Theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 - 2020, Vinacomin sẽ tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ trong năm 2019. Tuy nhiên, do vướng về đất đai, phương án xử lý tài chính…, lãnh đạo Tập đoàn đã đề xuất được điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa sang cuối năm 2020.
Tuy nhiên, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, việc cổ phần hóa công ty mẹ TKV khó có thể hoàn thành trong năm 2020 và vừa có đề xuất lùi thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp về ngày 1/10/2021 và thời điểm chuyển thành công ty cổ phần về ngày 31/12/2022.
"Ôm" nhiều đất
Theo báo cáo tài chính (BCTC) bán niên năm 2020, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt 57.459 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 1% so với con số 56.924 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 1.120 tỷ đồng, giảm gần 42% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Dự án trụ sở của Vinacomin tại "đất vàng" ngã tư Dương Đình Nghệ - Trung Kính "im lìm" nhiều năm qua. |
Tại thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản của Vinacomin đạt hơn 132.000 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả lên tới hơn 90.000 tỷ đồng – gấp đôi vốn chủ sở hữu 42.000 tỷ đồng.
Bên cạnh kết quả kinh doanh đi xuống, tính đến 30/6/2020 Vinacomin còn gặp khó khăn với các khoản nợ khó đòi như khoản cổ tức 13,26 tỷ đồng của CTCP than Cọc Sáu; khoản công nợ phải thu của CTCP Thương mại và Phát triển Hà Nội – chi nhánh Đà nẵng (Hapexco) 61,48 tỷ đồng.
Tính đến năm 2007, Tập đoàn đã trích lập dự phòng công nợ khó đòi toàn bộ số tiền trên. Đến nay, việc thu hồi công nợ không tiến triển được. TKV hiện đã thuê tư vấn luật để bảo vệ quyền lợi của Tập đoàn.
Báo cáo của Vinacomin cũng cho biết, tiến trình cổ phần hóa của công ty mẹ còn bị ảnh hưởng do một số dự án bị dừng thực hiện hoặc dở dang như: dự án Cảng Kê Gà Bình Thuận với tổng số vốn đầu tư là 88,7 tỷ đồng (triển khai từ năm 2006 nhưng năm 2014 bị dừng), dự án Khi lấn biển hình thành cụm công nghiệp Cẩm Phả (triển khai từ năm 2005 đến nay vẫn chưa hoàn thiện)...
Một nguyên nhân quan trọng khác ảnh hưởng đến Vinacomin trong công tác cổ phần hóa là theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ, để cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành quyết định cổ phần hóa thì trước đó phải có phương án sử dụng đất đã được phê duyệt. Vì vậy, tiến độ cổ phần hóa công ty mẹ - TKV hoàn toàn phụ thuộc vào phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của TKV đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong khi đó, doanh nghiệp có tới hơn 400 cơ sở nhà, đất nằm tại 32 tỉnh, thành phố. Vì vậy, Vinaconmin cho biết phải đến hết tháng 10/2020 mới hoàn thiện việc lập biên bản hiện trạng các cơ sở nhà đất này.
Thậm chí, theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp còn cho biết theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về việc sắp xếp lại và xử lý tài sản công của Bộ Tài chính thì đối tượng cơ sở nhà, đất thuộc diện phải rà soát lại của TKV có thể lên tới 1.000 cơ sở.
Các “siêu dự án con rùa"
Vinacomin là 1 trong 93 doanh nghiệp nhà nước có hạn chót cổ phần hóa là năm 2020 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Nhà nước sẽ giữ lại 65% vốn điều lệ tại Vinacomin. Đây cũng là doanh nghiệp có quy mô lớn thứ hai trong số các doanh nghiệp thuộc diện phải cổ phần hóa.
Bên cạnh việc sở hữu khối tài sản “khổng lồ”, Vinacomin được biết đến với việc sở hữu nhiều “siêu dự án” có tốc độ thi công “con rùa”.
Đầu tiên phải kể đến dự án trụ trở của Vinacomin tại ngã tư đường Dương Đình Nghệ - Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) được khởi công năm 2015 và dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý IV/2018. Tuy nhiên, hơn quá nửa năm 2020 đã đi qua mà dự án mới chỉ xây xong phần thô, và không hẹn ngày hoàn thành.
Được biết, dự án trụ sở Vinacomin được phế duyệt năm 2012 với tổng mức đầu tư 3.771 tỷ đồng. Dự án có thiết kế gồm 5 tầng hầm, 35 tầng nổi trên khu đất rộng 9.442m2, do chính Vinacomin làm chủ đầu tư.
Tiếp theo là dự án Tòa nhà trung tâm điều hành của Tập đoàn tại khu đất vàng số 95A, Lê Thánh Tông, phường Hồng Gai, TP. Hạ Long. Theo thiết kế, tòa nhà nằm trên khu đất rộng 5.075m2, 25 tầng, trong đó có 2 tầng hầm, tổng diện tích mặt sàn gần 30.000m2 với tổng vốn đầu tư trên 964 tỷ đồng, trong đó 30% lấy từ Quỹ Đầu tư phát triển của TKV và 70% vốn vay thương mại, được khởi công từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành năm 2014.
Kể từ khi triển khai, Vinacomin đã nhiều lần xin điều chỉnh tiến độ hoàn thành dự án. Cụ thể, năm 2015 xin chuyển sang năm 2017, đến tháng 5/2018 công ty lại có công văn xin giãn tiến độ đầu tư dự án, cam kết sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, đến nay thì đã quá nửa năm 2020 dự án vẫn chưa thể hoàn thiện.
Thực tế, những dự án của Vinacomin chỉ là một trong những ví dụ điển hình của thực trạng những dự án, công trình của các Tập đoàn Nhà nước xây dang dở, hoặc không hiệu quả gây nên sự lãng phí, thất thoát hàng nghìn, hàng chục tỷ đồng.
Điều này không chỉ gây thất thoát vốn cho Nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp, bởi tâm lý hoạt động cầm chừng, không dám chịu trách nhiệm... Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc chậm trễ cổ phần hoá của Vinacomin chưa chắc đã từ yếu tố khách quan như doanh nghiệp vẫn công bố.
Minh Khuê