nhất là cần phải làm rõ xem Việt Nam cần phải hành động như thế nào để tận dụng được lợi thế và hạn chế thấp nhất những bất lợi có thể mang lại đối với hoạt động kinh doanh trong nước.
Nhiều mặt hàng là thế yếu
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, hiện nay, so sánh với các nước trong Hiệp định, Việt Nam được đánh giá có 10 mặt hàng chủ đạo. Nhưng trên thực tế, sức cạnh tranh của các mặt hàng này đang xếp nhóm thấp nhất.
Đại biểu Hoàng Văn Cường |
Cụ thể, nhóm hàng dệt may, giày da, đồ gỗ là mặt hàng “chủ lực” của Việt Nam xếp hạng thứ 3. Nhóm hàng trung bình như: đồ gia dụng xếp thứ 5; mỹ phẩm xếp thứ 6. Còn những mặt hàng kém cạnh tranh nhất đang đứng gần như “đội sổ” như: điện, điện tử, vi tính đứng thứ 7; văn phòng phẩm, phim ảnh đứng thứ 9; mỹ phẩm đứng thứ 11...
Mặc dù hiện nay có một số sản phẩm Việt Nam không có thế mạnh để cạnh tranh khi tham gia CPTPP, trong đó có ngành chăn nuôi, nhưng ông Cường cho biết, trong thỏa thuận, chúng ta cũng có may mắn là được lùi thời gian thực hiện xóa bỏ thuế quan từ 7 - 10 năm.
Ngoài ra, Việt Nam có những lợi thế rất lớn khi khi Hiệp định này có hiệu lực, đó là các nước khác sẽ phải dành tỷ lệ cắt giảm các dòng thuế rất cao.
Chẳng hạn, Canada là 94%, Chi Lê: 95%, Nhật Bản: 86%; thấp nhất là Mexico: 77,2%. Trong khi đó, Việt Nam chỉ phải cắt giảm ngay lập tức 66%, 3 năm sau mới nâng lên 86%, có nhiều mặt hàng Việt Nam được quyền bảo lưu đến sau 10 năm, như thịt lợn, thịt gà, ô tô…
“Đây là những sản phẩm có sức cạnh tranh yếu sẽ có thời gian “vực dậy”. Điều này cho thấy, Việt Nam có nhiều cơ hội và thời gian để thay đổi mô hình sản xuất trong nước, nâng cao trình độ về công nghệ, năng lực cạnh tranh”, ông Cường nói.
Theo các đại biểu, vấn để đặt ra là với lợi thế như thế, nên xem xét hàng hóa có thể tham gia vào được hay không để được hưởng lợi và muốn tăng được thì hàng hóa trong nước phải đảm bảo sức cạnh tranh.
Ông Cường cho rằng, quan trọng nhất là hàng hóa Việt Nam phải đủ điều kiện tham gia, trong đó quy tắc về xuất xứ hàng hóa là vấn đề cốt lõi.
"Nếu chúng ta không thay đổi một số ngành đang được nhìn nhận là thế mạnh như dệt may, da giày thì sẽ không nắm bắt được cơ hội với CPTPP. Vì nguồn nguyên liệu hiện nay của Việt Nam chủ yếu phải nhập từ các nước ngoài khối. Cho nên, dù có thế mạnh về sản phẩm này thì lại bị vi phạm vào nguồn gốc sản phẩm không phải trong khối. Đây chính là thách thức lớn nhất với Việt Nam”, ông Cường nói.
Biến thách thức thành cơ hội
Tuy nhiên, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, những thách thức này lại tạo ra một cơ hội khác cho Việt Nam, đó là thu hút được các nhà đầu tư để tạo ra những doanh nghiệp sản xuất các nguyên liệu, nhằm tạo ra chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm trong nước mà không phải nhập từ bên ngoài.
Đây chính là cơ hội giúp Việt Nam thay đổi cơ cấu sản xuất trong nước, vì hiện nay chúng ta đang gia công là chính, tức nằm ở phân khúc có giá trị gia tăng thấp. Nếu thu hút được các nhà đầu tư vào sản xuất ngay từ công đoạn đầu tiên thì hoạt động sản xuất trong nước sẽ cùng tham gia vào tất cả các khâu trong chuỗi, khi đó giá trị gia tăng sẽ tăng lên.
“Tất nhiên việc này còn phụ thuộc vào chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam như thế nào. Đặc biệt, chúng ta đang nhìn thấy lợi thế khi Mỹ - Trung đang xảy ra chiến tranh thương mại, rất có thể nhiều nhà đầu tư hay doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc để sang nước khác. Nếu Việt Nam có chính sách thu hút hấp dẫn thì đây cũng là một cơ hội để thu hút các nhà đầu tư này để tạo ra các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam”, ông Cường cho biết.
Tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh giải trình thêm những nội dung đại biểu nêu về đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP và sửa đổi các luật liên quan.
Phó Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình đàm phán Hiệp định, bằng nhiều biện pháp, Chính phủ đã tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp về hiệp định này. Chính phủ cũng tham khảo các đánh giá, nghiên cứu của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới về tác động của hiệp định này đối với các nền kinh tế trong đó có Việt Nam và cho thấy các lợi ích cốt lõi của Việt Nam đều được đảm bảo.
“Trong quá trình thực thi Hiệp định CPTPP, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành liên quan cập nhập đánh giá tác động đến tổng thể nền kinh tế, cũng như từng lĩnh vực cụ thể để xây dựng giải pháp điều hành phù hợp”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Thanh Hoa