Ngày 20/3 tới, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ tổ chức buổi bán đấu giá cổ phần Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco 5) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu.
Theo đó, SCIC muốn bán trọn lô 17,56 triệu cổ phiếu, tương đương với 40% vốn điều lệ Cienco 5 với giá khởi điểm 19.300 đồng/cp. Nếu phiên đấu giá thành công, SCIC dự kiến thu về gần 339 tỷ đồng.
“Sự cố” quá khứ
Trong đợt đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), Cienco5 chào bán 14,2 triệu cổ phần, tương đương 32,38% vốn điều lệ năm 2014 nhưng chỉ phát hành thành công hơn 1,9 triệu cổ phần cho 8 nhà đầu tư, tổng giá trị hơn 19,2 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/9/2015, cổ đông nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối tại Cienco5 với tỷ lệ sở hữu là 63,18% vốn điều lệ; 31% lượng cổ phần đã IPO được chia đều cho 2 nhà đầu tư chiến lược là CTCP Đầu tư Nam Trí và CTCP Tập đoàn đầu tư Việt Phương; còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông khác.
Tới cuối năm 2015, Cienco5 tiếp tục đưa 10,18 triệu cổ phần (23,18% vốn điều lệ) bán đấu giá với mức giá khởi điểm 10.010 đồng/cp, thu hút được 3 nhà đầu tư tổ chức bao gồm CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp. HCM (mã: CII), CTCP Đầu tư Nam Trí và CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, mã: HPX) tham gia.
Kết quả, Hải Phát Invest đã trả mức giá 19.870 đồng/cp, cao hơn 98,5% so với giá chào bán để mua trọn lô 23,18% cổ phần của Cienco5. Lúc này, vốn nhà nước giảm xuống còn 40% cổ phần.
Ngay khi mới trúng đấu giá lô cổ phần này và chưa hoàn thành thủ tục để chính thức trở thành cổ đông của Cienco5, ngày 11/3/2016, Hải Phát Invest đã cùng các cổ đông chiến lược thực hiện việc sửa đổi điều lệ của Cienco5, với các thay đổi quan trọng là tăng số lượng thành viên HĐQT từ 5 người lên 7 người; thay đổi tỷ lệ biểu quyết thông qua nghị quyết của ĐHĐCĐ từ 75% xuống còn 51%.
Đồng thời, loại bỏ quy định thời hạn 5 năm không được chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông chiến lược ở lần sửa đổi điều lệ thứ 2 nhằm dọn đường mua lại 15,5% cổ phần của Công ty Nam Trí – nhà đầu tư chiến lược của Cienco5.
Ngày 28/4/2016, nhóm cổ đông Hải Phát đã tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường, bầu thêm 3 thành viên HĐQT là đại diện của các cổ đông này, chính thức kiểm soát HĐQT Cienco5.
Tuy nhiên, hành động trên của nhóm cổ đông Hải Phát bất thành do vi phạm Luật Doanh nghiệp, Nghị định 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành CTCP và cả điều lệ công ty.
Với cách làm trái pháp luật để thâu tóm quyền lực tại Cienco5, nhóm cổ đông của Hải Phát Invest đối diện với những rắc rối pháp lý khó vượt qua khi đã có ý kiến từ phía cơ quan chức năng của Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu “hoàn trả” tình trạng Cienco5 về trước thời điểm ngày 11/3/2016.
Hải Phát Invest hoàn toàn có lý do để tham gia phiên đấu giá của SCIC để sở hữu hoàn toàn Cienco5 |
Mục tiêu rõ ràng
Thực tế, tại thời điểm Hải Phát Invest sẵn sàng trả giá gấp đôi để mua cổ phần Cienco5, giới đầu tư đã có thể khẳng định mục tiêu của doanh nghiệp này là dự án bất động sản Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) với quy mô gần 400ha thuộc sở hữu của CTCP phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land).
Tuy nhiên, toan tính này của Hải Phát đã hoàn toàn thất bại. Bởi, năm 2009, Cienco5 Land tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng nhưng Cienco5 không đầu tư thêm vốn vào công ty con này mà lại thực hiện thoái vốn xuống còn 5 tỷ đồng, tương đương với 5% cổ phần. Từ năm 2010 đến nay, Cienco5 Land tiếp tục tăng vốn lên 200 tỷ đồng nhưng vốn của Cienco5 tại đây vẫn chỉ giữ ở mức 5%.
Có thể thấy, những toan tính của Hải Phát khi thâu tóm cổ phần tại Cienco5 hồi cuối năm 2015 và đầu năm 2016 đã hoàn toàn thất bại. Tuy nhiên, tính ngày 31/10/2019, Hải Phát Invest và công ty có liên quan là CTCP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô đã nắm giữ tổng cộng 54,18% vốn điều lệ của Cienco5. Nhóm nhà đầu tư chiến lược trước đó đã hoàn toàn được thay thế.
Đáng chú ý, tại buổi Roadshow trước thềm Hải Phát Invest lên sàn năm 2018, ban lãnh đạo công ty còn tiết lộ về dự định sẽ nâng sở hữu tại Cienco5 lên 100% trong ngắn hạn.
Do đó, với những sự cố giành quyền lực trong quá khứ, Hải Phát Invest hoàn toàn có lý do để tham gia phiên đấu giá của SCIC để sở hữu hoàn toàn Cienco5. Đặc biệt, mức giá khởi điểm mà đơn vị sở hữu vốn nhà nước đưa ra trong lần đấu giá tới đây không quá cách biệt với mức giá đấu thành công của Hải Phát Invest trước đó.
Về kết quả kinh doanh của Cienco5, trong khi doanh thu năm 2017 đạt 490 tỷ đồng thì đến năm 2018 đã giảm xuống còn hơn 275 tỷ đồng, trong đó mảng giảm mạnh nhất là hoạt động xây lắp rồi đến doanh thu chuyển nhượng bất động sản.
Doanh thu của công ty chia làm 4 mảng chính, trong đó còn có cả mảng thu phí đường bộ và cung cấp dịch vụ. Riêng năm 2018, mảng thu phí đường bộ đóng góp khoảng 75% tổng doanh thu với 205 tỷ đồng. Lợi nhuận 2 năm gần đây đều chưa đến 1 tỷ đồng, thậm chí lãi sau thuế năm 2018 cũng chỉ 307 triệu đồng. Đây là con số rất thấp nếu biết rằng năm 2015, doanh thu của Cienco5 vẫn đạt 1.500 tỷ đồng.
Linh Đan