Trong khoảng 2 tuần vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất gần 30 tỷ USD vốn hóa, ghi nhận kỷ lục về bước giảm sâu sau 19 năm vận hành và phát triển. Nguyên nhân chính dẫn đến diễn biến này là do tâm lý hoang mang của nhà đầu tư trước tình hình dịch bệnh phức tạp khiến thị trường gặp áp lực bán tháo.
Tuy nhiên, những phiên gần đây, đã có số ít cổ phiếu quay đầu ngược dòng như GMD của CTCP Gemadept, FMC của Thực phẩm Sao Ta, PAN của PAN Group... nhờ quyết định mua vào lượng lớn cổ phiếu quỹ của HĐQT doanh nghiệp.
Động thái trấn an nhà đầu tư
Ngay sau khi những doanh nghiệp trên thành công trong công cuộc “cứu" giá cổ phiếu giảm sâu vì dịch Covid-19 bằng cổ phiếu quỹ, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng nhập cuộc phong trào này, nhiều kế hoạch mua cổ phiếu quỹ đang được gấp rút triển khai.
Có thể kể đến như mới đây nhất, CTCP Tập đoàn Thiên Long (mã: TLG) đã thông qua phương án mua lại 1,5 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ nhằm tối đa hóa lợi ích của cổ đông.
Giá mua được xác định theo quy định chung, nhưng không quá 55.000 đồng/cp – cao hơn rất nhiều so với thị giá hiện tại của cổ phiếu TLG. Hiện, TLG đã giảm khá sâu về vùng đáy của nhiều năm trở lại đây tại mức 30.500 đồng/cp.
Giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Như vậy, để mua đủ 1,5 triệu cổ phiếu quỹ, Thiên Long Group sẽ chi khoảng 82,5 tỷ đồng.
Cũng có chung mục đích bình ổn giá, tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông như nhiều doanh nghiệp khác, CTCP Fecon (mã: FCN) vừa thông qua chủ trương mua lại 6 triệu cổ phiếu, tương ứng 5% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty làm cổ phiếu quỹ.
Giá mua vào theo quy định và quy chế của thị trường chứng khoán. Trên thị trường, cổ phiếu FCN đang giảm mạnh về mức 7.000 đồng/cp – mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Ngày 18/3 vừa qua, HĐQT CTCP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (mã: CII) đã ban hành Nghị quyết về việc chấp thuận mua lại tối đa gần 16,7 triệu cổ phiếu CII làm cổ phiếu quỹ.
Giá mua vào được xác định không vượt quá 25.000 đồng/cp, trong khi trên thị trường, cổ phiếu CII đang giao dịch quanh mức 19.400 đồng/cp – giảm khoảng 14% so với thời điểm đầu năm 2020.
Hay như VietinbankSC (mã: CTS) dự kiến đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu, tương ứng 1,9% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết đang lưu hành của công ty...
Sở dĩ gọi là “sóng” cổ phiếu quỹ vì động thái này luôn mang đến tác động tích cực tức thì, thậm chí trước cả khi được thực hiện.
Bởi lẽ, trong ngắn hạn, hoạt động mua lại cổ phiếu giúp doanh nghiệp có thể trấn an cổ đông bằng hành động cụ thể, ngầm thông báo tới cổ đông rằng “cổ phiếu đã đủ hấp dẫn”. Về dài hạn khi cổ phiếu lấy lại được mức giá cao trước đây, doanh nghiệp có thể thu được một khoản thặng dư.
Cổ phiếu quỹ cũng là một sản phẩm đầu tư |
Nguy cơ dòng tiền bị "chảy máu"
Nhận thấy được sự cần thiết của việc phải trấn an tâm lý các nhà đầu tư trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay, các cơ quan chức năng đã rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp từ 7 ngày trước đây xuống trong vòng 1 ngày, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh kế hoạch.
Hơn nữa, việc mua cổ phiếu quỹ cũng là một biện pháp giúp doanh nghiệp tránh khỏi các thế lực khác gom mua cổ phiếu khi giá lao dốc để thao túng, nắm quyền kiểm soát công ty. Thậm chí, đây cũng có thể là bước đệm cho doanh nghiệp thực hiện giảm vốn điều lệ thông qua việc mua và sau đó hủy số cổ phiếu quỹ đã mua.
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, một chuyên gia phân tích cho rằng, việc các doanh nghiệp sẵn sàng chi ra hàng nghìn tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ được xem như là một phản xạ tự nhiên trong bối cảnh như hiện nay.
Thế nhưng, động thái nào cũng có tính hai mặt nếu mục đích không rõ ràng. Trong trường hợp doanh nghiệp dư dả về tiền mặt thì đây là động thái tích cực, còn ngược lại sẽ vướng vào rủi ro. Trên thực tế có khá nhiều doanh nghiệp chỉ vì muốn trấn an cổ đông đã sử dụng nguồn tiền đi vay hoặc lấy từ hoạt động kinh doanh khác để mua cổ phiếu quỹ, vì vậy tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Bởi suy cho cùng, cổ phiếu quỹ là một loại sản phẩm đầu tư nếu khó khăn kinh doanh chỉ là tạm thời hoặc doanh nghiệp có biện pháp ứng phó tốt, thị giá sẽ phục hồi theo lợi nhuận và đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như cổ đông. Còn nếu tình hình kinh doanh không được cải thiện, thị giá chẳng những không hồi phục mà việc mua cổ phiếu quỹ còn phản tác dụng khi dòng tiền bị “chảy máu”.
Ví dụ điển hình là câu chuyện mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ của Địa ốc Hoàng Quân hồi tháng 2/2019 trong bối cảnh lợi nhuận giảm do hoạt động kinh doanh chính khó khăn, dòng tiền kinh doanh thu về eo hẹp trong khi công ty phải đầu tư mạnh và trả nợ.
Do đó, việc chi gần 100 tỷ đồng mua cổ phiếu quỹ đã góp phần làm lượng tiền dự trữ giảm, doanh thu tài chính cũng giảm mạnh và kéo giảm lợi nhuận. So với giá mua vào bình quân, đến giữa tháng 11/2019, thị giá DQC đã thấp hơn gần 38%.
Linh Đan