Việt Nam trong những năm qua nổi lên như một trong những quốc gia đầy tiềm năng trong ngành công nghiệp bán dẫn với hàng loạt lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, người dân thành thạo công nghệ và lực lượng lao động trẻ dồi dào, có sức sáng tạo.
Điểm đến hấp dẫn
Giữ vị thế là đầu tàu kinh tế cả nước, Hà Nội trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều “đại bàng” quốc tế trong lĩnh vực bán dẫn đã đến “xây tổ” với những nhà máy trị giá hàng tỷ USD.
Tại tọa đàm ''Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội'' diễn ra sáng ngày 30/7, do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức, các chuyên gia cũng nhận định Hà Nội sắp tới sẽ đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong việc nghiên cứu chip bán dẫn...
Hà Nội đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp phát triển công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới. |
GS. TSKH Nguyễn Mại, chuyên gia kinh tế, đánh giá Hà Nội hiện có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện bán dẫn. Trước hết, TP là trung tâm chính trị, hành chính của Việt Nam. Cùng với đó, Thủ đô hiện có trụ sở 2 Viện Hàn lâm khoa học, hàng chục trường đại học với đội ngũ giáo sư, chuyên gia hàng đầu về khoa học, công nghệ; số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng.
Trong Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội được định hướng thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học; phát triển sản phẩm nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao...
Trước đó, tại hội nghị “Kết nối đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn TP. Hà Nội 2024” diễn ra ngày 29/7, ông Nguyễn Trần Quang, Phó Giám đốc HPA cho hay, với vai trò "huyết mạch" của nền kinh tế số, công nghệ bán dẫn là công nghệ nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện nay.
Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu... đến tìm hiểu và đầu tư.
Theo ông Nguyễn Trần Quang, các sự kiện trên nằm trong chuỗi sự kiện "Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn TP. Hà Nội 2024", hướng tới mục tiêu nắm bắt thực tế và tìm các giải pháp thúc đẩy sự phát triển, hợp tác của các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ bán dẫn trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng thời, kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội, trong nước và quốc tế, với các sản phẩm thuộc hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao.
Hoàn thiện hạ tầng, hút “đại bàng” quốc tế
Thực tế, ngành công nghiệp bán dẫn đã xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu thập kỷ 80 nhưng do chưa có chiến lược phát triển mang tầm quốc gia. Vì vậy, lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn khá sơ khai, chưa có sự tham gia sâu của doanh nghiệp nội địa, chủ yếu là doanh nghiệp nước ngoài.
Chỉ đến những năm gần đây, Việt Nam mới thực sự nổi lên như một trong những quốc gia đầy tiềm năng trong ngành bán dẫn với nhiều lợi thế về vị trí địa lý chiến lược, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, người dân thành thạo công nghệ và lực lượng lao động trẻ dồi dào, có sức sáng tạo.
Với những lợi thế sẵn có, nhiều “gã khổng lồ” quốc tế đang coi Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung là điểm đến đầu tư, gia tăng sản xuất. Điển hình, Apple hoàn tất chuyển 11 nhà máy vào Việt Nam. Boeing, Google và Walmart... đã công bố kế hoạch mở rộng mạng lưới sản xuất tại Việt Nam.
Để "dọn tổ đón đại bàng", Hà Nội đang đẩy mạnh xây dựng các khu công nghiệp hiện đại. |
Riêng tại Hà Nội, thời gian qua, hàng loạt khu công nghiệp công nghệ cao được hoàn thiện, xây dựng nhằm “dọn tổ đón đại bàng”. Đơn cử như Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hansip) đang thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, điển hình như Công ty TNHH Inventec Appliances (Đài Loan, Trung Quốc).
Dự án sản xuất vật liệu bán dẫn của Inventec Appliances có tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 125 triệu USD, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ quý IV/2024. “Các công trình hạ tầng, phụ trợ trong khu công nghiệp đang dần hoàn thiện và đã trở thành vùng trọng điểm phát triển chiến lược của Thủ đô...”, ông Yeh Li-Cheng, Tổng Giám đốc Inventec Appliances, chia sẻ.
Không chỉ có Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hansip), TP hiện còn có 11 khu công nghiệp đã hoàn thành xây dựng hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 2.930ha. Bên cạnh đó, có 14 dự án khu, cụm công nghiệp khác trên địa bàn TP đang trong quá trình triển khai cũng như đưa vào quy hoạch phát triển trong giai đoạn sắp tới.
Cũng cần nhắc lại là kể từ năm 2023, Chính phủ đã bàn giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc về cho UBND TP Hà Nội quản lý. Với hạ tầng đồng bộ, Khu công nghệ cao Hoà Lạc có đầy đủ điều kiện để hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư muốn tìm đến một vị trí là trung tâm kinh tế của vùng.
Hiện thực hóa tiềm năng
Theo GS.TSKH Nguyễn Quốc Sỹ, Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT, nếu phát triển được công nghiệp bán dẫn sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam, bởi đây là ngành siêu lợi nhuận, ít đất đai và tài nguyên - tài nguyên chính cần là trí tuệ chứ không phải mỏ khoáng hay rừng vàng biển bạc – đây là loại tài nguyên lớn hơn rất nhiều tài nguyên trong lòng đất.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng có thể phát huy lợi thế, hiện thực hóa tiềm năng, trở thành trung tâm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu?
GS.TS Cố Hồng Thọ thuộc Viện Bán dẫn Quốc tế nhìn nhận để phát triển được lĩnh vực bán dẫn, yêu cầu về cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực là hết sức quan trọng. Việt Nam có thể cần đào tạo hàng chục ngàn nhân lực chất lượng cao trong vòng 10 năm tới, và đây là bài toán cấp thiết đặt ra.
Để hiện thực hoá được mục tiêu trên, Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung cần đẩy nhanh nghiên cứu xây dựng viện nghiên cứu về bán dẫn tại các trường đại học; một phòng thí nghiệm quốc gia mở cửa cho tất cả giáo viên, học sinh có có hội đến tham quan, học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ, và tiếp cận những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực bán dẫn...
Trong khi đó, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, TP Hà Nội sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp chung phát triển các loại hình doanh nghiệp số theo phương châm "Chính quyền đồng hành-Doanh nghiệp hiến kế-Kinh tế phát triển". Thành phố sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp; phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo lập thị trường.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; chủ động nghiên cứu thị trường, lựa chọn định hướng nghiên cứu phù hợp, phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật, vi mạch bán dẫn,...).
Đông Phong