Trước đà giảm của thị trường chứng khoán kéo dài từ Tết Nguyên đán tới hết tháng 3 vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư đã để nỗi sợ dẫn dắt hành động, chấp nhận thua lỗ bán tháo cổ phiếu.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhà đầu tư muốn bắt đáy thị trường bởi cho rằng khi dịch bệnh được kiểm soát, giá cổ phiếu sẽ tăng trở lại vì cung - cầu thị trường chứng khoán phụ thuộc vào tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.
Đã đến lúc "xuống tiền"?
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc chỉ số Vn-Index hồi phục liên tiếp về ngưỡng 750 điểm cùng với thanh khoản tăng như hiện nay đã kích hoạt dòng tiền vốn đang đứng ngoài đợi cơ hội.
"Nhà đầu tư đứng ngoài chờ cơ hội rất nhiều, dòng tiền chờ đợi cũng rất lớn, nhưng họ cần một lý do để tham gia", ông Minh cho biết.
Một nhà đầu tư chứng khoán có kinh nghiệm tại Hà Nội chia sẻ, trước đây đã nhiều năm đầu tư chứng khoán nhưng lợi nhuận không mấy hấp dẫn nên đã dừng lại.
Sau đợt thưởng Tết, gia đình anh có một khoản tiền nhàn rỗi không quá lớn nhưng cũng không nhỏ và đang có ý định giải ngân vào thị trường chứng khoán lúc này để tìm cơ hội.
"Tôi nghĩ thị trường đang hấp dẫn nên đang có suy nghĩ sẽ giải ngân bắt đáy hoặc mạo hiểm "lướt sóng" cổ phiếu", nhà đầu tư này cho biết thêm.
Một số nhà đầu tư khác đánh giá "thị trường chứng khoán Việt Nam đã có mức giá tốt từ trước đợt giảm mạnh do dịch Covid-19, sự lao dốc gần đây là cơ hội để mua vào cổ phiếu khi thị trường chỉ bị ảnh hưởng nhất thời nên tận dụng thời điểm này để mua cổ phiếu đầu tư giá trị".
Thực tế, theo chuyên gia phân tích của Yuanta, việc thị trường kích thích được dòng tiền trong những phiên gần đây được cộng gộp của nhiều yếu tố. Đầu tiên là tâm lý của nhà đầu tư đã được cải thiện khi tình hình dịch bệnh đang có xu hướng tích cực hơn.
Trong tháng 3 vừa qua, Việt Nam là một trong những thị trường mất điểm nhiều nhất khu vực dù diễn biến dịch bệnh hay tác động tới kinh tế vẫn chưa quá rõ nét.
Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã bị chi phối rất lớn và phản ứng có phần thái quá. Lực ép càng mạnh thì khi được giải tỏa, lực bung ra càng lớn. Thị trường thế giới diễn biến tích cực hơn những phiên gần đây cũng tạo hiệu ứng tốt hơn.
Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư cũng là một trong những yếu tố khiến giới đầu tư muốn "xuống tiền" thời điểm này. Trong điều kiện các kênh đầu tư như gửi tiết kiệm hay vàng không còn hấp dẫn, chứng khoán trở thành điểm đến bởi đà giảm sâu từ mức đỉnh.
Các chuyên gia vẫn giữ quan điểm thận trọng trước tâm lý muốn bắt đáy của các nhà đầu tư |
Vẫn nên thận trọng
Gần đây, nhiều công ty chứng khoán cho biết, nhu cầu mở mới tài khoản hoặc kích hoạt lại tài khoản chứng khoán cũ đang tăng nhanh. Năm 2019, dòng tiền của thị trường hao hụt một phần vì đẩy vào kênh trái phiếu doanh nghiệp, nhưng hầu hết là những trái phiếu có kỳ hạn ngắn.
Khi lượng trái phiếu này đáo hạn vào đầu năm nay, trong khi các doanh nghiệp chưa có kế hoạch huy động thêm vốn, đã tạo ra một lượng tiền nhàn rỗi rất lớn.
Tuy nhiên, khi được hỏi có nên bỏ tiền bắt đáy vào thời điểm này hay không thì các chuyên gia đều đưa ra nhận định thận trọng.
Theo ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường, Chứng khoán BSC, đà tăng của thị trường hiện nay là do hiệu ứng tâm lý tích cực của nhà đầu tư nhưng vẫn chưa đủ để xác nhận một xu hướng tăng bền vững.
"Đà giảm sâu thường sẽ kích hoạt những nhịp hồi mạnh, đó là quy luật của thị trường. Nhưng sự kiên định với trạng thái bán ròng của khối ngoại khiến lo ngại trạng thái tiêu cực vẫn chưa dừng lại", ông Khoa cho biết.
Còn theo quan điểm của ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới Hội sở TP.HCM, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, thị trường chứng khoán nhìn chung đã dần hồi phục trên nền tảng là sự gia giảm và tạo đỉnh của dịch bệnh trong lẫn ngoài nước.
Điều này mang đến kỳ vọng ngắn hạn (2-4 tuần) hơn là một sự đảo nghịch tình thế và đưa thị trường tăng trở lại. Hầu hết nhóm cổ phiếu đã phục hồi 10-20% từ đáy thấp nhất của Vn-Index được lập quanh vùng 650 điểm vào những ngày cuối tháng 3.
Cơ hội bắt đáy hấp dẫn nhất vì thế đã qua, trong khi rủi ro cho hành động này đang tăng lên. Theo đó, đối với các nhà đầu tư đang vẫn đang đứng ngoài thị trường nên thận trọng và chờ đợi sự thẩm thấu của suy giảm kinh tế lên thị trường chứng khoán.
Khi đó, nhà đầu tư có thể lựa chọn chính xác hơn vì biết được tổn thất thực sự của nền kinh tế và "gọi tên" được những ngành nghề, doanh nghiệp cụ thể chống chọi được nhờ thể trạng tài chính tốt.
Còn đối với nhà đầu tư muốn "lướt sóng", chỉ nên giải ngân một nửa tài sản trong thời điểm hiện nay và gia tăng khi hiệu quả.
Tuy nhiên, đầu tư bất cứ tài sản nào thì cơ hội và rủi ro cũng song hành, không riêng gì chứng khoán. Lựa chọn hành động "lướt sóng" thì cơ hội và rủi ro nhân lên gấp bội, nên nhà đầu tư cần biết mình hài lòng hoặc chấp nhận mất bao nhiêu để không sa đà.
Nhà đầu tư chỉ nên "lướt sóng" khi thực sự am hiểu thị trường, "sức khoẻ" tài chính của doanh nghiệp và xu hướng vận động của cổ phiếu trong một giai đoạn nhất định.
Linh Đan