Tại báo cáo đánh giá ngành khu công nghiệp của VCSC đã nhấn mạnh các doanh nghiệp trong ngành khu công nghiệp là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ làn sóng chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang Việt Nam.
Hiện Việt Nam đang sở hữu 3 lợi thế cạnh tranh lớn trong việc thu hút các nhà sản xuất như chi phí nhân công và tiền thuê đất ở mức thấp, nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền các địa phương và Chính phủ, lượng lớn các Hiệp định thương mại tự do tạo ra mức thuế hấp dẫn cho xuất khẩu nhiều loại hàng hóa ra thị trường toàn cầu.
Triển vọng trung hạn tươi sáng
Thực tế, việc hạn chế di chuyển trong thời kỳ bùng phát dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho việc thực địa dự án và gặp gỡ trực tiếp với các chủ đầu tư khu công nghiệp nhưng đây chỉ là trở ngại trong ngắn hạn, sự đóng góp của Việt Nam trong sản xuất toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng trong trung hạn.
Điều này đã được chứng minh bằng nhu cầu đất công nghiệp vẫn giữ đà tăng trong quý III do Việt Nam vẫn là điểm đến thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp đang được đánh giá cao cho triển vọng trung hạn |
Theo thống kê của Jones Lang Salle Việt Nam (JLL), tỷ lệ lấp đầy trung bình khu công nghiệp các tỉnh miền Bắc bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương trong quý III/2020 tăng 160 điểm phần trăm so với quý I/2020, đạt 74%.
Đặc biệt, JLL cũng nhấn mạnh, giá đất của các thị trường phía Bắc đã đạt đỉnh mới với 102 USD/m2/chu kỳ thuê trong quý III/2020, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thuê nhà xưởng xây sẵn cũng tăng nhẹ, dao động từ 4,1-5,2 USD/m2/tháng trong quý III/2020, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, đa số các doanh nghiệp hoạt động trong mảng khu công nghiệp tại Việt Nam đều là các công ty có vốn Nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, mã: BCM), Tổng CTCP phát triển khu công nghiệp (Sonadezi, mã: SNZ) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR, mã: GVR) với tỷ lệ sở hữu trong khoảng 95%-99%.
Trong số này, Becamex IDC, Sonadezi và GVR hiện có quỹ đất lớn và đang lên kế hoạch cho các dự án khu công nghiệp tập trung tại cụm kinh tế miền Nam. Trong khi đó, Tổng công ty IDICO (HNX: IDC) có quỹ đất tại cả 2 trung tâm sản xuất chính của Việt Nam (miền Bắc và miền Nam). Tổng Công ty Viglacera (mã: VGC) lại có tiềm lực với nguồn quỹ đất tại miền Trung.
Hoạt động kinh doanh chính hiện nay của các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp là bán đất và cho thuê dịch vụ khu công nghiệp. Mảng bán đất khu công nghiệp thường mang đến cho doanh nghiệp biên lợi nhuận cao nhưng chỉ ngắn hạn; còn đối với mảng dịch vụ thì mang đến cho doanh nghiệp nguồn thu nhập ổn định do được phân bổ đều trong cả vòng đời của dự án.
Ngoài ra, cũng phải kể đến mảng cho thuê nhà máy xây sẵn (RBF) - một mảng kinh doanh còn khá mới nhưng có thể cao hơn 2 mảng kinh doanh truyền thống.
Cổ phiếu tích cực
Từ những tiềm năng kể trên, VCSC bày tỏ quan điểm tích cực cho các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp với vị thế tài chính ổn định, lợi suất cổ tức cao và quỹ đất sẵn có để bán.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đã có khá nhiều cổ phiếu tăng vượt đỉnh 1 năm - điểm không thích hợp để đầu tư thì vẫn có những điểm sáng tại nhóm vốn hóa trung bình và nhỏ nhưng lại hội tụ đầy đủ các yếu tố tiềm năng.
Có thể kể đến như SIP (CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG), SZL (CTCP Sonadezi Long Thành), LHG (CTCP Long Hậu)... Trên thị trường chứng khoán, những cổ phiếu này cũng giao dịch khá tích cực.
Thực tế cho thấy, trong vòng 1 tháng qua, cổ phiếu SIP chỉ ghi nhận đúng 5 phiên giao dịch đóng cửa trong sắc đỏ, thị giá của SIP tăng một mạch từ 79.900 đồng/cp lên 89.700 đồng/cp, tương đương 12,2%. Nếu so với thời kỳ thị trường lao xuống đáy hồi tháng 3, SIP đã tăng 62,2% (so với giá điều chỉnh).
Tương tự, kể từ ngày 31/3 đến ngày 26/10, cổ phiếu LHG đã tăng 141,2% nhờ vào lực mua số lượng lớn của nhà đầu tư bên ngoài để trở thành đối trọng với cổ đông nắm quyền điều hành.
Tháng 8/2020, trong danh sách cổ đông lớn của Long Hậu bất ngờ xuất hiện một cái tên mới là ông Võ Tấn Thịnh với tỷ lệ sở hữu đạt 20%. Trước khi ông Thịnh trở thành cổ đông lớn, cổ phiếu LHG được giao dịch dưới 11.000 đồng/cp, trong khi doanh nghiệp duy trì tỷ lệ cổ tức 16% đến gần 20%/năm.
Trong thời gian ông Thịnh gia tăng tỷ lệ sở hữu, giá cổ phiếu LHG tăng 59,1% lên 29.200 đồng/cp, cao nhất kể từ khi lên sàn tháng 3/2010 tới nay.
Ngoài ra, những cổ phiếu khác như MH3 (CTCP Khu công nghiệp cao su Bình Long), DPR (CTCP cao su Đồng Phú), D2D (CTCP Phát triển đô thị công nghiệp số 2)...cũng đầy triển vọng khi sở hữu các dự án tiềm năng trong trung và dài hạn cũng như mức cổ tức cao trong khi chờ đợi ghi nhận các dự án.
Đối với các cổ phiếu có vốn hóa trung bình và lớn, VCSC đánh giá cao GVR và IDC, vốn là 2 cổ phiếu hiện đang giao dịch thấp hơn trung vị P/B điều chỉnh của ngành và có tiềm năng tăng trưởng từ quỹ đất lớn của 2 công ty này.
Dù số liệu P/B điều chỉnh của PHR cao hơn trung vị của các công ty cùng ngành nhưng VCSC vẫn đánh giá cao PHR nhờ triển vọng tăng trưởng đến từ chuyển đổi đất cao su thành đất khu công nghiệp tại tỉnh Bình Dương.
Minh Khuê