![]() |
Từ đầu năm đến nay, VN-Index ghi nhận nhiều "tân binh" mới lên sàn liên tục giảm mạnh. (Ảnh minh họa) |
Đơn cử như 16,5 triệu cổ phiếu GMH của Công ty cổ phần Minh Hưng Quảng Trị đã liên tiếp giảm hết biên độ từ khi chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) từ ngày 12/1/2022 với giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên là 22.000 đồng/cp.
Sau khi tăng lên mức 28.200 đồng/cp (chốt phiên 13/1), GMH đã có 6 phiên liên tiếp giảm sàn. Chốt phiên 25/1, GMH có giá 18.500 đồng/cp, giảm gần 12% kể từ lúc lên sàn HoSE.
Cũng trên sàn HoSE vào ngày 12/1, hơn 304,7 triệu cổ phiếu EVF của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance) được niêm yết với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 19.050 đồng/cp.
Trong ngày giao dịch đầu tiên, biên độ dao động giá của cổ phiếu EVF là +/-20% giá tham chiếu. Đóng cửa phiên ngày 25/1, thị giá EVF xuống 15.850 đồng/cp, giảm gần 17% kể từ khi chào sàn.
Ngày 13/1, Công ty cổ phần Đá Hoàng Mai cũng chính thức đưa hơn 5,6 triệu cổ phiếu HMR vào giao dịch chính thức trên sàn HNX, với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.700 đồng/cp. Kết phiên 25/1, HMR đã giảm 4,4% tính từ khi niêm yết.
Tương tự, ngày 20/1, hơn 267 triệu cổ phiếu HHV của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả, thuộc công ty mẹ là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả chính thức niêm yết trên HoSE với giá chào sàn 25.660 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa 6.861 tỷ đồng, biên độ giao động giá +/- 20% so với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên.
Đây là mã cổ phiếu nhận được nhiều sự kỳ vọng của ban lãnh đạo công ty cũng như các nhà đầu tư. Tuy nhiên, tại phiên giao dịch đầu tiên, HHV đã liên tiếp giảm mạnh, thậm chí giảm sàn. Tính từ phiên 21/1 đến hết phiên 25/1, HHV giảm mạnh 14,5%.
Thống kê lịch sử giao dịch của các cổ phiếu này cho thấy, diễn biến giảm giá khá tương đồng với thị trường chung khi VN-Index đã giảm 5,8% tính từ phiên 7/1 đến hết phiên 24/1. Trong khi đó, nhiều mã mới lên sàn UPCoM ghi nhận tăng mạnh, nhưng thanh khoản "èo uột" và trồi sụt rất thất thường, biên độ dao động rất lớn, tăng trần hoặc giảm sàn như cổ phiếu ODE của Công ty cổ phần Tập đoàn truyền thông và Giải trí ODE và cổ phiếu BIG của Công ty cổ phần Big Invest Group.
C.Giang
.