Thực tế cho thấy, khối ngoại mua ròng thì thị trường chưa chắc đã tăng, nhưng nếu họ bán ròng thì thị trường sẽ giảm điểm. Bởi vậy, việc khối ngoại liên tiếp bán ròng thời gian qua đã khiến giới đầu tư lo ngại.
Cơ cấu lại danh mục
Trong một tháng qua, chứng khoán Việt Nam là thị trường có đà giảm mạnh, khi ghi nhận mức giảm 10,85%. Đà giảm của thị trường được cho là do làn sóng bán tháo, chốt lời mạnh tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư nước ngoài cũng liên tục bán ròng khiến thị trường càng lao dốc, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, mặc dù thị trường cũng đã có những phiên hồi phục.
Xét riêng giá trị khớp lệnh, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3.000 tỷ đồng trong tháng 4/2018, và tiếp tục bán ròng 2.771,3 tỷ đồng trong những phiên đầu tháng 5.
VIC là cổ phiếu đứng đầu trong danh sách bán ròng của khối ngoại. Tính đến phiên giao dịch ngày 9/5, cổ phiếu VIC đã bị khối ngoại bán ròng 21 phiên, tổng giá trị bị bán ròng đạt 2.879,6 tỷ đồng.
Ngoài VIC, xu hướng bán ròng mạnh còn thể hiện rõ ở nhiều cổ phiếu trụ khác như VCB, VJC, NVL và MSN.
Đây có thể coi là một nguyên nhân khiến cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường giảm điểm, tạo áp lực lên thị trường chung._
Theo một chuyên gia chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ lượng lớn cổ phiếu, quyết định của khối này mang tính kiên trì, dài hơi hơn so với nhà đầu tư cá nhân Việt Nam.
Do đó, việc khối ngoại bán ròng thời gian qua là hoạt động đảo danh mục, tái cơ cấu theo hướng giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu để dành nguồn lực cho những thương vụ hấp dẫn hơn.
Trong hơn 10 năm ở Việt Nam, mỗi lần khối ngoại đảo danh mục là một lần thị trường chao đảo lớn, đây là cơ hội họ giải ngân chu kỳ tiếp theo.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến trái chiều cho rằng động thái bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua là do bị tác động bởi các biến động ngắn hạn, ảnh hưởng từ thị trường thế giới như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, lo ngại về tỷ giá do FED tăng lãi suất…
"Tôi cho rằng đây không phải là hoạt động đảo danh mục vì các thị trường khác cũng có diễn biến tương tự và dòng tiền cũng có hiện tượng rút ròng trong thời gian vừa khi đồng USD tăng mạnh", ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích – CTCK Yuanta cho biết.
Không riêng gì Việt Nam, tại Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Phillpines cũng đang chịu xu hướng rút tiền ồ ạt.
Việc khối ngoại liên tiếp bán ròng thời gian qua đã khiến giới đầu tư lo ngại. |
Có đáng lo ngại?
Thực tế, khó có thể lý giải được nguyên nhân khiến các nhà đầu tư nước ngoài gia tăng bán ròng trong tháng 4. Hoạt động bán ròng của khối ngoại đã bắt đầu từ tháng 2/2018, khối này đã bán ròng 8.400 tỷ đồng, nhiều hơn giá trị mua ròng trong tháng 1 là 5.300 tỷ đồng.
Theo một báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), các nhà đầu tư đang rút vốn khỏi các thị trường mới nổi với tốc độ mạnh nhất kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016.
Tại Việt Nam, khối ngoại đầu tư chủ yếu vào các bluechips, đây là nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng nhất tới thị trường, nên việc dòng vốn này bán ra nhiều hơn mua vào đang tiềm ẩn rủi ro.
Một chuyên gia chứng khoán cho hay, nhà đầu tư nước ngoài cũng có hai nhóm là đầu tư dài hạn và đầu cơ. Nhóm đầu cơ là các quỹ ETF, nhóm này thường bị ảnh hưởng bởi các biến động quốc tế, hoặc cũng có thể khối này bán ròng để chuẩn bị tiền đón đầu các thương vụ IPO, chào bán cổ phần lớn.
Tuy nhiên, ông Lê Anh Minh – CTCK VPBS, dòng tiền của nhà đầu tư chưa rút khỏi thị trường Việt Nam, trong quý I/2018, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã tăng mạnh, nên hoạt động chốt lời của khối ngoại là điều dễ hiểu.
Dòng tiền chỉ chuyển sang những mã tiềm năng hơn, mang lại lợi suất cao hơn trong thời gian tới. Vấn đề rút ròng của nhà đầu tư nước ngoài vì lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao là chưa đáng lo ngại.
Trước đó, trong quý I/2018, khối ngoại mua vào hơn 1,6 tỷ cổ phiếu (khoảng 76.103 tỷ đồng), trong khi bán ra hơn 1,35 tỷ cổ phiếu (khoảng 66.103 tỷ đồng). Tổng khối lượng mua ròng đạt 268,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 10.424 tỷ đồng.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), trong quý I/2018, có tới 732 lượt góp vốn, mua cổ phần, với giá trị vốn góp làm tăng vốn điều lệ đạt 1,34 tỷ USD và 553 lượt góp vốn không làm tăng vốn điều lệ với tổng giá trị vốn góp 547,8 triệu USD.
Một điểm sáng trên thị trường là hoạt động của các quỹ ETF đang đi ngược với xu hướng bán ròng trên sàn của khối ngoại.
Cụ thể, trong tháng 4, các quỹ ETF đã thu hút thêm được 107 tỷ đồng, đảo ngược dòng vốn sau khi bị rút hơn 930 tỷ đồng trong tháng 3.
Đà bán tháo đã đưa mặt bằng giá của thị trường trở lại cân bằng, nhưng vẫn còn những rủi ro hiện hữu. Bên cạnh đó, thời điểm tháng 5 không phải là giai đoạn các nhà đầu tư có xu hướng mua vào.
Linh Đan