Đường nhập khẩu đang bán tại thị trường Việt Nam với giá khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg. |
Tại Hội thảo "Giải pháp cho ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới" ngày 1/12, hầu hết các doanh nghiệp mía đường đều cho rằng năng suất, trình độ sản xuất của ngành mía đường Việt Nam không thua kém các nước. Nếu có sòng phẳng và công bằng trong cạnh tranh, đường Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường.
Doanh nghiệp đường đang "hấp hối"
Câu chuyện thiếu hụt nguyên liệu sản xuất đường đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu và dù cũng đã có những giải pháp để hạn chế tình trạng này, song đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả.
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, với tổng công suất chế biến 162.300 tấn mía/ngày, nhu cầu mía nguyên liệu lên tới 24,35 triệu tấn. Hiện tại, nếu tập trung được toàn bộ mía nguyên liệu cho ngành công nghiệp đường chế biến thì tỷ lệ công suất chế biến được tận dụng cũng chỉ đạt 62,8%.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, con số thực tế còn gay gắt hơn rất nhiều. Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng cho biết, vùng nguyên liệu sản xuất mía đường ở Sóc Trăng đang ngày càng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2017 là 8.400 ha, năm 2018 là 7.000 ha, năm 2019 là 4.800 ha. Năm 2020 giảm còn khoảng 2.400 ha và dự kiến năm 2021 xuống dưới 2.000 ha.
Diện tích mía 2020-2021 giảm đến 72% so với 2017-2018 dẫn đến việc thu mua giảm sản lượng tương ứng của công ty.
Cụ thể là năm 2017, công ty thu mua được 476.000 tấn, năm 2018 là 257.000 tấn, năm 2019 là 249.000 tấn và năm 2020 giảm còn 170.000 tấn.
Về thu nhập bình quân của người trồng mía năm 2017 lỗ 5 triệu đồng/ha, năm 2018 lỗ 8,4 triệu/ha, năm 2019 lỗ 200.000 đồng/ha, đến năm 2020 thì hòa vốn.
Theo ông Hiếu, nguyên nhân khiến sản lượng liên tục giảm là do ảnh hưởng của hàng nhập lậu, của gian lận thương mại, ngoài ra còn do sự biến tướng trong sản xuất.
Chia sẻ thêm, ông Đặng Việt Anh, Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Sơn La chỉ ra rằng, sau Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,3 triệu tấn đường mỗi năm với giá 8.000 đồng/ kg, 90% trong đó có nguồn gốc từ Thái Lan. Nhưng tại chính Thái Lan, người dân đang phải mua đường với giá tương đương 18.000 - 20.000 đồng/ kg, tức cao hơn gấp đôi giá xuất khẩu. Người tiêu dùng Thái Lan phải mua đường nội địa giá cao gấp đôi hoặc hơn gấp đôi để trợ giá xuất khẩu.
Indonesia và Philippines là hai quốc gia khác trong khu vực cũng tham gia ATIGA từ năm 2015. Trong 5 năm từ đó đến nay, người tiêu dùng Philippines phải mua đường ở mức giá tương đương 20.000-22.000 đồng/kg, người tiêu dùng Indonesia phải trả khoảng 21.000 - 25.000 đồng/kg, tức cao gần gấp 3 lần giá đường thế giới niêm yết. Đây chính là điểm bất thường trong giá đường quốc tế.
Áp dụng các biện pháp chống bán phá giá
Theo ông Việt Anh, các quốc gia xuất khẩu đường buộc phải chốt giá đường tối thiểu trong nước ở mức cao để đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Ngay cả Mỹ, nơi người nông dân trồng mía dẫn đầu trong cơ giới hóa đất nông nghiệp và sản xuất công nghệ cao, giá đường nội địa cũng tương đương 30.000 đồng/kg. Cuộc điều tra của Hiệp hội Mía đường thế giới chỉ ra, không quốc gia sản xuất đường nào trên thế giới có khả năng sản xuất 1kg đường ở mức giá dưới 10.500 đồng trừ Brazil (mức khoảng 10.500 đồng được cho là mức giá để người nông dân trồng mía thu được lợi nhuận). Nghĩa là mức giá niêm yết thế giới (7.000 - 8.000 đồng) đã hoàn toàn bị bóp méo bởi trợ cấp.
Tính đến tháng 11/2020, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 21 biện pháp phòng vệ thương mại, gồm 13 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp tự vệ với các sản phẩm thép, kính nổi, dầu ăn, bột ngọt, phân bón, màng BOPP, nhôm, ván gỗ, sợi, đường... Trong số đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng 7 biện pháp chống bán phá giá, 5 biện pháp tự vệ và 1 biện pháp chống lẩn tránh biện pháp tự vệ. |
“Không có quốc gia nào trong 120 quốc gia sản xuất đường trên toàn cầu lấy giá đường niêm yết thế giới làm chuẩn thước đo cho giá sản xuất. Họ lấy mức giá đó làm cơ sở để xây dựng các hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, trợ giá và trợ cấp để bảo vệ ngành mía đường trong nước”, ông Việt Anh khẳng định.
Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp kiến nghị các cơ quan ban ngành tạo điều kiện cho người nông dân Việt Nam được bán mía với giá tương đồng Thái Lan, Indonesia và Philippines - những quốc gia cùng tham gia ATIGA (khoảng 1.200.000 đồng/tấn).
Theo ông Việt Anh, nếu được bán với mức giá đó, ngành mía đường Việt Nam sẽ phục hồi sớm trong khoảng vài năm tiếp theo.
Trên cơ sở kiến nghị của các doanh nghiệp, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, hiện Bộ Công Thương đang tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (còn gọi là HFCS) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước trước các hành vi phản cạnh tranh từ bên ngoài.
"Thực tế cho thấy các biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng đều đem lại hiệu quả tích cực cho các ngành sản xuất trong nước, giúp ngành khắc phục thiệt hại do sự gia tăng của hàng nhập khẩu gây ra, giữ vững và từng bước phát triển các ngành sản xuất trong nước liên quan", ông Dũng nhấn mạnh.
Thanh Hoa