Đó là phát biểu của Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải tại Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ASEAN 2018 về các định hướng của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời gian tới.
Sau 18 năm vận hành, TTCK Việt Nam đã trở thành thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực về quy mô và thanh khoản.
Hoàn thiện luật
Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải khẳng định, TTCK Việt Nam hiện đã hoàn chỉnh về cấu trúc với thị trường cổ phiếu, trái phiếu Chính phủ và chứng khoán phái sinh.
Đến cuối tháng 6/2018, quy mô TTCK tăng 10,7% so với cuối năm 2017 và đạt khoảng 77,7% GDP, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra cho năm 2020.
Thực hiện quyết tâm xây dựng TTCK Việt Nam lành mạnh, ổn định, sớm được công nhận là TTCK mới nổi (emerging market) vào năm 2020 để huy động hiệu quả các kênh vốn trung và dài hạn của quốc tế, Bộ Tài chính đang xây dựng đề án triển khai.
Trước đó, theo danh sách kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 TTCK trên thế giới của Morgan Stanley Capital International (MSCI), Việt Nam chưa lọt vào danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi.
Tính tới cuối quý II/2018, TTCK Việt Nam đã đáp ứng được hầu hết các tiêu chí về mặt định lượng theo yêu cầu của MSCI, bao gồm các tiêu chí về quy mô và thanh khoản thị trường.
Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam chưa đáp ứng một số tiêu chí về mặt định tính như công bố thông tin bằng tiếng Anh, các rào cản đối với nhà đầu tư nước ngoài (về tỷ lệ sở hữu, pháp lý…), cơ sở hạ tầng, công nghệ và khả năng chuyển đổi ngoại tệ một cách thuận lợi, linh hoạt cho nhà đầu tư ngoại.
Nhiệm vụ quan trọng nhất trong quá trình tiến tới nâng hạng thị trường mới nổi là sửa đổi luật. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục củng cố khung pháp lý, tập trung hoàn thiện Luật Chứng khoán (sửa đổi) theo đúng thời hạn của Chính phủ giao, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để thị trường được phát triển ổn định, công khai, minh bạch.
Theo dự kiến, Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) và thông qua năm 2019.
Trên thực tế, Luật Chứng khoán 2006 và Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung năm 2010 ra đời trong bối cảnh TTCK còn sơ khai, quy mô nhỏ.
Đến nay, TTCK đã ngày càng lớn mạnh, Luật Chứng khoán hiện hành cũng bộc lộ nhiều nhược điểm như các quy định về yêu cầu công bố thông tin, các hành vi thao túng, trục lợi, thẩm quyền điều tra, giám sát của cơ quan quản lý, cũng như thực tế áp dụng các quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo và ban hành chiến lược về phát triển TTCK nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu mạnh mẽ.
Trước đó, sự ra đời va đi vào hoạt động của thị trường phái sinh vào ngày 10/8/2017 đã đánh dấu tiến trình hoàn chỉnh cấu trúc TTCK Việt Nam, khẳng định trình độ phát triển và đáp ứng nhu cầu tất yếu của thị trường tài chính.
Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải cho biết, Bộ Tài chính cũng định hướng sẽ kết nối TTCK Việt Nam với một số sàn giao dịch chứng khoán trong khu vực nhằm thu hút mạnh mẽ sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị liên quan xây dựng cơ chế, chính sách cho khối ngoại.
TTCK Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực về quy mô và thanh khoản |
Tăng lượng cung cổ phiếu
Công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK cũng sẽ được Bộ Tài chính đẩy nhanh tiến độ.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu, đặc biệt là vốn trung và dài hạn, từng bước cân bằng giữa kênh huy động vốn qua thị trường vốn và kênh tín dụng ngân hàng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những mục tiêu đề cập trong chiến lược đó là có 3-5 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên TTCK nước ngoài.
Trước mắt thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống còn 51% tại ba ngân hàng lớn là Vietcombank, BIDV, VietinBank. Đồng thời, đặt lộ trình thực hiện niêm yết cổ phiếu của ba “ông lớn” này (VCB, BID, CTG) trên TTCK nước ngoài.
Riêng với trường hợp của Agribank sau khi cổ phần hóa sẽ thực hiện niêm yết tại thị trường trong nước.
Để chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết tại nước ngoài, Vietcombank, BIDV, VietinBank sẽ lựa chọn cổ đông chiến lược có uy tín trên thị trường, có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản trị; chuẩn bị các điều kiện tiền đề.
Công nghệ cũng là một yếu tố giúp TTCK Việt có thể vươn xa. Trong một hội nghị gần đây của ngành tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị chuyên đề về phát triển thị trường vốn, thị trường tài chính trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0.
Linh Đan