Vn-Index giảm 3,48 điểm xuống còn 1.056,97 điểm trong phiên giao dịch 9/5 |
Thị trường mở cửa phiên giao dịch khá ảm đạm trong bối cảnh giới đầu tư vẫn thận trọng sau chuỗi ngày điều chỉnh sâu vừa qua. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã giảm khá mạnh ngay đầu phiên giao dịch và kéo các chỉ số lùi xuống dưới mốc tham chiếu.
Bước vào phiên giao dịch chiều, theo lực kéo của nhóm VN30 và HNX30, Vn-Index nới rộng đà tăng ngay đầu phiên, leo lên ngưỡng 1.070 điểm, còn HNX-Index lên sát mức tham chiếu. Tuy nhiên, ở các ngưỡng điểm này, lực cung gia tăng tại các mã lớn, trong khi lực cầu thận trọng khiến nhiều mã quay đầu giảm trở lại, kéo Vn-Index đảo chiều theo.
Trong nhóm ngân hàng, các cổ phiếu như VCB, VPB, STB, CTG, BID… đều đồng loạt giảm. VCB giảm sâu 2,5% xuống 59.500 đồng/cp; VPB cũng giảm mạnh khi mất 2,6% xuống 53.100 đồng/cp; CTG giảm 1,32% xuống 30.000 đồng/cp; BID giảm 1,41% xuống 35.000 đồng/cp; ACB trở thành “tội đồ” của HNX khi giảm mạnh 2,2% xuống còn 44.400 đồng/cp…
Trong nhóm chứng khoán và bảo hiểm, các mã như BVH, VND, HCM… đều giảm sâu. Đáng chú ý, VND giảm sàn xuống 25.400 đồng/cp và khớp lệnh 3,4 triệu cổ phiếu; BVH giảm 2,6% xuống 94.000 đồng/cp…
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng đóng cửa trong sắc đỏ như VIC giảm nhẹ 0,81% xuống 122.900 đồng/cp, VNM giảm 0,05% xuống 185.000 đồng/cp, SAB giảm 0,38% xuống 234.000 đồng/cp…
Mặc dù vậy, đà giảm của thị trường chung cũng đã được kìm hãm đáng kể nhờ lực đỡ của hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn khác như VJC, GAS, KDC, ROS và nhóm dầu khí.
GAS có mức tăng tốt 4,37% lên 107.500 đồng/cp, VJC tăng 3,85% lên 194.200 đồng/cp, HPG đứng ở tham chiếu 57.000 đồng/cp, HSG tăng trần lên 15.150 đồng/cp, PVS tăng 3,9% lên 18.700 đồng/cp… DXG, PVD, DPM, FRT cũng có mức tăng tốt.
Đóng cửa phiên giao dịch, Vn-Index giảm 3,48 điểm (0,33%) xuống 1.056,97 điểm; HNX-Index giảm 1,47 điểm (1,17%) xuống 123,86 điểm và UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (0,4%) xuống 56,6 điểm.
Thanh khoản trên toàn thị trường vẫn ở mức thấp với 211 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 5.700 tỷ đồng, nhưng giao dịch thỏa thuận lại chiếm đến khoảng 1.900 tỷ đồng, cho thấy giới đầu tư vẫn rất thận trọng với xu hướng hiện nay.
Phiên hôm nay, khối ngoại tiếp tục bán ròng gần 300 tỷ đồng trên toàn thị trường, VIC tiếp tục dẫn dầu danh sách ghi nhận phiên thứ 12 bị bán ròng liên tiếp, tổng giá trị đạt hơn 3.000 tỷ đồng.
L.Đan