Phiên giao dịch cuối cùng của quý II khép lại với diễn biến trái chiều của các chỉ số, trong khi Vn-Index “may mắn” giữ được mốc 960 điểm thì HNX-Index lại giảm 0,52%.
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì khá thấp với tổng giá trị đạt 4.600 tỷ đồng, trong đó khớp lệnh đạt 4.000 tỷ đồng, khối ngoại có phiên bán ròng 270 tỷ đồng.
Trồi sụt thất thường
Trong tuần giao dịch cuối cùng của quý II/2018 (25-29/6), thị trường chứng khoán Việt Nam đã có ba phiên giảm điểm liên tiếp và hai phiên tăng điểm hồi đầu tuần và cuối tuần.
Như vậy, trong tuần qua, chỉ số Vn-Index đã giảm 32,5 điểm, trong khi mới hồi phục được hơn 10,7 điểm.
Thanh khoản của thị trường cũng “thất thường” nhưng vẫn duy trì ở mức thấp, trung bình đạt khoảng hơn 4.000 tỷ đồng mỗi phiên.
Tính chung trong cả tháng 6 vừa qua, sắc màu chủ đạo của thị trường chứng khoán vẫn là giảm điểm, hầu hết tại các phiên giao dịch đều là mã giảm chiếm ưu thế, giao dịch khối ngoại cũng chủ yếu là bán ròng.
Cũng vẫn có những phiên hồi phục xen kẽ và khối ngoại cũng quay trở lại mua ròng nhẹ nhưng không đáng kể so với đà bán ra.
Trong quý II/2018, hầu hết các cổ phiếu bluechips, vốn hóa lớn thường xuyên giao dịch trong trạng thái bị bán mạnh, dẫn đến giảm giá sâu. Tính từ đầu quý tới nay, cổ phiếu VCB đã giảm 21,6%; BID giảm 42,3% xuống còn 26.000 đồng/cp; VIC cũng giảm 12,6% từ vùng giá 123.000 đồng/cp, xuống còn 107.500 đồng/cp…
Trước đó, câu chuyện về những đại hội đồng cổ đông phải tổ chức trước thời hạn 30/6, cùng ước tính về kết quả kinh doanh quý II và lũy kế nửa đầu năm 2018 được dự báo sẽ là điểm nhấn thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong tháng 6.
Tuy nhiên, dường như những thông tin đó vẫn chưa đủ sức để xoay chuyển tình thế giá cổ phiếu. Có thể kể đến như BHN, ngày 28/6 vừa qua, Habeco đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018 với kế hoạch kinh doanh năm 2018 thay đổi từ giảm thành tăng, mục tiêu lợi nhuận đạt hơn 800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những khó khăn bủa vây Habeco trong tương lai gần đã khiến những thông tin tích cực trở nên vô nghĩa. Minh chứng rõ ràng nhất là BHN đã ngay lập tức giảm sâu 5,7%, xuống còn 91.500 đồng/cp trong phiên 29/6, thậm chí có lúc giảm sàn.
Tương tự, tại ĐHĐCĐ vừa được tổ chức, lãnh đạo Vinatex (mã: VGT) cho biết, doanh thu 6 tháng đầu năm của Vinatex ước đạt hơn 394 tỷ đồng, tăng hơn 14%.
Tuy nhiên, tình hình ngành dệt may thiếu khả quan trong thời gian qua và dự kiến sẽ còn kéo dài đã không có tác động tích cực đến giá cổ phiếu VGT, khi ngay sau đó đã giảm nhẹ xuống còn 11.100 đồng/cp.
Sau giai đoạn tăng mạnh hồi đầu năm, cổ phiếu VGT đã có xu hướng đi xuống, tính đến phiên giao dịch ngày 29/6, thị giá cổ phiếu VGT đã giảm 27,4% kể từ đầu quý II/2013.
Tính chung trong cả tháng 6 vừa qua, sắc màu chủ đạo của thị trường chứng khoán vẫn là giảm điểm |
Bao giờ mới ổn?
Trong nửa đầu tháng 6, kỳ cơ cấu của hai quỹ ETF được xem là điểm nhấn quan trọng của thị trường chứng khoán. Trong nửa cuối tháng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý II và nửa đầu năm lại là thời điểm quyết định đầu tư. Đây được coi như mốc quan trọng nhằm xác định khả năng thực hiện những nhiệm vụ còn lại trong nửa cuối năm 2018.
Những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt chắc chắn sẽ trở lại mức định giá hợp lý. Các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, sản xuất công nghiệp, ngân hàng nhiều khả năng giữ được đà tăng trưởng tốt.
Hơn nữa, việc MSCI chưa “gọi tên” Việt Nam trong danh sách dự bị xếp hạng thị trường mới nổi chưa hẳn đã là tiêu cực bởi, ở một góc nhìn khác, Việt Nam có thể có cơ hội nổi bật trong khối cận biên khi các thị trường bên cạnh đã được nâng hạng.
Từ đó, thị trường Việt Nam có thể được tăng tỷ trọng đầu tư từ các nhà đầu tư chọn thị trường cận biên. Hơn nữa, Việt Nam có đủ số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xếp hạng của MSCI như Vinamilk, Vingroup, Masan, Hòa Phát…
Vì thế, những cổ phiếu của các doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt hoặc dự báo lọt rổ MSCI Frontier Markets Index trong thời gian tới sẽ có thêm cơ hội để xác lập xu hướng giá khả quan hơn.
Tuy nhiên, theo nhận định của CTCK Bảo Việt (BVSC), trong phiên giao dịch ngày 29/6, chỉ số Vn-Index sẽ xuất hiện tín hiệu hồi phục lên vùng 970-980 điểm. Đây sẽ là vùng kháng cự quan trọng đối với thị trường.
Nếu vượt qua được vùng cản này, chỉ số vẫn còn cơ hội tiến đến thử thách vùng kháng cự quanh 1.000 điểm trong tuần kế tiếp.
Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, chỉ số không thể vượt qua vùng 970-980 điểm và quay đầu xuyên thủng vùng hỗ trợ 955-960 điểm, khả năng thị trường sẽ giảm về vùng hỗ trợ 930-945 điểm, thậm chí sâu hơn ở 895-915 điểm.
Đồng quan điểm, CTCK Rồng Việt cho rằng nếu chốt phiên giao dịch cuối tháng 6 với mức điểm thấp hơn 962 điểm, chỉ số sẽ tiếp tục kích hoạt chu kỳ giảm điểm trung hạn kéo dài từ trung tuần tháng 4/2018 cho đến nay.
Cần nhắc lại, phiên giao dịch ngày 29/6 đã kết thúc với sự hồi phục của chỉ số Vn- Index, tuy nhiên, chỉ số này chỉ dừng lại tại mốc 960 điểm.
Do đó, triển vọng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhưng những rủi ro trước mắt vẫn có thể xảy ra, nhà đầu tư vẫn nên duy trì một tỷ trọng cổ phiếu thấp trong danh mục để chờ đợi những diễn biến tiếp theo của thị trường.
Linh Đan