Ngày 28/2, Tổng cục Hải quan cho biết, nửa đầu tháng 2 xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 76,5 triệu USD, so với cùng kỳ 2021, giảm khoảng 42%.
Riêng tháng 1, xuất khẩu các mặt hàng rau quả sang Trung Quốc đạt 148,9 triệu USD, chiếm 50,8% tổng kim ngạch nhóm hàng này. Con số này so với cùng kỳ năm ngoái giảm 18,5%.
Lũy kế từ đầu năm đến 15/2, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 368,5 triệu USD, giảm hơn 16% (tương đương hơn 72 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo, năm 2022, không chỉ các mặt hàng rau quả, mặt hàng khô của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. |
Theo nhận định của giới chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là do từ cuối năm 2021, việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, hoạt động thông quan tại các cửa khẩu biên giới đường bộ phía Bắc liên tục gián đoạn do phía Trung Quốc theo đuổi chính sách "Zero Covid", từ đó áp dụng các biện pháp mạnh chưa từng có để phòng, chống dịch bệnh, theo đó, một số cửa khẩu, lối mở với Việt Nam đã bị tạm thời dừng hoạt động.
Với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt của phía Trung Quốc, hiệu suất thông quan vẫn thấp. Trong tháng 2, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn tiếp tục ra thông báo tạm thời dừng tiếp nhận phương tiện chở mặt hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc đến cuối tháng 2. Tuy nhiên, hiện tại, lượng xe hàng chờ thông quan vẫn lên đến con số hàng nghìn, nguy cơ tái diễn ùn tắc hàng hóa nông sản tại đây đang rất cao.
Đến 8h ngày 25/2, tổng số xe chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu biên giới là 3.728 xe, trong đó, tại Lạng Sơn là 1.764 xe, Quảng Ninh là 1.584 xe, Lào Cai là 300 xe, Cao Bằng là 80 xe.
Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, số xe chở hoa quả tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn đang chiếm 70%. Với năng lực thông quan 90-100 xe/ngày, phải mất 15-20 ngày mới thông quan hết lượng xe này. Hiện Lạng Sơn đã có yêu cầu các địa phương tạm dừng đưa xe lên cửa khẩu, song vẫn có 50-70 xe lên cửa khẩu mỗi ngày với lý do đi qua Lạng Sơn để mang đến các địa phương như Cao Bằng nhằm tiêu thụ nội địa.
Dự báo, năm 2022, không chỉ các mặt hàng rau quả, mặt hàng khô của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do mới đây, để đảm bảo phòng dịch, Trung Quốc yêu cầu với mặt hàng khô của Việt Nam, bên ngoài bao bì phải được bọc màng nylon, tránh virus xâm nhập. Trong quy trình kiểm soát hàng của phía Trung Quốc sẽ có bước phải phun khử khuẩn hàng nông sản khô, do vậy doanh nghiệp bắt buộc phải đóng gói sản phẩm khô để tránh bị hỏng.
Hiện tại, nông sản khô của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu qua cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), trong đó, đa phần là tinh bột sắn. Bình quân trước Tết Nguyên đán, mỗi ngày có 60 xe tinh bột sắn được xuất sang Trung Quốc, trọng lượng khoảng 60 tấn/xe.
Không chỉ giảm ở thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau quả sang thị trường Thái Lan cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2021, với mức giảm lên tới 38,3% về hơn 10 triệu USD.
Tuy nhiên, ngược lại, các thị trường xuất khẩu đáng chú ý khác của nhóm hàng rau quả là Mỹ và Hàn Quốc lại tăng trưởng mạnh, lần lượt ở ở mức 22,35 triệu USD (tăng gần 70%) và 12,2 triệu USD (tăng gần 32%) ; Nhật Bản đạt mức 11,8 triệu USD (tăng 12%)...
Thanh Hoa