Khối ngoại chấm dứt chuỗi 33 phiên bán ròng liên tiếp |
Lực mua của khối ngoại dù không quá lớn nhưng là tín hiệu tích cực, giảm bớt áp lực cho giới đầu tư trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, trên HoSE, khối này đã mua ròng 17,67 tỷ đồng, VNM là mã được mua ròng mạnh nhất với 60,59 tỷ đồng, tiếp đến là CTG 41 tỷ đồng, VCB 21 tỷ đồng, AGG 10,14 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại MSN là mã bị bán ròng mạnh nhất với gần 41 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ E1VFVN30 bị bán ròng gần 37,8 tỷ đồng, STB 22 tỷ đồng, HPG gần 16 tỷ đồng, VRE 16,44 tỷ đồng.
Sàn UPCoM cũng được khối ngoại đẩy mạnh mua ròng phiên thứ 2 liên tiếp với 2,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 21,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên HNX khối này vẫn tiếp tục chuỗi bán ròng với 450.000 cổ phiếu, tương đương giá trị 8,77 tỷ đồng, mã bị bán ròng nhiều nhất là SHB với gần 12,4 tỷ đồng.
Tương tự giao dịch của khối ngoại, các chỉ số cũng kết thúc phiên giao dịch ngày 27/3 với diễn biến trái chiều khi Vn-Index đóng cửa tăng 1,85 điểm (0,27%) lên 696,06 điểm, nhưng HNX-Index đóng cửa giảm 0,69% xuống 97,14 điểm và UPCom-Index giảm 0,38% xuống 48,82 điểm.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 393 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị đạt hơn 5.000 tỷ đồng, cải thiện so với phiên trước.
Thực tế, dù tăng điểm nhưng mức tăng của Vn-Index hầu như dựa vào sự bứt phá mạnh của một vài bluechips như MSN, VIC, SAB, VRE, CTG, trong đó VIC là cổ phiếu tác động tích cực nhất khi tăng hơn 6%.
Ở chiều ngược lại, hàng loạt cổ phiếu lớn như BVH, FPT, GAS, HPG, REE, VJC, VPB, PNJ, MWG, HDB, MBB, BID,…giảm điểm khiến thị trường trở nên khá ảm đạm, dù chỉ số tăng. Những cái tên giảm sàn đáng chú ý nhất là MWG, FRT, HDB.
Lực bán cũng lan rộng sang nhiều nhóm ngành như dệt may, thủy sản, thép, khu công nghiệp,… Có thể kể đến như TNG giảm 4,4% xuống mức 8.700 đồng/cp, TCM giảm 1,6%, VHC giảm 3%, MPC giảm 1,6%, SZL giảm 3,8%, D2D giảm 1,4%,…
Nhìn chung, sau khi chứng kiến đà hồi phục của các thị trường chứng khoán khu vực và thế giới kể từ ngày 24/3, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng theo theo đà xu hướng. Chỉ trong 4 phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đạt 696,06 điểm tăng 4,4%, chỉ số VN30 đạt 642,23 điểm, tăng 1,5%.
Thống kê nhóm cổ phiếu tác động tích cực tới chỉ số từ 24/3 tới 27/3 như VIC, VCB, VNM, BID, GAS, SAB, VHM, BVH, CTG, VRE… Ở chiều ngược lại, tác động tiêu cực không kể của MWG, EIB, VPB, HPG, TPB, STB…
Có thể thấy nhịp hồi phục lần này của thị trường chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu trụ cột và vốn hóa lớn. Đặc biệt, quan trọng hơn là áp lực bán ròng của khối ngoại đã giảm dần đáng kể, tạo hiệu ứng tích cực hơn đối với nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, trong nhóm trụ hồi phục lần này vẫn có nỗi lo nhất định với các cổ phiếu riêng lẻ, đơn cử như BVH hoặc SAB với nỗi lo gặp khó trong việc tiêu thụ hàng hóa khi người tiêu dùng hạn chế tiếp xúc với người lạ, quán ăn đông người có thể khiến doanh thu bán hàng sụt giảm.
N.L