Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với tổng khối lượng giao dịch đạt 242 triệu cổ phiếu, trị giá trên 6.300 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận vẫn chiếm đến khoảng 1.500 tỷ đồng.
Trong phiên giao dịch ngày 7/5, các mã cổ phiếu vốn hóa lớn và ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, nhiều mã tăng trần, giúp Vn-Index lấy lại 35 điểm sau đà giảm mạnh trước đó.
Sau tăng giá là giảm điểm
Theo nhận định của CTCK KB Việt Nam, đà tăng quá mạnh trong phiên này, với thanh khoản thấp, phân hóa mạnh mẽ và dòng tiền chủ yếu tập trung vào nhóm ngân hàng khiến nhịp phục hồi hiện tại vẫn ở trạng thái khá mong manh.
Nhận định này có vẻ đúng khi với tâm lý đã trải qua những “bài học kinh nghiệm” trong một tháng qua, việc Vn-Index lên đỉnh rồi xuống dốc, hồi phục rồi giảm điểm khiến các nhà đầu tư lo ngại gặp bẫy tăng giá, do đó đã trở nên thận trọng hơn trong phiên 8/5.
Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư tỏ ra dè dặt trước việc lượng hàng bắt đáy của phiên thứ Năm tuần trước về tài khoản sẽ có nhiều nhà đầu tư chốt lời, tạo áp lực lên thị trường.
Ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch, thị trường đã chìm trong sắc đỏ với sự điều chỉnh của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn.
Rất nhanh sau đó, Vn-Index đã lấy lại sắc xanh khi sức cầu được cải thiện, song do áp lực bán lớn cộng thêm tâm lý thận trọng nên chỉ số diễn biến giằng co rất mạnh.
Đà tăng giá của thị trường không còn duy trì ở trong phiên giao dịch buổi chiều khi những cổ phiếu vốn hóa lớn của ngành ngân hàng, bất động sản hay dầu khí đều đóng cửa ở mức giá đỏ.
Tại nhóm ngân hàng, VCB, SHB, VPB, ACB, MBB, STB và LPB đều giảm sâu xuống dưới mốc tham chiếu. Trong đó, VCB giảm 1,8% xuống 61.000 đồng/cp; VPB giảm 2,5% xuống thấp nhất phiên là 54.500 đồng/cp, MBB giảm 2,2% về 31.500 đồng/cp, CTG giảm 0,2% về 30.400 đồng/cp…
Nhiều mã lớn khác cũng nới rộng hơn đà giảm về cuối phiên, gây sức ép lớn lên chỉ số như VNM giảm 2,6% về 185.100 đồng/cp, VRE giảm 2,1% về 45.800 đồng/cp, SSI giảm 1,66% về 35.800 đồng/cp, VIC giảm 0,6% về 123.900 đồng/cp…
Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index giảm 1,81 điểm (0,17%) còn 1.060,45 điểm; HNX-Index giảm 1,22 điểm (0,97%) còn 125,33 điểm.
Khối ngoại cũng tiếp tục bán ròng trong phiên 8/5, tuy nhiên áp lực bán ròng đã có phần “hạ nhiệt” và chỉ còn 196 tỷ đồng. VIC tiếp tục là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất.
Sau phiên hồi phục mạnh ngày 7/5, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và ngân hàng đã nhanh chóng đảo chiều trong phiên giao dịch ngày 8/5, kéo Vn-Index giảm điểm |
Những sắc xanh lẻ loi
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ còn BID và TPB là giữ được sắc xanh, BID tăng mạnh 2,2% lên 35.500 đồng/cp; TPB cũng tăng nhẹ 0,3% lên 30.100 đồng/cp; EIB đứng giá 15.400 đồng/cp.
Ngoài ra, ROS tiếp tục duy trì chuỗi tăng ấn tượng với phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp lên 83.800 đồng, khớp lệnh 1,1 triệu đơn vị. Các mã PLX, VJC, NVL, HPG, MSN, BVH… cũng đều có được đà tăng tốt.
VJC tăng 2,7% lên 187.900 đồng/cp; BVH tăng mạnh 4,9% lên 96.500 đồng/cp; PLX tăng 2,6% lên 68.200 đồng/cp…
Ngoài ROS, “họ nhà FLC” còn có HAI và AMD tăng trần, lên tương ứng 3.710 đồng/cp và 3.790 đồng/cp; JVC và VHG cũng đạt sắc tím.
Việc nhóm ngân hàng hạ nhiệt nhanh chóng khiến Vn-Index mất đi trụ đỡ, đà tăng của nhóm nhỏ cổ phiếu này chưa đủ để giúp VN-Index giữ được sắc xanh.
Các công ty chứng khoán đã đưa ra khuyến cáo đối với các nhà đầu tư ngắn hạn trong giai đoạn thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro là không nên mua đuổi và nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục thì nên tận dụng nhịp hồi phục để bán ra nhằm đưa tỷ trọng về mức an toàn.
Các nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu đang có vị thế tốt trong danh mục và có triển vọng tăng trưởng tích cực trong thời gian tới.
Theo CTCK BSC nhận định, khả năng điều chỉnh vẫn còn có thể xuất hiện, dấu hiệu phục hồi trong dài hạn là chưa rõ ràng.
Nhà đầu tư dài hạn cần tiếp tục tích cực theo dõi thị trường; nhà đầu tư ngắn hạn có thể nhân những phiên hồi phục để tích lũy lợi nhuận, tối ưu hiệu quả đầu tư.
Tại một cuộc giao lưu trực tuyến với các nhà đầu tư, ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực miền Bắc MBS, cho biết bản chất của thị trường chứng khoán là luôn luôn quá đà, việc Vn-Index vượt mốc 1.200 điểm hồi đầu tháng 4, tương đương P/E hơn 21 lần và đây là mức cao, vượt qua nội lực thực tại của nền kinh tế.
Với mặt bằng lãi suất tiết kiệm hiện khoảng 6%, mức định giá P/E hợp lý vào khoảng 17 lần, tương đương vùng 950 điểm.
Cũng theo ông Chung, Vn – Index sẽ hồi phục trở lại vùng điểm này kể từ cuối quý III, đầu quý IV với sự dẫn dắt của nhóm bất động sản, chứng khoán, ngân hàng. Trong quý I/2019, VnIndex có khả năng sẽ đạt mốc 1.300 điểm.
Linh Đan