Trong những ngày cuối năm 2018, bên cạnh diễn biến tiêu cực của thị trường thế giới đang tạm lắng và tìm lại đà hồi phục thì thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam cũng đảo chiều khởi sắc sau 10 phiên giảm liên tiếp.
Tuy nhiên, chỉ số Vn- Index vẫn không giữ được mốc 900 điểm khi kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm, cách khá xa so với điểm xuất phát 984 điểm; HNX-Index cũng không mấy khả quan khi kết thúc năm tại ngưỡng hơn 100 điểm.
Dự cảm tươi đẹp
Năm 2018 khép lại với những thăng trầm của TTCK ghi nhận lần đầu tiên thị trường suy giảm sau 5 năm liên tiếp trước đó chỉ số chứng khoán song hành với đà tăng trưởng của nền kinh tế.
Chỉ số Vn-Index lập đỉnh cao 1.211 điểm trong phiên giao dịch ngày 10/4/2018, sau đó sụt giảm mạnh 27% xuống đáy 888 điểm (phiên 30/10/2018), trong khi nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất 10 năm.
Đồng hành cùng sự lạc nhịp của thị trường là tâm lý lo âu của giới đầu tư trong suốt một thời gian dài đến tận những phút cuối cùng của năm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn rất lạc quan với thị trường trong năm 2019.
Theo các chuyên gia, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, kết quả kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp (DN) đều tích cực trong 9 tháng đầu và ngay cả quý IV/2018.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) từ Nhật Bản và Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp tục đổ mạnh vào thị trường Việt Nam trong năm 2019, bù đắp cho sự khó khăn của dòng vốn từ Mỹ và châu Âu, nhất là khi FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến chi phí vốn cao.
Đáng chú ý, việc FED giảm tốc độ tăng lãi suất và sắp đạt tới mức cân bằng của chính sách tiền tệ cũng không còn tác động nhiều đến TTCK Việt Nam trong năm 2019.
Cùng chung quan điểm với các chuyên gia, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới công ty chứng khoán (CTCK) VnDirect cho rằng năm 2018 là một năm khá đặc biệt với thị trường, trong đó cái được nhiều hơn cái mất. Việc không giữ được mức điểm số và vốn hóa kỷ lục để lại nhiều tiếc nuối cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, trong năm 2018, TTCK Việt Nam vẫn có điểm sáng là thu hút được ròng vốn ngoại trong khi các thị trường láng giềng như Thái Lan, Malaysia, Philippines bị rút vốn mạnh.
Về dài hạn, việc FTSE đưa TTCK Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng tạo nên kỳ vọng mang tính đột phá cho thị trường khi thu hút thêm các dòng vốn ngoại và chất lượng hơn ở quy mô toàn cầu.
Hơn nữa, chỉ số P/E của thị trường đang ở mốc dưới 15 sau những phiên điều chỉnh vừa qua, mức được đánh giá khá hấp dẫn, nhiều cổ phiếu bluechip đã điều chỉnh khá sâu và đây là cơ hội cho các nhà đầu tư.
Theo một chuyên gia chứng khoán, đầu năm là thời điểm mà các nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại sàn chứng khoán sau kỳ nghỉ lễ, trong khi các nhà đầu tư trong nước cũng có tâm lý tốt hơn. Do đó, chỉ số Vn-Index hoàn toàn có thể quay lại mức 1.000 điểm vào quý I/2019.
Bên cạnh những nhận định tích cực, các chuyên gia cũng khuyến nghị về những khó khăn còn tồn tại, bởi khả năng TTCK Việt Nam vẫn tiếp tục chịu tác động bởi diễn biến của TTCK thế giới, nhất là thị trường Mỹ.
Khó khăn vẫn nhiều
Hiện nay, quy mô nhà đầu tư trên TTCK đã lớn hơn rất nhiều, đặc biệt là sự tham gia ngày càng nhiều của các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư, nên áp lực từ diễn biến thị trường thế giới càng lớn.
Các nhà đầu tư quan ngại chiến tranh thương mại Mỹ – Trung tuy mang đến một số cơ hội cho Việt Nam, nhưng kèm theo đó là cả rủi ro, thách thức về xuất nhập khẩu. Hơn hết, tâm trạng lo lắng đang ảnh hưởng đến động thái giao dịch của các nhà đầu tư trên thị trường.
Tại buổi tọa đàm công bố 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2018 của Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán (SJC), ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK SSI (SSI), cho rằng để đánh giá TTCK tốt hay xấu cần xem xét lại bối cảnh quốc tế.
Theo ông Hưng, chứng khoán và nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn có thể kể đến như chứng khoán đang trong ngưỡng của thị trường giá xuống (giảm 20% so với đỉnh).
Theo thống kê lịch sử, để có thể hồi phục từ mức đáy của thị trường giá xuống lên mức đỉnh cũ cần ít nhất 21 tháng. “Hiện nay có thể với tốc độ 4.0, thời gian có thể nhanh hơn nhưng dữ liệu lịch sử là như vậy”, ông Hưng nói.
Khó khăn tiếp theo là mối lo về chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, đến nay khó có thể nói trước được cuộc chiến này sẽ diễn biến thế nào, ảnh hưởng đến đâu. Ngoài ra, diễn biến giá dầu giảm mạnh đang khiến những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi xuống dần lan rộng.
Thực tế, có nhiều quan điểm khác nhau khi dự báo về xu hướng của TTCK trong năm 2019, tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư, biến động của các chỉ số không quan trọng bằng việc tìm được cổ phiếu tốt, mà cổ phiếu gia tăng cơ hội chính là cổ phiếu tốt.
Hiện, các nhà đầu tư đang kỳ vọng lớn vào Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ được thông qua và áp dụng trong quý IV/2019, trong đó cho phép nới “room” nhiều hơn cho nhà đầu tư nước ngoài ở các ngành ngân hàng, viễn thông…
Kỳ vọng nới room có khả năng trở thành hiện thực rất có thể sẽ tạo ra cú hích cho cổ phiếu các nhóm ngành này từ cuối quý II/2019. Một nhóm ngành khác dự kiến tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới đầu tư là hạ tầng giao thông, bởi Việt Nam có kế hoạch triển khai lượng lớn dự án hạ tầng trong giai đoạn 2019 – 2021.
Linh Đan