Theo thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), mới đây một doanh nghiệp Việt Nam khi nhập khẩu lô hàng trị giá hàng hóa khoảng 500 nghìn USD nhập khẩu từ UAE nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo.
Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu "sập bẫy" lừa đảo thương mại tinh vi. |
Cụ thể, từ tháng 1/2024 đến tháng 2/2024, doanh nghiệp Việt Nam đã ký 3 hợp đồng mua hàng với đối tác UAE, tổng lượng mua là 1.000 tấn nhựa PET, giá trị theo hợp đồng là 665.500 USD giao hàng tại Hải Phòng. Đến ngày 13/3, doanh nghiệp Việt Nam đã thanh toán cho đối tác số tiền là 526.257 USD.
Sau khi nhận đặt cọc, đối tác UAE đã tiến hành giao 25 container hàng. Tuy nhiên sau khi mở tờ khai và nhập hàng vào kho, doanh nghiệp Việt Nam phát hiện trọng lượng hàng thực tế trong mỗi container chỉ bằng 15-20% so với hóa đơn chứng từ. Trong quá trình kiểm hóa, nhập hàng, doanh nghiệp Việt Nam có tiến hành với sự phối hợp của đơn vị giám định độc lập và dưới sự chứng kiến của Chi cục Hải quan ở địa phương. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã hỗ trợ kịp thời và giải quyết hiệu quả cho doanh nghiệp.
Trước đó, đã có 5 container hồ tiêu, quế, điều và hoa hồi giá trị gần nửa triệu USD đã bị lừa đảo tại thị trường Dubai. Sau đó, nhờ sự hỗ trợ can thiệp của các cơ quan chức năng, các lô hàng đã được đưa về, song thiệt hại để theo đuổi các vụ kiện rất lớn.
Bà Hoàng Khánh Vân, Trưởng phòng xuất khẩu, Công ty CP Dược liệu và Thực phẩm Việt Nam - đơn vị chuyên xuất khẩu nông sản thị trường châu Á, chia sẻ, doanh nghiệp của bà cũng đã từng gặp rắc rối trong câu chuyện gian lận, lừa đảo thương mại này.
“Trước khi xuất các lô hàng là quế, mỗi container chúng tôi luôn đóng đầy kẹp chì và quay video rất cẩn thận. Tuy nhiên, không hiểu bằng cách nào khi hàng tới tay đối tác đều bị rút ruột một phần. Mặc dù DN đã kiến nghị cũng như tìm nhiều cách để khắc phục, song vẫn còn tình trạng trên. Điều này đã làm ảnh hưởng đến uy tín thương mại cũng như gây thiệt hại nhiều cho DN xuất nhập khẩu” – bà Vân bày tỏ.
Mới đây nhất, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam đã đăng thông tin công bố tên 39 doanh nghiệp có dấu hiệu lừa đảo đối với xuất khẩu hàng hóa. Qua đó, lưu ý cảnh báo và đề nghị doanh nghiệp thận trọng khi giao dịch với các đối tác này.
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay đang có vị trí hàng đầu thế giới, các doanh nghiệp tích cực xúc tiến thị trường mới, mở rộng quan hệ giao thương. Tuy nhiên, trong quá trình đó, doanh nghiệp gặp không ít rủi ro lừa đảo, gây tổn thất nặng nề về tài chính. Hơn thế nữa, khi những rủi ro, kiện cáo xảy ra thì doanh nghiệp rất thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế bởi đa phần doanh nghiệp có nội lực yếu, quy mô nhỏ.
"Điển hình, thời gian qua, các doanh nghiệp nông sản liên tục bị dính vào các vụ lừa đảo quốc tế. Chúng ta vẫn chưa quên câu chuyện kêu cứu của 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italia. Đây được nhận định là vụ lừa đảo xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp", vị đại diện nói.
Theo ông Trần Trọng Kim - Tham tán thương mại Việt Nam tại Arab Saudi, rất nhiều doanh nghiệp Việt xuất khẩu đã sập bẫy lừa đảo ở Trung Đông. Các đối tượng thường đưa ra các đơn hàng lớn, có giá trị hàng triệu USD, yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu Việt phải trả trước phí phát hành hợp đồng, phí luật sư, phí môi giới.
Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo tại đây thường không đàm phán về giá mà chấp nhận ký hợp đồng ngay khi doanh nghiệp chào hàng. Sau đó yêu cầu doanh nghiệp đóng hàng và gửi hàng nhanh chóng với lý do cần thiết phục vụ cho dự án lớn của cơ quan, tổ chức... Thậm chí, nhiều đối tượng mạo danh đại diện các tổ chức đứng ra đặt hàng với số lượng lớn rồi chiếm đoạt hàng.
Theo Bộ Công thương, để giảm thiểu rủi ro trong giao dịch kinh doanh thương mại với đối tác các nước ngoài, doanh nghiệp hết sức lưu ý đối với các hợp đồng giá trị lớn, các đối tác tìm kiếm qua mạng. Cụ thể, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác, chú ý các điều khoản về chế tài trong hợp đồng ký kết, có tính đến rủi ro có thể phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện giao dịch.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ Công thương đã tích cực chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về các hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện. Đồng thời, tăng cường hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức thương mại, tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong giao dịch thương mại quốc tế.
Hồng Hương