Vào rạng sáng ngày thứ Năm (21/6), MSCI đã công bố kết quả phân loại thị trường định kỳ dành cho 84 TTCK trên thế giới. Theo kết quả vừa công bố, TTCK Việt Nam thậm chí còn chưa lọt vào danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên (frontier market) sang thị trường mới nổi (emerging market).
Thông tin về việc TTCK Việt Nam chưa được MSCI đưa vào danh sách xem xét nâng hạng lần này tiếp tục khiến nhà đầu tư ít nhiều thất vọng. Nếu được nâng hạng, TTCK có thể hút thêm vốn từ các quỹ đầu tư thụ động vào thị trường mới nổi.
TTCK Việt Nam chưa được MSCI đưa vào danh sách xem xét nâng hạng |
Cũng cần lưu ý, kết quả này không nằm ngoài dự báo của chuyên gia chứng khoán. Trước đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã đưa nhận định: "Vào tháng 6/2018, khi MSCI ra báo cáo cập nhật, nếu không có gì bất ngờ thì Việt Nam sẽ chưa được nhắc đến như một ứng viên tiềm năng cho việc nâng hạng. Điều này có thể không gây ra ảnh hưởng quá tiêu cực đến diễn biến thị trường nhưng có thể tạo ra một khoảng "nghỉ", một điểm tạm dừng trong chiến lược giải ngân của các quỹ đầu tư để chờ đợi thêm những diễn biến mới".
Dường như hành trình được nâng hạng lên thị trường mới nổi của Việt Nam vẫn còn xa. Năm 2017, trong một hội nghị đầu tư tại Tp.HCM vào tháng 10, ông Valentin Laiseca, Phụ trách thị trường Đông Nam Á của MSCI, đã cho rằng, với trường hợp tốt nhất thì Việt Nam có thể được vào danh sách xem xét vào tháng 6/2019 và năm 2020 được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Trong lần đánh giá này, phần lớn các khoản mục đều được MSCI giữ nguyên so với đợt review của năm trước. Chỉ riêng khoản mục “Đăng ký đầu tư và mở tài khoản”, MSCI có đưa ra đánh giá tích cực và nâng bậc định tính từ “cần phải cải thiện” lên “không có vấn đề lớn, có thể cải thiện”.
Cụ thể như sau: Giới hạn sở hữu nước ngoài: Các công ty sở hữu ở một số ngành có điều kiện và lĩnh vực nhạy cảm bị giới hạn về sở hữu nước ngoài.
Room ngoại còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài: Thị trường cổ phiếu chịu ảnh hưởng lớn từ vấn đề room ngoại.
Quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài: Ngày càng nhiều thông tin trên các sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) được công bố bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, một số thông tin về doanh nghiệp không phải luôn có sẵn bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt, vốn được áp dụng đối với tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng.
Mức độ tự do trên thị trường ngoại hối: Hiện chưa có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài và thị trường giao dịch trong nước còn hạn chế (giao dịch ngoại tệ phải liên quan tới giao dịch chứng khoán).
Các quy định về thị trường: Không phải tất cả các quy định về thị trường đều có sẵn bằng tiếng Anh.
Luồng thông tin: Các thông tin về TTCK thường không có bản tiếng Anh hoặc thỉnh thoảng không đủ chi tiết.
Thanh toán và bù trừ: Không có tổ chức bù trừ chính thức và VSD đóng vai trò là cơ quan bù trừ chứng khoán. Ngoài ra, không có công cụ vay thấu chi và các giao dịch cần ứng tiền trước.
Khả năng chuyển nhượng: Giao dịch ngoài sàn và chuyển nhượng hiện vật cần được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận trước.
Đăng ký đầu tư và mở tài khoản: Việc sử dụng dịch vụ đăng ký trực tuyến đã được đơn giản hóa và rút ngắn thời gian cấp mã số giao dịch. Việc đăng ký là bắt buộc và thiết lập tài khoản cần có sự chấp thuận từ phía VSD. Đáng chú ý, lần này, MSCI có nâng bậc định tính của khoản mục “Đăng ký đầu tư và mở tài khoản” từ cần phải cải thiện” (“-/?”) lên “+” không có vấn đề lớn, có thể cải thiện (“+”).
VT(theo Vietstock)