Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, CPTPP tiến bộ so với các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký vì đã quan tâm tới tất cả thành phần kinh tế trong xã hội, kể cả các khu vực yếu thế, bảo vệ người lao động, bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Mỗi năm tăng hơn 20.000 việc làm
Theo kết quả nghiên cứu của Bộ KH&ĐT, CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 – 26.000. Về xóa đói giảm nghèo, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp.HCM) đồng tình với sự cần thiết tham gia CPTPP và cho rằng Hiệp định hướng tới đảm bảo tất cả người dân trong khu vực được hưởng lợi.
Tham gia CPTPP có rất nhiều cơ hội, bởi đây là thị trường lớn có 11 quốc gia với GDP 11.000 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu; kim ngạch xuất khẩu 10.000 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu; dân số 500 triệu dân. Do vậy, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sẽ tăng.
Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý đây là thị trường khó tính vì thu nhập bình quân trên 30.000 USD/người/ năm. Như vậy, sản phẩm giá rẻ không thể đi vào khu vực này, vì thị trường yêu cầu sản phẩm có chất lượng cao, an toàn thực phẩm, giá cạnh tranh và công nghệ cao.
Tham gia thị trường này sẽ tạo cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng chúng ta cần có sự lựa chọn, đặc biệt những nước lớn như Úc, Canada, New Zealand – những nước đầu tư vào Việt Nam còn hạn chế.
Tuy nhiên, theo ông Ngân, nếu biết tận dụng những cơ hội mà CPTPP mang lại sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nên các chỉ tiêu về xóa đói giảm nghèo, tăng năng suất lao động, tăng GDP tăng theo.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, điểm quan trọng nhất mà các nước nhìn thấy khi mời Việt Nam tham gia vào CPTPP là thị trường 95 triệu dân, đồng nghĩa với khả năng tiêu thụ rất lớn. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức với Việt Nam.
Đồng quan điểm, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng có những cơ hội sẽ đến với tổ chức Công đoàn của người lao động như việc làm được tăng thêm, tiêu chuẩn lao động tiếp tục được nhấn mạnh.
CPTPP tiến bộ so với các hiệp định thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký |
Hạn chế tác động tiêu cực
Tuy nhiên, đại biểu Hiểu bày tỏ băn khoăn về con số tác động tăng thêm 20.000 – 26.000 việc làm. Theo vị đại biểu này, nếu cần thêm con số 20.000 lao động thì một doanh nghiệp may cũng đã có và thậm chí nhiều hơn thế…
Đồng thời, ông Hiểu cũng lo lắng khả năng một loại tổ chức nữa là đại diện người lao động nhưng tham gia để thực hiện hoạt động chính trị và chống phá, gây phức tạp cho trật tự an toàn xã hội.
"Chúng tôi có một số điều lo ngại rằng nếu không cẩn thận, tổ chức này sẽ hình thành một loại tổ chức công đoàn gọi là công đoàn vàng. Ở đó, giới chủ tự thành lập lên, sau đó thao túng, biến công đoàn ấy thành tay chân của giới chủ", ông Hiểu cảnh báo.
Trên cơ sở đó, ông Hiểu đề xuất, Chính phủ cần xây dựng kịch bản giải pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực để có thể có một môi trường phát triển bền vững, có thêm nhiều việc làm cho người lao động, hạn chế rủi ro trong doanh nghiệp, không bị lâm vào tình cảnh phá sản, giải thể.
Đồng thời, hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực lao động và công đoàn, tránh việc lợi dụng mục tiêu về chính trị trong việc hình thành tổ chức.
"Đây là các vấn đề mà chúng ta cần có giải pháp ngăn chặn. Chúng tôi rất ủng hộ tổ chức đại diện người lao động ra đời nhưng đó phải là một tổ chức thực sự vì người lao động, cùng người lao động hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp", ông Hiểu nói.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng đây cũng là cơ hội để tổ chức công đoàn bứt phá bằng hình thức đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động, vì người lao động, lấy lợi ích mà tổ chức công đoàn mang lại cho người lao động làm điểm tập hợp.
Thanh Hoa