Theo Tổng cục Thống kế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 ước tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2011 - 2020.
Chỉ số Vn-Index mở cửa đầu năm ở mức 960 điểm, có lúc đã tăng lên 990 điểm, nhưng vào những ngày cuối tháng 3 đã giảm về mức 660 điểm, tương đương giảm khoảng 32%. Rất nhiều cổ phiếu có mức giảm 40%-50%, thậm chí lên đến 70%. Vốn hóa thị trường "bốc hơi" hàng tỷ USD, tài sản nhà đầu tư bị giảm sút rất nặng nề.
Chờ đợi kết quả kinh doanh quý I
Thông thường, thị trường chứng khoán trong quý II thường được hỗ trợ bởi các thông tin liên quan đến kết quả kinh doanh quý I, chính sách cổ tức, mục tiêu kinh doanh năm được thông qua tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên.
Tuy nhiên, lý thuyết này không còn đúng với quý II/2020, bởi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khá nhiều ĐHĐCĐ đã phải hoãn, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết có thể nhìn thấy trước được khả năng suy giảm lợi nhuận.
Mới đây, lãnh đạo CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã: HDG) đã cho biết, doanh thu quý I/2020 của công ty đạt khoảng 923 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ; tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại ghi nhận mức giảm 24%, chỉ đạt 200 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (mã: TIP) cũng nhận định, tình hình kinh doanh trong năm 2020 phải đối mặt với không ít thách thức, trước hết là công tác liên quan đến thủ tục còn chậm và chồng chéo, ảnh hưởng đến việc khai thác các dự án.
Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh và dịch vụ của công ty. Ước tính trong quý I/2020, lợi nhuận của công ty giảm ít nhất 30% so với cùng kỳ, cả năm dự kiến giảm 20% so với năm 2019.
Cùng chung xu hướng, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã: DCM) dự kiến so với cùng kỳ năm 2019 thì các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của công ty trong quý I/2020 đều ghi nhận sụt giảm lần lượt 12,4% và hơn 65%.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT CTCP Tasco (mã: HUT) cho biết, khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, các dịch vụ của Tasco đều chịu ảnh hưởng, các dự án bất động sản, dự án BOT… trong tình trạng đình trệ. Không có nhiều nguồn thu trong khi chi phí vẫn phát sinh, nên công ty có thể lỗ trong quý I/2020.
Tuy nhiên, bức tranh kinh doanh quý I của các doanh nghiệp niêm yết vẫn có những điểm sáng như Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã: PVD) ghi nhận doanh thu quý I ước đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 45% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt 27 tỷ đồng, tăng 80% so với kế hoạch.
Quý I/2019, PV Drilling báo lỗ 93 tỷ đồng do nguồn thu giảm mạnh thì quý I/2020, các giàn khoan hoạt động liên tục và đơn giá cho thuê tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019.
Vẫn còn nhiều nỗi lo về diễn biến thị trường chứng khoán quý II/2020 (Minh họa: Internet) |
Điểm sáng vĩ mô
Thị trường chứng khoán đã có những phiên giao dịch đầu tháng 4 khả quan khi chỉ số Vn-Index tăng mạnh 52,7% lên gần 737 điểm. Theo đánh giá của Chứng khoán BVSC, đây là phản ứng tích cực của nhà đầu tư trước những biện pháp mạnh tay của Chính phủ nhằm ngăn chặn đại dịch.
BVSC khẳng định, biện pháp quyết liệt của Chính phủ là cơ sở để nhà đầu tư tin tưởng rằng dịch Covid-19 sẽ sớm được khống chế. Không chỉ các giải pháp từ trong nước, thông tin từ Trung Quốc cho thấy, các hoạt động của kinh tế nước này bắt đầu trở lại và chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của tháng 3 đạt 52 điểm, bất ngờ "đánh bại" mọi dự báo cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ thị trường trong những phiên mở màn quý II.
Thực tế, nỗi sợ Covid-19 của các nhà đầu tư đã đạt đỉnh điểm sau khi công bố ca nhiễm tăng mạnh bên ngoài Trung Quốc, gồm Hàn Quốc, Ý, Mỹ, các nước châu Âu... kích hoạt làn sóng bán tháo cổ phiếu trên phạm vi toàn cầu trong tháng 2 và tháng 3 vừa qua.
Do đó, mặt bằng giá cổ phiếu đã thấp hơn 42% so với đầu quý I, chỉ số P/E của thị trường cũng được đưa về mức 10,5 lần (chỉ còn tương đương 47% so với mức cao mức trung bình trong tháng 4/2018) và rẻ nhất trong vòng hơn 7 năm trở lại đây.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp niêm yết là những doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính tốt, khả năng thích ứng cao với biến động của thị trường nên khi đợt dịch qua đi, họ còn phát triển mạnh hơn khi chiếm lĩnh được thị phần từ các đối thủ yếu để lại.
Ngoài ra, việc coi chứng khoán là "dịch vụ thiết yếu" cũng là một sự thay đổi mang tính củng cố niềm tin cho giới đầu tư ngay trong mùa dịch của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Chính phủ. Đây là những cơ sở để kỳ vọng Vn-Index sẽ bước sang quý II với xu hướng tích cực hơn dù còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, chuyên gia chứng khoán - TS Nguyễn Hồng Điệp mới đây cũng đã chia sẻ về một kịch bản kém tươi sáng hơn là dịch Covid-19 được khống chế muộn, chỉ số Vn-Index sau những đợt sóng hồi ngắn sẽ tiếp tục dò đáy mới và có thể tiến về vùng 520 điểm.
Thế nhưng, trong bất kỳ kịch bản nào, sẽ có dòng bị ảnh hưởng tiêu cực, nhưng cũng vẫn có dòng được hưởng lợi. Rõ ràng, những dòng như bán lẻ, nông nghiệp, thủy sản, sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Những dòng "trung dung" hơn như ngân hàng, bất động sản, xây dựng sẽ phải nỗ lực rất nhiều sau dịch, ngành được hưởng lợi nhiều nhất sẽ là bảo hiểm, y tế, công nghệ.
Linh Đan