Chị Phượng - chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai (Cần Thơ), cho biết do giá phân bón hiện tại vẫn ở mức cao nên so với các năm trước sức mua nhiều loại phân bón tại cửa hàng đã giảm mạnh tới hơn một nửa.
Nông dân khốn đốn, doanh nghiệp lãi đậm
Theo chị Phượng, giá phân bón tăng cao trong khi giá nhiều loại nông sản trồi sụt thất thường, làm cho nhiều nông dân thua lỗ nặng. Điều này dẫn tới việc cửa hàng khó thu hồi các khoản tiền nông dân mua thiếu phân bón từ đầu vụ.
Mặc dù khu vực ĐBSCL đang trong giai đoạn chăm bón cho vụ lúa Hè Thu 2022 nhưng nhu cầu tiêu thụ phân bón vẫn tăng khá chậm khi mà giá phân bón vẫn còn tăng cao. |
Không chỉ với ý kiến nêu trên, qua trao đổi với VnBusiness, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh phân bón ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) than phiền về sức tiêu thụ phân bón tại cửa hàng của họ trong tháng 4/2022 vừa qua giảm mạnh từ 30% đến 50% so với trước đây.
Như đánh giá từ giới chuyên gia, mặc dù khu vực ĐBSCL đang trong giai đoạn chăm bón cho vụ lúa Hè Thu 2022 nhưng nhu cầu tiêu thụ phân bón ở “vựa lúa” cả nước vẫn tăng khá chậm khi mà giá phân bón vẫn còn tăng cao.
Còn tại khu vực Tây Nguyên, ghi nhận ở tỉnh Đắc Lắc cho thấy nhiều nông dân đang “khóc ròng” vì rơi vào tình cảnh khó khăn khi điều vừa mất mùa, rớt giá nên tiền bán hạt điều tươi không đủ để trả tiền nợ đang chồng chất vì giá phân bón tăng quá cao.
Có thể nói, từ đầu năm 2022 đến nay, với 3 lần điều chỉnh tăng giá phân bón (trong đó mức tăng gần đây nhất là 15 - 20% khiến giá phân bón tăng lên mức cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây) đang là vấn đề lớn mà hàng triệu nông dân cả nước tiếp tục đối mặt.
Không chỉ giảm lợi nhuận hay thua lỗ, giá phân bón tăng cao đã làm cho không ít nông dân phải bỏ vườn, bỏ nghề. Nhất là khi chi phí phân bón chiếm tới 50% chi phí đầu vào trong sản xuất nhiều loại cây trồng. Vấn đề nông dân “khổ sở” với giá phân bón như hiện tại cũng được chính phía doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón thừa nhận.
Như tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022 được tổ chức vào cuối tháng 4/2022, ông Ngô Văn Đông, Tổng giám đốc CTCP phân bón Bình Điền, đã nhấn mạnh giá lúa thời gian qua không có nhiều biến động, thế nhưng giá phân bón đang rất cao đã chạm ngưỡng chịu đựng cho nông dân, gây nhiều khó khăn cho họ để trồng trọt.
Ông Đông còn lưu ý nếu giá phân bón tiếp tục bị đẩy lên cao, có nguy cơ dẫn đến việc nông dân bỏ ruộng.
Tuy vậy, trong khi nông dân khốn đốn vì giá phân bón, điều mà mọi người có thể thấy rõ là lợi nhuận của những DN liên quan đến ngành hàng phân bón vẫn có sức tăng trưởng khá ngoạn mục.
Mỏi cổ chờ chính sách “hạ nhiệt”
Đơn cử, trong báo cáo tài chính Quý I/2022 của CTCP phân bón Bình Điền thể hiện rõ lợi nhuận tăng 27% so với cùng kỳ năm rồi. Còn hồi năm 2021, lợi nhuận trước thuế đạt 371,2 tỷ đồng, tăng đến 85,4% so với năm 2020.
Hoặc như CTCP tập đoàn hoá chất Đức Giang (chuyên sản xuất hoá chất và khai thác nguyên liệu cho sản xuất phân bón), trong Quý I/2022 có lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.500 tỷ đồng. Con số này cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái (đạt hơn 291,9 tỷ đồng). Cần nhắc thêm, lợi nhuận sau thuế hồi năm ngoái của DN này là hơn 2.514 tỷ đồng, tăng tới 165% so với năm 2020.
Giới chuyên gia nhận định tương phản với hình ảnh điêu đứng, sụt giảm lợi nhuận một cách trầm trọng của nông dân chính là hình ảnh “ăn nên làm ra” của nhiều DN ngành phân bón.
Và mặc dù một số DN phân bón tỏ ra thận trọng với kế hoạch kinh doanh năm nay (thậm chí có DN đặt chỉ tiêu lợi nhuận giảm đến gần 50% so với năm rồi), nhưng thực tế hoạt động kinh doanh của họ vẫn cho thấy khá thuận lợi nếu nhìn vào những con số “sáng sủa” về doanh thu, lợi nhuận trong báo cáo tài chính quý I/2022.
Trong khi đó, với tình hình dịch bệnh và nguồn cung nguyên liệu khan hiếm như hiện nay, giá phân bón được dự báo sẽ tiếp tục tăng 20 - 40% trong quý II/2022.
Điều đáng nói, để nhằm “hạ nhiệt” giá phân bón, thời gian qua đã có nhiều giải pháp được nêu ra cho khâu hoạch định chính sách, thế nhưng thời gian thực hiện, tính khả thi, hiệu quả sẽ như thế nào vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Mới nhất là vào gần cuối tháng 4/2022, Bộ Tài chính đưa ra phương án tăng thuế xuất khẩu phân bón (với quy định thống nhất một mức thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm từ 31.02 đến 31.05) nhằm góp phần giữ lại nguồn phân bón sử dụng trong nước trong bối cảnh giá phân bón tăng cao.
Thực ra, từ hồi giữa năm ngoái đã có nhiều ý kiến đề xuất việc áp thuế với phân bón xuất khẩu hoặc thậm chí là tạm dừng xuất khẩu nhằm phục vụ tối đa thị trường trong nước. Vậy nhưng, những đề xuất đến nay vẫn nằm trên giấy, còn nông dân mãi gánh chịu thiệt thòi từ giá phân bón tăng cao triền miên.
Ngoài vấn đề nêu trên, dẫu biết giá phân bón trong nước tăng theo đà tăng của phân bón thế giới trước nhiều biến động, đặc biệt đối với những chủng loại trong nước chưa sản xuất được và phải nhập khẩu 100%. Tuy nhiên, các nhà quản lý nên tự vấn lại trách nhiệm của mình khi khâu hoạch định chính sách phản ứng chậm và thiếu quyết liệt chính là góp phần làm cho giá phân bón khó “hạ nhiệt”.
Thế Vinh