Trong 2 tháng đầu năm 2020, cả nước mới thoái được vỏn vẹn 79 tỷ đồng vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp. Trước đó, cả năm 2019, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chỉ thoái được 82 tỷ đồng tại 12 doanh nghiệp (bán hết vốn tại 11 doanh nghiệp và bán bớt vốn tại 1 doanh nghiệp khác) thu về cho Nhà nước 314 tỷ đồng, gấp 3,8 lần giá trị vốn bán ra. Các bộ, ngành, địa phương cũng chỉ thoái được vốn tại 13 doanh nghiệp.
So với các năm trước, hoạt động thoái vốn của SCIC năm 2019 cũng đạt được rất thấp, cả về số lượng doanh nghiệp lẫn số vốn bán ra.
Nhận định khó khăn
Theo ông Nguyễn Đức Chi - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hoạt động thoái vốn không đạt được mục tiêu, nhưng có 2 nguyên nhân chính: thị trường chứng khoán khó khăn và cơ chế thoái vốn chặt chẽ.
Ông Chi cho biết, cả hai nguyên nhân này vẫn tiếp tục kéo dài sang năm 2020, thậm chí năm nay còn khó khăn hơn rất nhiều do đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong một báo cáo của Chứng khoán KBSV cũng đưa ra nhận định, tác động của dịch Covid-19 không chỉ gây ra các ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế trong nước, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, mà còn tác động đến kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước.
KBSV cho biết, từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng ở hầu hết các thị trường mới nổi, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế. Trong khi đó, đối với các động lực thu hút vốn ngoại trong nước, câu chuyện thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ khó có thể được đẩy mạnh.
Vốn nhà nước luôn là "phân khúc" hấp dẫn các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, thực tế đã chứng minh trong năm 2019 dù ít doanh nghiệp thoái vốn thành công nhưng kết quả là cứ 1 đồng vốn bỏ ra thì thu về được 3,8 đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Chi, "chỉ có một số ít doanh nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư, nên bán được giá cao, còn lại bán được đúng giá trị đầu tư đã là tốt". Có tới 40 doanh nghiệp tổ chức bán vốn nhiều lần đều không bán được, thậm chí có doanh nghiệp bán đến 8 lần đều “mang đến lại mang về”.
Thời gian qua, chính bản thân SCIC cũng liên tục thông báo bán vốn, thực hiện các quy trình bán vốn công khai, minh bạch theo đúng quy định nhưng rất nhiều thương vụ bất thành do không có nhà đầu tư quan tâm.
Đáng chú ý, nhiều thương vụ không bán được vốn không phải do hoạt động của doanh nghiệp yếu kém, kế hoạch sản xuất, kinh doanh không sáng sủa, mà bị vướng cơ chế. Có thể dẫn ví dụ như có doanh nghiệp nhà nước chỉ nắm giữ 10-20% vốn, trong khi cổ đông chi phối không mặn mà thì nhà đầu tư mới lại không quan tâm do có mua cũng không có tiếng nói.
SCIC vẫn công bố nhiều kế hoạch thoái vốn dù thị trường chứng khoán lao dốc (Ảnh: Internet) |
Biết khó vẫn làm
Dù những khó khăn là có thể nhìn thấy trước mắt, nhưng trong những ngày của tháng 3 - thời điểm dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp nhất tại nhiều quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam, SCIC lại liên tiếp công bố thông tin bán vốn nhà nước, thậm chí bán với giá cao.
Gần đây nhất là thông báo đưa 45 triệu cổ phần của CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (mã: HND) ra đấu giá trọn lô, tương đương 9% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành và cũng là toàn bộ sở hữu của SCIC tại công ty.
Giá khởi điểm 26.000 đồng/cp, tương ứng giá khởi điểm cả lô cổ phần lên đến 1.170 tỷ đồng. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào 14h30 ngày 22/4/2020. Trên thị trường chứng khoán hiện nay, cổ phiếu HND đang giao dịch quanh mức 14.100 đồng/cp, thấp hơn rất nhiều so với giá khởi điểm của SCIC.
Bên cạnh đó, nếu xét thêm về diễn biến giá, trong nhiều năm trở lại đây, cổ phiếu HND đều duy trì giao dịch giá thấp với phần lớn là dưới mệnh giá. Chỉ giai đoạn tháng 2/2020 bất ngờ tăng mạnh nhưng cũng chỉ lên cao nhất xấp xỉ 18.000 đồng/cp.
Về kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2019 của Nhiệt điện Hải Phòng đạt 11.301 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2018, lợi nhuận sau thuế tăng vọt 176% lên gần 1.173 tỷ đồng.
Ở một thương vụ khác, ngày 7/4 tới, SCIC dự kiến sẽ tổ chức phiên đấu giá trọn lô 19,5 triệu cổ phần, tương đương 47,63% vốn điều lệ của CTCP Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam mà SCIC đang sở hữu với giá khởi điểm 26.400 đồng/cp.
Dự kiến số tiền tối thiểu mà SCIC thu về nếu đấu giá thành công là gần 516 tỷ đồng. Toàn bộ số cổ phần đấu giá là cổ phần phổ thông và được tự do chuyển nhượng.
Có lẽ cơ sở để SCIC tự tin khi liên tiếp công bố thông tin thoái vốn là phiên đấu giá thành công 17,56 triệu cổ phần, tương đương 40% vốn điều lệ của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) vào trung tuần tháng 3 vừa qua, giá đấu thành công bình quân là 19.500 đồng/cp, thu về hơn 342 tỷ đồng.
Tuy nhiên, phiên đấu giá cổ phần của Cienco 5 thành công trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của công ty đang cho thấy sự đi xuống khi doanh thu năm 2017 và năm 2018 lần lượt đạt 490 tỷ đồng và hơn 275 tỷ đồng; lợi nhuận cả hai năm chưa đến 1 tỷ đồng.
Điểm hấp dẫn của doanh nghiệp có lẽ đến từ dự án Khu đô thị Mỹ Hưng (Thanh Oai, Hà Nội) với quy mô 182ha, tổng vốn đầu tư 17.075 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý IV/2022. Ngoài ra, Cienco 5 quản lý và sử dụng khu đất có diện tích 1.063 m2 tại TP. Đà Nẵng. Đây là khu đất là đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất.
Theo đó, nhìn vào đây có thể thấy rằng, sự thành công hay thất bại của các phiên đấu giá vốn nhà nước chưa chắc đã cần phụ thuộc vào diễn biến của thị trường chứng khoán, hay yếu tố khách quan khác, mà quan trọng nhất là doanh nghiệp đang có gì?
Minh Khuê