Thị trường chứng khoán Việt đã trải qua một nửa chặng đường của năm 2018 với nhiều cung bậc cảm xúc, "lên đỉnh" và xuống dốc chỉ trong một thời gian ngắn, với tâm lý hoang mang của giới đầu tư.
Chỉ số Vn-Index chính thức xác lập đỉnh cao mới 1.204,3 điểm vào ngày 9/4, sau khi đạt mốc lịch sử 1.170 điểm của năm 2007 hồi tháng 3. Tuy nhiên, Vn-Index chỉ trụ lại trên đỉnh cao nhất lịch sử vỏn vẹn 4 phiên, mở đầu cho đợt sụt giảm mạnh nhất kể từ sau khủng hoảng kinh tế cách đây 10 năm.
3 tháng: lên 1.200, xuống 900
Nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho đà giảm của thị trường như bị ảnh hưởng bởi diễn biến xấu từ nền kinh tế thế giới, hay tâm lý chốt lời của nhà đầu tư sau quãng thời gian tăng nóng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã vấp phải lực bán rất lớn.
Bên cạnh đó, sau thời gian dài dồn vốn đầu tư vào chứng khoán Việt Nam, khối ngoại đã liên tiếp bán ròng, động thái này diễn ra hầu hết trong tháng 5, khiến tâm lý các nhà đầu tư trong nước hoang mang.
Tính từ đầu năm 2018, khối ngoại vẫn mua ròng rất mạnh nhưng điều này là nhờ vào đột biến từ các giao dịch thỏa thuận của một số cổ phiếu. Có thể kể đến tháng 5, nếu không tính giao dịch thỏa thuận 248,9 triệu cổ phiếu VHM thì khối ngoại bán ròng khoảng 5.700 tỷ đồng.
Trong quý II/2018, thanh khoản của thị trường luôn duy trì ở mức thấp. Tổng thanh khoản hai sàn HNX và HoSE thậm chí còn xuống dưới 100.000 tỷ đồng trong hai tháng gần nhất.
Theo một thống kê mới nhất, trong quý II/2018, thị trường chứng khoán Việt Nam đứng đầu trong danh sách những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới, với mức giảm đạt gần 18%.
Những cổ phiếu vốn hóa lớn, được biết đến với vai trò là động lực tăng trưởng cho thị trường trong giai đoạn trước đó, trở thành nhóm giảm mạnh nhất khi thị trường lao dốc. Mức định giá trở nên quá cao khiến những cổ phiếu này không còn hấp dẫn để nắm giữ, và trở thành mục tiêu đầu tiên để chốt lời bảo vệ thành quả.
Cơn bão giảm giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi tiếp tục ghi nhận những phiên giảm điểm mạnh trong những phiên giao dịch đầu tháng 7.
Chỉ trong hai phiên giao dịch 2-3/7, chỉ số Vn-Index đã giảm tới 5,67% về mức 906 điểm, thấp nhất từ đầu năm 2018.
Phiên giao dịch ngày 4/7, sự hồi phục của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn, điển hình là VHM và VIC, đã kích hoạt được đà tăng của thị trường, chỉ số Vn – Index tăng 8,14 điểm lên mức 914,15 điểm.
Các nhà đầu tư chưa kịp vui mừng thì phiên giao dịch ngày 5/7, thị trường lại tiếp tục có một phiên "đỏ lửa", Vn-Index chính thức mất mốc 900 điểm, khi đóng cửa giảm sàn 15,6 điểm xuống còn 899,4 điểm.
Nếu tính từ phiên giao dịch ngày 9/4 tới nay, thì chưa đầy 3 tháng, chỉ số Vn-Index đã mất 304,9 điểm, tương đương 25,3%.
Hiện, trên các diễn đàn chứng khoán, câu hỏi về diễn biến của thị trường chứng khoán trong 6 tháng cuối năm 2018 sẽ thế nào, trước trạng thái "u ám" như hiện tại được các nhà đầu tư quan tâm.
Vn-Index chỉ trụ lại trên đỉnh cao nhất lịch sử vỏn vẹn 4 phiên |
Khó lên như đỉnh cũ
Theo một chuyên gia chứng khoán, thời gian qua, việc thanh khoản liên tiếp duy trì ở mức thấp cho thấy nhà đầu tư vẫn đứng ngoài thị trường, thờ ơ với những cơ hội bắt đáy, phản ánh vùng giá hiện tại vẫn chưa đủ hấp dẫn.
Theo nhận định của CTCK Rồng Việt, sự thờ ơ của các nhà đầu tư đã cho thấy niềm tin vào khả năng hồi phục của thị trường đang ở mức "báo động".Thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm chỉ diễn ra theo hai kịch bản, đó là tích lũy hoặc sẽ còn tiếp tục đi xuống.
Nhiều thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô hay kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp vẫn không thể kích hoạt được dòng tiền thì thị trường rất khó để có thể tăng điểm trở lại.
Hơn nữa, hiện tại, hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn có vai trò nâng đỡ thị trường thời gian qua, như nhóm ngân hàng, dầu khí, hoặc VNM, VIC, SAB… đều đã có mức giảm tương đối, tuy nhiên, thời gian điều chỉnh vừa qua vẫn là ngắn so với giai đoạn tăng trưởng dài trước đó.
Do đó, trong 6 tháng tới, khó có thể tìm được ra một nhóm cổ phiếu nào đủ sức dẫn dắt thị trường. Trong ngắn hạn, dòng vốn ngoại cũng sẽ khó có thể ngược dòng xu thế rút vốn khỏi thị trường mới nổi, nên động thái bán ròng của khối ngoại vẫn có thể tiếp tục diễn ra.
Đưa ra một quan điểm khác về bức tranh thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm 2018, ông Lưu Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI), cho rằng nhà đầu tư nên lạc quan và đặt niềm tin nhiều hơn vào nền kinh tế Việt Nam, tốc độ phát triển cũng như quá trình cải cách khu vực kinh tế tư nhân.
Theo ông Khánh, chỉ số Vn-Index sẽ sớm hồi phục trở lại vùng hỗ trợ 970-980 điểm, tăng dần trở lại vùng đỉnh cũ 1.200 điểm trong quý III/2018, và vượt đỉnh vào cuối năm. Tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị là những lợi thế khiến Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Linh Đan