Đây là nội dung được các diễn giả của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trao đổi trong buổi hội thảo "Xu thế dòng tiền ngoại – Cơ hội và thách thức" vừa được tổ chức.
Theo ông Hoàng Thạch Lân – Trưởng phòng Tư vấn Khách hàng Cá nhân của VDSC, với bối cảnh hiện tại, mốc 1.000 điểm là hoàn toàn có thể lấy lại ngay trong tháng 7 này.
Nhiều cổ phiếu lớn hồi phục
Tính tới phiên giao dịch ngày 19/7, thị trường chứng khoán đã có 6 phiên tăng điểm liên tiếp, sau đợt giảm sâu trước đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã có sự hồi phục đáng kể.
Đầu tiên phải kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong đó, cổ phiếu VCB của Vietcombank ghi nhận mức tăng gần 11% từ vùng giá 51.200 đồng/cp lên 57.500 đồng/cp.
Sau nhiều biến động nội bộ khiến thị giá cổ phiếu giảm sâu. Kể từ phiên giao dịch ngày 12/7, BID của BIDV cũng ghi nhận đà tăng mạnh 15,5% từ vùng giá 22.100 đồng/cp lên 26.150 đồng/cp (phiên 18/7); CTG cũng tăng 19,1% từ vùng giá 20.900 đồng/ cp lên 24.900 đồng/cp (phiên 18/7).
Cũng nằm trong nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán, một cái tên khác của nhóm cổ phiếu ngân hàng là VPB của VPBank cũng tăng 13,8% từ vùng giá 25.900 đồng/cp lên 30.050 đồng/cp; HDB tăng gần 7% từ vùng giá 32.800 đồng/cp lên 35.250 đồng/cp…
Ngoài nhóm ngân hàng, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng như GAS của PVGas tăng 8,2% từ mức 77.800 đồng/ cp lên 84.200 đồng/cp; VRE của Vincom Retail tăng 20,4% từ 35.700 đồng/cp lên 43.000 đồng/ cp; BVH của Tập đoàn Bảo Việt tăng 5,6% từ 71.500 đồng/cp lên 75.500 đồng/cp…
Đà tăng còn lan rộng ra toàn thị trường, kể cả nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, phần nào "cởi trói" tâm lý nhà đầu tư, khiến dòng tiền quay trở lại nhập cuộc.
Đồng hành cùng sự hồi phục về thị giá, thanh khoản tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cũng có sự cải thiện đáng kể, nhiều cổ phiếu đang hút lượng lớn tiền trên sàn chứng khoán như FPT, HPG, PLX, VJC…
Bên cạnh đó, những chuyển động từ động thái chính sách của cơ quan quản lý đến từng thành viên thị trường, nhằm hướng đến một mục tiêu "thích ứng với sự thay đổi của thị trường".
Mặt khác, mùa công bố báo cáo kết quả bán niên đã bắt đầu, kéo theo những kỳ vọng của nhà đầu tư về những kết quả kinh doanh tích cực.
"Sóng" thị trường đã bắt đầu gợn trở lại, thể hiện rõ tại nhóm cổ phiếu ngân hàng với kết quả kinh doanh tiếp tục ghi nhận nhiều kỷ lục mới. Cổ đông của những công ty bất động sản, chứng khoán, hàng tiêu dùng… cũng vững tin trở lại.
Sóng thị trường đã quay trở lại, Vn-Index có thể tìm lại mốc 1.000 điểm ngay trong tháng 7? |
Có cơ sở kỳ vọng
Theo nhận định của chuyên gia VDSC, trên khía cạnh kỹ thuật, chỉ số cần tăng 6% để quay lại cán mốc 1.000 điểm, nếu chỉ số tăng 1% mỗi phiên liên tiếp thì sẽ đạt được trong tháng 7.
Tuy nhiên, điều này là không dễ và chỉ số có khả năng điều chỉnh nhẹ tại vùng giá 960-970 điểm trước khi cán mốc 1.000 điểm.
Nhận định này dường như đang đúng hướng, khi phiên giao dịch ngày 20/7, chỉ số Vn-Index điều chỉnh giảm 10,58 điểm, nhưng HNX-Index lại tăng 2,03 điểm (1,93%) lên 107,62 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện mạnh với giá trị khớp lệnh trên toàn thị trường đạt gần 5.000 tỷ đồng, cho thấy tín hiệu khả quan dù thị trường điều chỉnh.
Tính trung bình khối lượng khớp lệnh bình quân 20 phiên gần nhất cho thấy sự chủ động hơn của bên mua, càng là minh chứng rõ ràng cho việc dòng tiền đang "hứng thú" lại với thị trường.
Về kết quả kinh doanh quý II/2018, dù vẫn chưa có nhiều con số cụ thể nhưng tình hình chung đều tích cực, trong đó, trọng tâm là nhóm ngân hàng.
Điển hình như Vietcombank, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 7.722 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ và đã thực hiện được hơn 55% kế hoạch năm; Vietinbank cũng công bố con số lợi nhuận trong nửa đầu năm 2018 là 5.200 tỷ đồng.
Hay Kienlongbank cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 78 tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ và 6 tháng tăng 14,4% đạt 151 tỷ đồng.
Ngoài ra cũng phải kể đến nhiều ông lớn như Masan với doanh thu thuần hợp nhất dự kiến đạt mức 17.728 tỷ đồng, Fecon dự kiến đạt 650 – 700 tỷ đồng doanh thu trong quý II, tăng trưởng trên 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ tại thị trường Việt Nam, mùa công bố kết quả kinh doanh quý II khả quan của các doanh nghiệp trên thế giới cũng giúp thị trường chứng khoán châu Âu, Mỹ tăng điểm trong những phiên gần đây.
Về hoạt động khối ngoại, ông Hoàng Thạch Lân cho biết số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tăng liên tục, hiện đâu đó thị trường ghi nhận có hơn 3.000 tài khoản tổ chức hoạt động với khoảng 100 quỹ mới vào Việt Nam.
Hơn nữa, những ảnh hưởng của thông tin tiêu cực đang tạm lắng lại, khối ngoại có thể tiếp tục bán ròng nhưng lực bán không mạnh như tháng 5, kịch bản sẽ lạc quan hơn trong tháng 7.
Việc kỳ vọng vào một tương lai sáng của thị trường là hoàn toàn có cơ sở, song ở vùng trũng tâm lý như hiện tại, rất cần những động thái tích cực và những nét vẽ sáng màu cho bức tranh thị trường.
Linh Đan