Chia sẻ với VnBusiness về những bất cập, thậm chí là "bê bối" của việc chiếm dụng quỹ BOG thời gian gần đây, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã nêu quan điểm trên.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam. |
Thưa ông, thông tin đáng chú ý những ngày gần đây là một ngân hàng đã tự động trích thu nợ từ các tài khoản khác của một doanh nghiệp (trong đó có tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu) để khấu trừ công nợ. Vậy xét theo quy định ngân hàng này có sai?
- Tôi cho rằng nếu theo quy định, ngân hàng cũng chẳng sai vì hiện tại có quy định về việc doanh nghiệp giữ quỹ, nhưng bản chất kinh tế phải hiểu đó là trách nhiệm của doanh nghiệp với quy định nhà nước theo kiểu trích số A, B hoặc C sang Quỹ Bình ổn.
Ngân hàng cũng hiểu được rằng, doanh nghiệp phải mở tài khoản riêng để giữ tiền bình ổn. Nhưng bản chất, tiền này vẫn là sở hữu doanh nghiệp, khi doanh nghiệp nợ vay không trả thì theo quy định của ngân hàng có thể phong tỏa số tiền đó.
Do vậy, tôi cho rằng, ngân hàng chẳng sai vì hiện tại tiền quy định gửi ở doanh nghiệp mở tài khoản sở hữu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nợ, ngân hàng phong tỏa tài khoản.
Vậy lỗi là do doanh nghiệp hay quy định quản lý quỹ BOG không chặt, thưa ông?
Trước hết đó là lỗi do doanh nghiệp, bởi đi vay ngân hàng nhưng không có khả năng thanh khoản, không trả được tiền cho ngân hàng nên bị siết nợ bằng tiền giữ hộ của người tiêu dùng.
Nhưng thực tế ở góc độ kinh doanh xăng dầu, tôi cho rằng trong giai đoạn năm 2022, doanh nghiệp đầu mối thua lỗ bởi phải nhập về với giá cao, càng nhập càng lỗ. Đó cũng là cái khó của họ.
Những bê bối Quỹ BOG xăng dầu mà báo chí thông tin thời gian qua như vụ Xuyên Việt Oil chiếm dụng quỹ hay ngân hàng siết quỹ của vận tải thủy bộ Hải Hà... Ông nhìn nhận thế nào về hoạt động, vai trò của quỹ này hiện nay?
- Bên cạnh những tích cực của quỹ thì đang bộc lộ những hạn chế nhất định. Như chúng ta đã biết, Quỹ BOG ra đời từ hơn 10 năm trước (2009) lúc đó tình hình xăng dầu khác bây giờ, biên độ biến động giá nhẹ, mức độ tăng – giảm đồng đều giữa các mặt hàng, có lên - xuống tỷ lệ thuận với nhau.
Những năm gần đây thị trường biến động khác hẳn, biên độ thay đổi cao, có dị biệt trong các loại sản phẩm xăng dầu không đồng nhất, như khi dầu diesel tăng, xăng lại giảm.
Do vậy, việc sử dụng quỹ phát sinh ra những cái khác biệt so với hồi thành lập quỹ, bộc lộc ra khiếm khuyết trong công tác bình ổn, không chỉ ở quản lý mà tác dụng quỹ BOG giờ không hiệu quả tích cực như thời điểm cách đây hơn 10 năm.
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, đã đến lúc cân nhắc một cách nghiêm túc về việc bỏ quỹ BOG xăng dầu. Tác động tích cực một chút nhưng bộc lộ khó khăn vô cùng trong quản lý tại thời điểm hiện nay. Đến lúc thôi quỹ này đi là được.
Vậy nếu bỏ quỹ BOG, Nhà nước sẽ lấy công cụ gì để ổn định thị trường xăng dầu khi mặt hàng này vẫn do Nhà nước định giá?
- Nhà nước có thể can thiệp vào giá thông qua công cụ thuế, tức là chính sách tài khóa. Thực tế cũng chẳng có quốc gia nào còn tồn tại Quỹ BOG xăng dầu như Việt Nam mà họ cũng bình ổn thông qua công cụ thuế, để tăng tính hiệu quả.
Theo thống kê, 4 loại thuế hiện chiếm khoảng 38% giá xăng dầu như thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.000-2.000 đồng/lít. Do vậy, nếu can thiệp thông qua thuế sẽ hiệu quả hơn so với dùng Quỹ BOG.
Vừa qua nhiều người thắc mắc vì sao giá xăng dầu tăng liên tục mà chi quỹ rất ít, nhưng đó là theo quy định khi xăng dầu biến động bao nhiêu mới được chi quỹ và khi số dư cao thì sẽ dừng trích quỹ. Đó cũng là bất cập.
Đây chính là sự khác biệt của thị trường xăng dầu mà tôi nhắc đến ở trên. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa là Quỹ BOG xăng dầu không còn phát huy được hiệu quả tích cực, trong khi đó phát sinh ra những bất cập trong quản lý, theo dõi số dư Quỹ.
Xin cảm ơn ông!
Lê Thúy thực hiện