Cụ thể, qua 3 lần điều chỉnh giá (ngày 1/8, 11/8 và 21/8), giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tháng 8/2023 (tại kỳ điều hành ngày 21/8) được điều chỉnh so với tháng trước (tại kỳ điều hành ngày 21/7) như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 23.339 đồng/lít, tăng 1.700 đồng/lít; Xăng RON95-III không cao hơn 24.601 đồng/lít, tăng 1.809 đồng/lít.
Chỉ trong tháng 8, giá xăng dầu đã tăng mạnh từ 1.700 - 3.165 đồng/lít/kg, tùy loại. |
Cùng với đó, các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng rất mạnh: Dầu diesel 0.05S không cao hơn 22.354 đồng/lít, tăng 3.165 đồng/lít; Dầu hỏa không cao hơn 22.309 đồng/lít, tăng 2.809 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.981 đồng/kg, tăng 2.256 đồng/kg.
Như vậy, qua con số trên có thể thấy chỉ trong tháng 8 vừa qua, giá xăng dầu đã tăng rất mạnh, từ 1.700 - 3.165 đồng/lít/kg tùy loại.
Gần đây nhất, tại kỳ điều chỉnh giá ngày 5/9, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục tăng thêm từ 132 - 505 đồng/lít, ngoại trừ dầu mazut giảm 277 đồng/kg.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân khiến giá xăng dầu trong nước tăng là do thị trường xăng dầu thế giới chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh và lo ngại về nguồn cung thắt chặt hơn do Nga đang có ý định gia hạn cắt giảm sản lượng dầu xuất khẩu và việc Ả Rập Xê Út được dự đoán sẽ gia hạn cam kết cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày, bổ sung vào mức cắt giảm của OPEC+…
Mặc dù chịu sức ép từ giá xăng dầu thế giới, nhưng điều khiến nhiều người băn khoăn là Quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu - vốn được xem là công cụ để giữ ổn định mặt hàng này lại khá "bất động", nếu có chi thì chỉ rất nhỏ giọt.
Cụ thể, tại kỳ điều hành ngày 1/8, Liên Bộ Công Thương - Tài chính không chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng và dầu mazut; chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 400 đồng/lít; đối với mặt hàng dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành ngày 11/8, Liên Bộ tiếp tục không chi Quỹ BOG đối với 2 mặt hàng xăng, dừng chi Quỹ BOG đối với 2 mặt hàng dầu hỏa và dầu diesel, chi Quỹ BOG đối với dầu mazut ở mức 150 đồng/kg (kỳ trước không chi).
Tại kỳ điều hành ngày 21/8, Liên Bộ không chi Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel, dầu hỏa, dừng chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu mazut.
Gần đây nhất, tại kỳ điều hành ngày 5/9, liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn quyết định không trích lập và không chi Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Trong báo cáo, Bộ Công Thương luôn khẳng định sẽ phối hợp Bộ Tài chính để sử dụng công cụ Quỹ BOG một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
"Sử dụng công cụ Quỹ BOG một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới (khi giá thế giới tăng cao), góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu; đồng thời, tiếp tục khôi phục Quỹ BOG để có dư địa điều hành giá khi thị trường còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, giá có xu hướng tăng cao", một báo cáo của Bộ Công Thương nêu.
Thy Lê