Sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2019 và trước mắt là chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ dài Tết Nguyên đán Kỷ Hợi , tâm lý và xu hướng dòng tiền đang ở trạng thái quan sát, diễn biến thị trường trở nên khó lường, nhất là sau khi nhà đầu tư vừa trải qua cảm giác mất mát từ nhiều phiên giảm sâu trước đó.
Theo ông Nguyễn Lâm Dũng, Tổng Giám đốc công ty Chứng khoán VPBS, sự biến động và điều chỉnh của thị trường tạo ra nhiều cơ hội tốt cho nhà đầu tư, đồng thời nhận định năm 2019, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có những thuận lợi và thách thức đan xen, song vẫn còn dư địa tăng trưởng.
5 nhiệm vụ trọng tâm
Tại buổi lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm 2019 của HNX, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018, các ảnh hưởng từ thế giới như tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn Mỹ - Trung đã ảnh hưởng sâu tới nhiều nước và gây ra đà giảm sâu lan tỏa trên các TTCK.
Chỉ số Vn-Index giảm 9,3% trong xu thế chung của thế giới nhưng quy mô và thanh khoản thị trường tiếp tục tăng. Thị trường cổ phiếu đạt quy mô 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm trước, tương đương 77,6% GDP năm 2017 và 70,2% GDP năm 2018, vượt chỉ tiêu đạt 70% GDP đến năm 2020. Giá trị giao dịch trung bình phiên đạt 6.500 tỷ đồng, tăng 29%. Thị trường niêm yết tiếp tục tăng 10%, đạt 22% GDP năm 2017 và tương đương 20,5% GDP năm 2018.
Trên thị trường phái sinh, dù mới đưa vào hoạt động với sản phẩm dựa trên một chỉ số cơ sở những đã khẳng định được vai trò trong TTCK khi đạt thanh khoản 70.800 hợp đồng tương lai/phiên, gấp 7 lần năm trước, vị thế mở tăng 2,7 lần.
Doanh thu các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán tăng 20,4%, lợi nhuận tăng 24,9% so với năm trước, vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường đạt 2,8 tỷ USD.
Từ những thành quả đã đạt được bên cạnh những biến động, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm của TTCK năm 2019: tiếp tục hoàn thiện thể chế với trọng tâm là thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi; tái cấu trúc TTCK mà trọng tâm là nâng cao năng lực và lành mạnh hóa các thành viên trung gian của thị trường; thành lập Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trên cơ sở sắp xếp lại HNX và HoSE; triển khai thêm các sản phẩm phái sinh; hướng tới nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.
Cũng có những chia sẻ về TTCK trong năm mới, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cho biết việc Chính phủ quyết tâm tạo ra những bước tiến rõ nét về thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong năm 2019 đang được kỳ vọng sẽ mang lại những cơ hội phát triển mới cho TTCK.
Cơ hội kiếm lời trên TTCK Việt Nam vẫn khá hấp dẫn so với nhiều thị trường trong khu vực. Không chỉ dòng vốn gián tiếp, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục có những tín hiệu tốt.
Năm 2019, Ủy ban Chứng khoán sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cả trong ngắn hạn và dài hạn, để tiếp sức cho thị trường phát triển theo chiều hướng lành mạnh, đi vào chiều sâu.
Đó là những triển vọng của TTCK nói chung trong dài hạn, còn việc chọn mã cổ phiếu nào để đầu tư sau những kinh nghiệm “xương máu” của năm 2018 mới là điều mà các nhà đầu tư đang quan tâm.
Trong bất kỳ diễn biến nào của thị trường vẫn có những nhóm cổ phiếu hay mã cổ phiếu bước vào chu kỳ tăng giá |
Cổ phiếu “mở hàng”
Theo các chuyên gia chứng khoán, tâm lý lo ngại “mua là lỗ” của nhà đầu tư khiến thanh khoản của thị trường giảm sút, nhưng trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt trong quý IV/2018 vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền.
Mới đây, theo báo cáo sơ bộ của Vietcombank, năm 2018, ngân hàng ghi nhận kỷ lục lợi nhuận gấp gần ba lần so với trước thời điểm triển khai đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020.
Theo báo cáo, Vietcombank đạt lợi nhuận trước thuế lên tới hơn 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên 60% so với năm 2017 và gần gấp ba lần so với quy mô lợi nhuận năm 2015.
Tỷ lệ nợ xấu đến cuối 2018 của Vietcombank tiếp tục giảm xuống chỉ còn 0,97%, là ngân hàng thương mại đầu tiên của Việt Nam đưa tỷ lệ nợ xấu thực chất xuống dưới mốc 1%, được phân loại theo các chuẩn mực quốc tế.
Dù vẫn chưa có công bố chính thức về kết quả kinh doanh quý IV/2018 nhưng thông thường, quý cuối năm là quý ghi nhận lợi nhuận cao cho ngành ngân hàng, nhất là các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng như VPBank, HDBank…
Hơn nữa, giá cổ phiếu của nhóm ngành này dường như đã chiết khấu quá lớn so với những gì đang diễn ra, do đó giá cổ phiếu ngân hàng đã có sự hấp dẫn trở lại.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam, lợi nhuận chung của các doanh nghiệp trên sàn tăng trưởng trung bình gần 30% trong khi giá cổ phiếu cuối năm lại suy giảm.
Chỉ số Vn-Index cuối năm mất 100 điểm so với năm ngoái cho thấy nhiều cổ phiếu rớt giá mạnh so với đầu năm bất chấp kết quả kinh doanh khả quan. Điều đó tạo cảm giác cổ phiếu đang rẻ hơn.
Thực tế, trong bất kỳ diễn biến nào của thị trường vẫn có những nhóm cổ phiếu hay mã cổ phiếu bước vào chu kỳ tăng giá, những cổ phiếu ngành nghề cơ bản nên được ưu tiên như bảo hiểm, dược phẩm, công nghệ, dịch vụ…
Theo cách nhìn từ phía nhà đầu tư có kinh nghiệm trên “chứng trường”, nhóm cổ phiếu thủy sản đang trở nên hấp dẫn với mức tăng trưởng mạnh trong năm 2018 và có cơ hội phát triển trong năm 2019, đáng chú ý nhất là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu tôm và cá tra.
Linh Đan