Chỉ trong nửa đầu tháng 10, thị trường chứng khoán đã có thêm 697 triệu cổ phiếu ngân hàng được niêm yết trên UPCoM, trong đó có hơn 389 triệu cổ phiếu NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) và 308 triệu cổ phiếu SGB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank).
Trước đó, Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank) cũng đưa hơn 317 triệu cổ phiếu BVB lên giao dịch trên sàn UPCoM từ tháng 7. Như vậy, chỉ tính riêng nhóm ngân hàng từ đầu năm đến nay đã có hơn 1 tỷ cổ phiếu đang được giao dịch.
Nguồn cung dồi dào
Tuy nhiên, đây chỉ là những mở màn cho làn sóng lên sàn từ nay đến cuối năm của các ngân hàng bởi theo theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến hết năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, 100% các ngân hàng thương mại cổ phần phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.
Nguồn cung tăng nhanh trong khi dòng vốn đầu tư có hạn có thể gây mất cân đối cung cầu. |
Hiện, gần 1,18 tỷ cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP MSB và 877 triệu cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông cũng đã được gửi hồ sơ niêm yết lên HoSE. Ngoài ra, 350 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Việt Á (VietA Bank) cũng có thể sớm được niêm yết trên UPCoM.
Bên cạnh làn sóng lên sàn, theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) các ngân hàng sẽ không được chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay để dành nguồn lực giải quyết các ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó tập trung giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Hồi giữa năm tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của HDBank (mã: HDB), các cổ đông đã thông qua kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ lên tới 65%.
Ngày 7/10 vừa qua, HDBank đã công bố phát hành thành công gần 289,8 triệu cổ phiếu để chia cổ tức và cổ phiếu thưởng đợt 1 và dự kiến đến tháng 11 sẽ hoàn tất việc niêm yết bổ sung lượng cổ phiếu này tại HoSE.
Cũng trong những ngày đầu tháng 10, hơn 498,8 triệu cổ phiếu phát hành trả cổ tức của Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB) đã chính thức được niêm yết bổ sung, nâng tổng số lượng cổ phiếu ACB đang lưu hành lên gần 2,2 tỷ cổ phiếu.
Ngoài HDBank, ACB còn có nhiều ngân hàng khác như SHB, TPBank, MB...cũng vừa hoàn tất phát hành, niêm yết bổ sung lượng lớn cổ phiếu lên thị trường chứng khoán trong thời gian qua.
Đặc biệt, Nghị định 121/2020/NĐ-CP vừa được ban hành, nhóm ngân hàng TMCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ như VietinBank (mã: CTG), Vietcombank (mã: VCB) và BIDV (mã:BID) sẽ được phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn điều lệ trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong những tháng gần đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), các Tập đoàn cũng đã “rục rịch” triển khai công tác thoái vốn sau một thời gian dài “đóng băng” vì dịch bệnh.
Điển hình là thương vụ SCIC thoái 36% vốn tại Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (Vocarimex - mã: VOC) vào 4/11 tới.
Lo thị trường khó hấp thụ
Một trong các yếu tố hỗ trợ xu thế tăng điểm của thị trường chứng khoán kể từ quý II đến nay được nhiều chuyên gia phân tích nhấn mạnh là yếu tố “tiền rẻ” khi lãi suất tiền gửi ngân hàng thường xuyên điều chỉnh trong xu thế giảm.
Theo thống kê của SSI Research, mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm khoảng từ 1-2,5 điểm phần trăm từ đầu năm đến nay ở hầu hết các ngân hàng, trong khi nhu cầu tín dụng yếu khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng dư thừa.
Trong bối cảnh này, thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư bởi vốn thấp, tính thanh khoản cao. Tính tổng từ đầu năm đến hết tháng 9, nhà đầu tư cá nhân mở 252.026 tài khoản, cao hơn 34% so với lượng mở mới của cả năm 2019 (187.825 tài khoản).
Thực tế, nguồn cung cổ phiếu tăng mạnh là một trong những tín hiệu để xác định thị trường có đang ở giai đoạn đỉnh điểm hay không. Khi lượng cổ phiếu trên sàn liên tục phát triển, vượt qua sự tăng trưởng của dòng vốn có thể khiến thị trường bị kéo xuống.
Diễn biến trên thị trường cho thấy, không phải “tân binh” nào cũng hấp dẫn nhà đầu tư. Điển hình như cổ phiếu SGB của Saigonbank đã giảm kịch biên độ (40%) trong ngày giao dịch đầu tiên từ 25.800 đồng/cp xuống còn 15.500 đồng/cp, khối lượng khớp lệnh đạt gần 660.000 đơn vị.
Tính đến nay, thị giá của SGB chỉ còn giao dịch quanh vùng giá 13.000 đồng/cp, tương đương giảm gần 50% so với giá chào sàn. Thanh khoản của SGB cũng giảm dần sau 9 phiên giao dịch, ngoại trừ phiên chào sàn, khối lượng giao dịch của SGB không vượt quá được 200.000 đơn vị/phiên.
Tương tự, sau khoảng 14 phiên giao dịch cổ phiếu NAB của Nam A Bank cũng đang trong chiều hướng đi xuống cả về thị giá lẫn thanh khoản.
Còn đối với các đơn vị phát hành cổ phiếu tăng vốn, quá khứ cho thấy nhiều nhà đầu tư "ngậm" phải trái đắng khi đu theo “game” tăng vốn bởi khi giá cổ phiếu bị pha loãng, doanh nghiệp lại kinh doanh không hiệu quả đẩy giá cổ phiếu vào tình trạng bán tháo, nhiều nhà đầu tư mắc kẹt.
Từ những bài học hiện hữu, giả sử lãi suất tiền gửi vẫn duy trì ở mức thấp kỷ lục như hiện nay, thậm chí có thể giảm thêm thì thị trường chứng khoán vẫn có khả năng hấp thụ thêm nguồn tiền mới, tuy nhiên liệu có kịp với làn sóng cổ phiếu mới “đổ bộ” lên sàn trong hiện tại và thời gian tới hay không lại là câu chuyện khác.
Minh Khuê