Mới đây Ngân hàng UOB đã công bố Nghiên cứu Triển vọng Doanh nghiệp năm 2024, khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp (SME & Doanh nghiệp lớn) tại 7 thị trường trọng điểm trên khắp ASEAN và Trung Quốc, trong đó có 525 doanh nghiệp tại Việt Nam. Kết quả cho thấy hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn lạc quan về môi trường kinh doanh hiện tại.
Theo khảo sát, gần 90% doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đến việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, trong đó ASEAN là thị trường hàng đầu mà các doanh nghiệp nhắm đến để mở rộng kinh doanh trong ba năm tới, tính đến năm 2026.
Một sự kiện giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc diễn ra cuối tháng 6/2024. |
Về triển vọng trong tương lai, gần 90% doanh nghiệp tại Việt Nam kỳ vọng năm 2024 sẽ tích cực với hiệu quả kinh doanh được cải thiện. Để đạt được điều này, các doanh nghiệp đang lên kế hoạch để tăng cường áp dụng các giải pháp kỹ thuật số, nâng cấp trang thiết bị hoặc cơ sở vật chất để nâng cao năng suất và đa dạng hóa các kênh bán hàng để thúc đẩy tăng trưởng.
Khoảng 60% doanh nghiệp được khảo sát tại Việt Nam cho biết động lực hàng đầu của họ cho việc mở rộng kinh doanh ra nước ngoài là để tăng doanh thu. Các nền tảng thương mại kỹ thuật số xuyên biên giới là một phương tiện phổ biến để mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, với hơn 9 trên 10 doanh nghiệp quan tâm đến việc sử dụng kênh này.
Khi nhìn vào các khu vực mà các doanh nghiệp Việt Nam đang nhắm tới cho việc đầu tư ra nước ngoài trong 3 năm tới, ASEAN là lựa chọn hàng đầu, với gần 7 trên 10 doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh ra khu vực này. Trung Quốc đại lục là thị trường trọng điểm thứ hai, với 37% doanh nghiệp muốn đầu tư vào quốc gia này. Trong ASEAN, Thái Lan là quốc gia quan trọng nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư vào, tiếp theo là Singapore, Malaysia và Indonesia.
Tuy nhiên, việc mở rộng ra nước ngoài là thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam do một số rào cản chính như thiếu khách hàng tại thị trường mới (41%), thiếu hỗ trợ về pháp lý, quy định, tuân thủ và thuế (39%) và khó khăn trong việc tìm kiếm đối tác phù hợp để hợp tác (38%)
Để thành công trong việc mở rộng ra thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp ở Việt Nam đang mong đợi những hỗ trợ tài chính như ưu đãi thuế hoặc hoàn thuế (42%), các nguồn tài trợ hoặc trợ cấp dành cho các thị trường mới (40%). Bên cạnh những hỗ trợ tài chính này, hơn 40% doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm các hỗ trợ phi tài chính, như kết nối với các doanh nghiệp lớn là khách hàng tiềm năng mà công ty của họ có thể cung cấp ở thị trường nước ngoài.
Nghiên cứu Triển vọng Doanh Nghiệp năm 2024 của UOB cũng cho thấy gần 9 trên 10 doanh nghiệp ở Việt Nam đã áp dụng số hóa ở ít nhất một bộ phận trong doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 41% doanh nghiệp đã số hóa trên toàn bộ hoạt động kinh doanh, tỷ lệ này là cao nhất trong khu vực. Hơn 80% doanh nghiệp Việt Nam đang có kế hoạch chi nhiều hơn cho hoạt động số hóa vào năm 2024, với hầu hết ngân sách đều tăng từ 10 - 25%.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp dự kiến sẽ phải đối mặt với một số thách thức, bao gồm những lo ngại về vấn đề an ninh mạng, thiếu hụt về kỹ năng kỹ thuật số trong đội ngũ nhân viên và rủi ro gia tăng về xâm phạm dữ liệu.
Các doanh nghiệp cho biết họ muốn có thêm các hỗ trợ như ưu đãi thuế/hoàn thuế, giúp kết nối với các nhà cung cấp giải pháp và công nghệ phù hợp cũng như có các chương trình đào tạo để nâng cao hoặc bổ túc kỹ năng cho nhân viên trong việc áp dụng số hóa.
Bên cạnh đó, tính bền vững được 94% doanh nghiệp Việt Nam đánh giá là quan trọng. Tuy nhiên, chỉ có 45% đã triển khai các hoạt động bền vững vào năm 2023.
Hơn một nửa số doanh nghiệp nhận thấy giá trị của việc áp dụng tính bền vững để nâng cao danh tiếng, xây dựng thương hiệu tốt hơn và thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các rào cản hàng đầu cản trở việc áp dụng tính bền vững nhiều hơn bao gồm thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp cho năng lượng tái tạo (38%), thiếu các lựa chọn tốt về tài chính bền vững (34%) và lo ngại về tác động tiêu cực đến lợi nhuận (34%).
Đỗ Kiều