Những phiên giao dịch đầu năm mới của thị trường chứng khoán (TTCK) đang diễn ra không mấy tích cực, chỉ số Vn-Index dễ dàng bị xuyên thủng vùng hỗ trợ mạnh 880-890 điểm. Giới đầu tư lo ngại Vn-Index có thể về vùng 800 điểm.
Tuy vậy, việc thị trường giảm sâu cũng mở ra cơ hội giải ngân cho nhà đầu tư, bởi sau đợt giảm điểm tháng 12/2018, nhiều cổ phiếu đang được định giá lại. Bên cạnh đó, thời điểm đầu năm luôn được cho là giai đoạn có nhiều thông tin hỗ trợ, kỳ vọng sẽ kích hoạt dòng tiền đầu tư quay trở lại.
Thông tin hỗ trợ từ trả cổ tức
Ngay trong tháng 1, nhiều doanh nghiệp (DN) sẽ thực hiện chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức bằng tiền, bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng, không ít DN trả cổ tức với tỷ lệ khá cao.
Đầu tiên phải kể đến CTCP Chăn nuôi Phú Sơn (mã: PSL) thực hiện chi tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 50% vào ngày 18/1, tương đương 33,55 tỷ đồng. Nguồn chi trả cổ tức được lấy từ việc điều chuyển một phần Quỹ đầu tư phát triển sang lợi nhuận chưa phân phối. Trước đó, năm 2017, công ty cũng trả cổ tức với tỷ lệ 15%, năm 2016 là 60%.
Cùng thời điểm, CTCP Công viên nước Đầm Sen (mã: DSN) cũng thực hiện chi tạm ứng cổ tức đợt 1/2018 bằng tiền tỷ lệ 36%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 3.600 đồng. Như vậy, công ty sẽ chi khoảng 43,5 tỷ đồng tạm ứng cổ tức lần này cho cổ đông.
Theo ước tính, kết quả kinh doanh năm 2018 của Công viên nước Đầm Sen khá khả quan với tổng doanh thu 213 tỷ đồng, vượt 7% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế ước đạt 116,9 tỷ đồng. Năm 2019, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng nhẹ so với năm 2018 là 218 tỷ đồng.
Trên TTCK, Công viên nước Đầm Sen là một DN duy trì mức trả cổ tức trung bình hàng năm ở mức cao, năm 2016 và 2017 lần lượt là 50%,56%.
Trong khi đó, ngày 7/1, CTCP Traphaco (mã: TRA) tiến hành chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức đợt 1/2018 cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%. Ngày thanh toán là 30/1, dự kiến Traphaco sẽ chi khoảng gần 83 tỷ đồng để trả cổ tức.
Được biết, năm 2018, Traphaco đặt kế hoạch đạt 2.400 tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 20% và 25% so với năm 2017. Cổ tức năm 2018 dự kiến là 30%, tương đương với mức chi trả năm 2017.
Mới lên sàn từ tháng 10/2018 nhưng CTCP 32 – DN trực thuộc Bộ Quốc phòng, cũng sẽ thực hiện chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% vào ngày 21/1, ngày chốt danh sách cổ đông là 8/1.
Kể từ khi lên sàn tới nay, cổ phiếu A32 dù thanh khoản thấp, thậm chí nhiều phiên không có giao dịch nhưng cũng đã tăng mạnh từ 25.900 đồng/ cp lên 32.000 đồng/cp.
Ngoài những "gương mặt" điển hình này, trong tháng 1 còn nhiều DN đang chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức với tỷ lệ trung bình 5%-10% như: CTCP Chứng khoán Rồng Việt (mã: VDS, 5%), CTCP Fiditour (mã: FDT, 10%), CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm (mã: NTL, 10%)…
Tháng 1 là giai đoạn thị trường thường có diễn biến tích cực nhất trong năm. Theo thống kê từ năm 2011 – 2018, chỉ số Vn-Index có tới 7/8 năm tăng điểm trong tháng 1 với mức tăng khá mạnh, nhiều năm tăng trên 10%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/1, chỉ số Vn-Index đã lấy lại mốc 880 điểm. Mức 880 – 900 điểm được xem là vùng hỗ trợ khá vững chắc cho chỉ số lớn nhất thị trường này, bởi trước đó Vn-Index đã có 4 lần hồi phục thành công từ vùng này.
Diễn biến Vn-Index trong tháng 1 của các năm |
Chờ "hiệu ứng tháng 1"
Theo CTCK MBS, trong lịch sử gần 20 năm của TTCK, cứ sau một năm giảm điểm mạnh thì thị trường sẽ tăng trưởng những năm sau đó, nên kỳ vọng "lịch sử lặp lại" là điều hoàn toàn có cơ sở.
Đáng chú ý, vừa qua, khối ngoại đã có chuỗi 7 phiên mua ròng liên tiếp với tổng giá trị lên tới 1.043 tỷ đồng trên HoSE, là chuỗi mua ròng dài nhất của khối này kể từ thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10/2018.
Nhiều cổ phiếu bị bán ròng mạnh giai đoạn trước đã được khối ngoại mua vào như HPG, CTD, HDB, SBT, KDH và trở thành động lực hỗ trợ thị giá, đi ngược với diễn biến giảm điểm của thị trường chung.
Đà mua ròng của khối ngoại không chỉ tập trung vào một vài bluechip thông qua giao dịch thỏa thuận, mà có sự lan tỏa ra nhiều cổ phiếu khác.
Đồng thời, đợt giảm điểm trong tháng 12/2018 đã đưa hệ số P/E của Vn- Index giảm 20% so với đầu năm về mức 15,6 lần, thấp nhất trong hai năm trở lại đây.
Ngoài ra, TTCK cũng đang bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2018 với dự báo tích cực tại nhiều DN lớn, có cơ sở để kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường khi bước sang năm 2019, trước mắt là trong tháng 1.
Điển hình như cổ phiếu STB của Sacombank. Ngay sau khi những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh năm 2018 của ngân hàng được công bố (lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 2.200 tỷ đồng, vượt khoảng 20% kế hoạch…), cổ phiếu STB đã bật tăng lên 11.150 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 4/1.
Trong khi đó, động thái mua vào của cả Chủ tịch HĐQT và Kế toán trưởng Vietcombank (đều đăng ký mua vào 10.000 cổ phiếu VCB) như một động thái tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về VCB nói riêng và cổ phiếu ngân hàng nói chung.
Theo các chuyên gia, với nhiều điểm sáng được chỉ ra, giới đầu tư hoàn toàn có quyền hy vọng vào kịch bản tích cực trong giai đoạn còn lại của tháng 1.
Linh Đan