Tuần giao dịch vừa qua (18-22/6), TTCK đã trải qua chuỗi ngày giao dịch tệ hại, với ba phiên lao dốc trước động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại.
Tính từ đầu tháng 6 tới nay, TTCK đã chứng kiến những phiên tăng, giảm đan xen. So với mốc đỉnh của ngày 9/4, chỉ số Vn-Index hiện đã giảm khoảng 20% xuống mức thấp hơn thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2017 (984,24) điểm.
Sự trở lại của khối ngoại
Tuần giao dịch vừa qua, khối ngoại tích cực bán ròng trên ha sàn chứng khoán, với tổng khối lượng lên tới hơn 770 tỷ đồng, tương đương 34 triệu USD.
Theo số liệu thống kê từ 1 đến 20/6, khối ngoại đã bán ròng hơn 2.200 tỷ đồng trên HoSE và cũng là tháng bán mạnh nhất từ đầu năm tới nay. Việc khối ngoại đẩy mạnh bán ròng đang ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý giới đầu tư cũng như xu hướng thị trường.
Có nhiều lý do để giải thích cho động thái bán ròng của khối ngoại thời gian qua, trong đó có việc các quỹ bán ra để tái cơ cấu lại danh mục.
Điển hình là hai quỹ VNM ETF và FTSE Vietnam ETF tiến hành cơ cấu danh mục trong tuần giao dịch 11-15/6. Hơn nữa, việc VNM ETF giảm tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục càng khiến áp lực bán ròng mạnh thêm.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư cũng cho rằng áp lực bán ròng có thể đến từ các quỹ đóng Dragon Capital hay VinaCapital.
Theo số liệu công bố cuối tháng 5, tỷ trọng tiền mặt trong danh mục của các quỹ lớn nhất do hai đơn vị này quản lý đang ghi nhận con số âm. Do đó, không loại trừ khả năng các quỹ này cũng tiến hành bán ra để tái cơ cấu danh mục.
Việc khối ngoại bán ròng với số lượng lớn, cùng với thông tin dòng vốn ngoại đang rút dần khỏi các thị trường mới nổi khiến nhà đầu tư hoang mang, thanh khoản thị trường sụt giảm.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng đã phải lên tiếng trấn an các nhà đầu tư và khẳng định dòng vốn ngoại vẫn ở lại TTCK Việt Nam và đang chờ cơ hội.
Thật vậy, nhà đầu tư có thể “thở phào” khi trong hai phiên giao dịch 21-22/6, mặc dù thanh khoản vẫn tiếp tục ở mức thấp nhưng thị trường đã xuất hiện “điểm sáng” là giao dịch mua ròng trở lại của khối ngoại.
Cụ thể, phiên giao dịch ngày 21/6, thanh khoản của thị trường ở mức khá thấp với giá trị khớp lệnh trên b sàn chỉ đạt 3.000 tỷ đồng, nhưng khối ngoại đã mua ròng gần 45 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Phiên giao dịch ngày 22/6, thanh khoản thị trường có cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp với giá trị khớp lệnh toàn thị trường chỉ đạt gần 3.600 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại là điểm nhấn đáng chú ý khi tiếp tục mua ròng khoảng 137 tỷ đồng.
Thị trường sẽ cần thêm thời gian |
Thị trường sẽ cần thêm thời gian
Theo một thống kê mới đây, trong nửa đầu năm 2016, các nhà đầu tư ngoại đã mua ròng gần 2,4 tỷ USD, bằng 80% lượng mua ròng cả năm 2017.
Ngoại trừ tháng 2 bán ròng khoảng 32 triệu USD, trong các tháng còn lại, các nhà đầu tư ngoại đều đã mua ròng bình quân 500 triệu USD. Đặc biệt, mức mua ròng gần đây đã tăng lên khi trong tháng 4, các nhà đầu tư ngoại mua ròng 617 triệu USD, tháng 5 là trên 700 triệu USD.
Những ngày gần đây, mặc dù các nhà đầu tư ngoại bán ròng trên cả hai sàn giao dịch, nhưng vẫn có nhiều dòng vốn ngoại mới đổ vào thị trường Việt Nam qua các đợt IPO.
Bên cạnh đó, phiên giao dịch cuối tuần qua, sau chuỗi ngày lao dốc, nhóm cổ phiếu ngân hàng, cũng như bluechip đã bứt phá giúp thị trường bật tăng mạnh mẽ.
Ngoài ra, các cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, xây dựng… cũng hồi phục khá tốt giúp thị trường trở nên sôi động hơn đáng kể.
Trên thực tế, trong một thời gian dài vừa qua, thị trường luôn giao dịch trong trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”, các chỉ số phụ thuộc hoàn toàn vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Nhóm này tăng – thị trường tăng, nhóm này giảm kéo thị trường giảm.
Sự trở lại của khối ngoại trong hai phiên giao dịch cuối tuần qua cũng chỉ tập trung tại nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn như VNM, HPG, VIC, VRE… Trong ngắn hạn, có thể nhóm cổ phiếu dẫn dắt vẫn tiếp tục duy trì được đã hồi phục trong một vài phiên tới.
Theo nhận định của công ty Chứng khoán SHS, mặc dù thị trường đã có sự hồi phục, nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục duy trì ở mức thấp, phần nào đó thể hiện việc nhà đầu tư đang hết sức “chán nản” với những diễn biến trên thị trường trong thời gian qua.
Tâm lý thận trọng cao độ đang bao trùm, dẫn đến việc dòng tiền suy giảm ngay cả khi giá cổ phiếu giảm. Theo đó, SHS cho rằng thị trường sẽ cần thêm thời gian nhằm tích lũy lại với diễn biến các chuỗi phiên tăng/giảm đan xen nhau với biên độ hẹp dần.
Đồng quan điểm với SHS, công ty Chứng khoán BSC cho rằng dòng tiền đầu tư chưa chảy mạnh vào thị trường, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng trên HoSE nhưng vẫn bán ròng trên HNX.
Do đó, BSC nhận định tâm lý thị trường vẫn nằm trong trạng thái lo ngại và khuyến nghị nhà đầu tư giữ nguyên tỷ lệ danh mục và hạn chế việc sử dụng margin cho đến khi thanh khoản thị trường đã hồi phục trở lại.
Linh Đan