Trong năm 2019, lượng cổ phiếu niêm yết mới trên cả 3 sàn chứng khoán đều sụt giảm so với năm 2018 do diễn biến thị trường không thuận lợi, thanh khoản sụt giảm. Tuy nhiên, trong những ngày đầu năm 2020, khá nhiều cái tên mới đã được chấp thuận niêm yết và thực hiện niêm yết, được cho là tín hiệu mở đầu tích cực.
CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (mã: AGG) là doanh nghiệp (DN) đầu tiên chào sàn HoSE trong năm 2020 với tổng khối lượng niêm yết là 75 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 750 tỷ đồng.
Xếp hàng chào năm mới
Giá tham chiếu ngày giao dịch đầu tiên 25.000 đồng /cp, tương đương với mức định giá 1.875 tỷ đồng, gần bằng quy mô một số công ty bất động sản lớn khác như TTC Land, LDG Group.
Sau 2 phiên chào sàn tăng mạnh từ 25.000 đồng lên 30.400 đồng/cp, cổ phiếu AGG đã quay đầu giảm xuống còn 29.450 đồng/cp. Tuy vẫn tăng 17,8% so với phiên chào sàn, nhưng đây là diễn biến không mấy tích cực đối với một “tân binh”.
Cũng trên HoSE, ngày 15/1, gần 32,2 triệu cổ phiếu của CTCP Viễn thông – Tin học Bưu điện (CTIN) chính thức niêm yết với mã giao dịch ICT. Giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 23.100 đồng/cp.
Đáng chú ý, trong những ngày đầu năm 2020, 4 tỷ cổ phiếu GVR, tương ứng với 40.000 tỷ đồng vốn điều lệ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP đã được chấp thuận niêm yết trên sàn HoSE, được xem là ứng viên “sáng giá” cạnh tranh vị trí trong VN30. Ngoài ra còn có cổ phiếu CKG của CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang.
Trên sàn HNX, 15,5 triệu cổ phiếu EBA của CTCP Điện Bắc Nà được chấp thuận niêm yết; 350 triệu cổ phiếu VIF của Vinafor cũng sẽ chính thức được “chuyển nhà” từ UPCoM sang HNX với tổng giá chứng khoán niêm yết theo mệnh giá là 3.500 tỷ đồng.
Thị trường giao dịch cho cổ phiếu đại chúng (UPCoM) đã và đang chuẩn bị đón nhận nhiều thành viên mới. Theo đó, ngày 8/1 vừa qua, 77 triệu cổ phiếu VHI của CTCP Kinh doanh và Đầu tư Việt Hà - chủ thương hiệu bia Việt Hà, đã chính thức giao dịch với giá tham chiếu là 9.300 đồng/cp.
Chỉ tính riêng trong tuần giao dịch 6-10/1, sàn UPCoM đã đón 7 thành viên mới. Bên cạnh Bia Việt Hà còn có cổ phiếu GTK của Giày Thụy Khuê có giá tham chiếu là 12.000 đồng/cp; cổ phiếu HC1 của CTCP Xây dựng Số 1 Hà Nội, giá chào sàn là 24.800 đồng/cp; cổ phiếu QNT của Trung tâm Tư vấn xây dựng thị xã Điện Bàn; Trung tâm Giống Thủy sản Quảng Nam (mã: GQN); CTCP Đô thị và Môi trường Đăk Lăk (mã: UDL); CTCP Dịch vụ Đô thị Đà Lạt (mã: DUS). Tuy nhiên, những cổ phiếu này lại gần như “đóng băng” giao dịch.
Ngày 16/1 tới, CTCP 319.5 cũng sẽ đưa 4,4 triệu cổ phiếu CT5 giao dịch trên thị trường UPCoM với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 10.700 đồng/cp.
Các cổ phiếu mới niêm yết luôn được xem là cơ hội cho các NĐT |
Có là cơ hội?
Tính đến ngày 30/9/2019, quy mô tổng tài sản của An Gia đạt 2.113 tỷ đồng, thuộc nhóm tầm trung trong số các DN bất động sản đang niêm yết. Trong hơn một năm trở lại đây, quy mô vốn chủ sở hữu, đặc biệt là vốn điều lệ của công ty tăng khá nhanh.
Cụ thể, nếu như tính đến tháng 9/2018, vốn điều lệ của An Gia mới là 131,5 tỷ đồng thì chỉ trong một năm (đến tháng 9/2019), thông qua 5 lần tăng vốn đã được nâng lên 750 tỷ đồng (tương ứng 75 triệu cổ phiếu).
Các nhà đầu tư (NĐT) lo ngại việc tăng vốn nhanh gây áp lực pha loãng đáng kể lên hiệu suất sinh lời của DN. Lợi nhuận của An Gia tăng trưởng tốt trong 2 năm qua, nhưng NĐT cũng cần lưu ý thêm rằng với đặc thù DN bất động sản, việc hạch toán doanh thu, lợi nhuận có tính thời điểm khi bàn giao dự án.
Trong khi đó, đặc điểm chung của các cổ phiếu trên sàn UPCoM là cơ cấu cổ đông quá cô đặc khiến lượng cổ phiếu giao dịch tự do thấp, không hấp dẫn các NĐT. Đối với nhóm DN chuẩn bị niêm yết trong những ngày tới, nhiều yếu tố tồn tại trong DN có thể “cản bước” quyết định “xuống tiền”.
Đơn cử như trường hợp của CTIN, kết quả kinh doanh của công ty trong 2 năm trở lại đây lại có phần kém khả quan. Cụ thể, về doanh thu, sau khi tăng đột biến khoảng 80% trong năm 2017 thì trong năm 2018, doanh thu thuần hợp nhất đã giảm khoảng 23% , lợi nhuận trước thuế giảm 47,78%.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, CTIN ghi nhận doanh thu 818,7 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 37,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 42% và 41,7% so với cùng kỳ năm 2018; hoàn thành 31% mục tiêu doanh thu và và 32% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Nhìn lại diễn biến các cổ phiếu chào sàn trong năm 2019 có thể thấy những “tân binh” là cơ hội đầu tư mới nhưng cũng có những cái tên khiến NĐT thất vọng. Điển hình như cổ phiếu VHE của CTCP Dược liệu và thực phẩm Hà Nội (Vewe). DN ngành dược liệu này cũng là đơn vị đầu tiên "xông đất" sàn HNX năm 2019.
Lên sàn với giá tham chiếu 15.000 đồng/cp, nhanh chóng tăng điểm, lên hơn gấp đôi, đạt đỉnh ở mức 30.800 đồng/cp, nhưng tính đến cuối năm 2019, VHE chỉ còn có mức giá 5.700 đồng/cp, mất đi gần 2/3 giá trị so với ngày chào sàn và chỉ còn 1/6 giá trị so với đỉnh đạt được trước đó.
Linh Đan