Có nhiều lý do để giải thích về sự "mất hút" của dòng tiền nội, như: hiện đang là dịp cận Tết Nguyên đán nên dòng tiền có xu hướng nghỉ ngơi, hoặc áp lực rút vốn vay tránh chịu lãi suất trong kỳ nghỉ dài…
Tuy nhiên, điều đáng nói là dù bất cứ với lý do gì, sự mất hút của dòng tiền trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện nay đã không còn mang tính thời điểm.
Tâm lý chờ đợi
TTCK Việt Nam đã có quãng thời gian bùng nổ cả về điểm số và thanh khoản hồi tháng 4/2018, khi chỉ số Vn-Index vượt mốc lịch sử vươn lên hơn 1.200 điểm, giá trị giao dịch được đẩy lên trung bình 7.000 – 8.000 tỷ đồng/phiên.
Tuy nhiên, ngay sau đó, thị trường bước vào chuỗi điều chỉnh, dòng tiền thoái trào kéo theo sự đứt gãy cả về chỉ số và giá cổ phiếu, giá trị giao dịch giảm dần xuống 4.000 tỷ đồng, rồi quanh mốc 3.000 tỷ đồng/phiên.
Từ đó tới nay, dù thị trường đã có những nhịp hồi phục nhưng trong suốt quãng thời gian dài vừa qua, sắc màu chung vẫn là "ảm đạm", những phiên giao dịch có giá trị dưới 2.000 tỷ đồng/phiên xuất hiện nhiều hơn.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, với sự đứt gãy mạnh và suy giảm kéo dài, TTCK Việt Nam khó lôi kéo nhà đầu tư mới, dòng tiền mới, cả nội lẫn ngoại.
Bước sang năm 2019, bất chấp nhiều dự báo tươi sáng được đưa ra cho TTCK, dòng tiền vẫn "bặt vô âm tín", sự thờ ơ của giới đầu tư nội đã đến mức báo động.
Đáng chú ý nhất là tuần giao dịch vừa qua (14-18/1), TTCK đã có diễn biến không mấy tích cực khi chỉ số Vn- Index giảm nhẹ cùng với thanh khoản xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Có nhiều lý do để lý giải cho hiện tượng này, trước hết là các nhà đầu tư đã mất niềm tin với thị trường, hay mong muốn một cái Tết an lành sau một năm 2018 "đau thương".
Ông Lê Hoàng Tân, Giám đốc chi nhánh Sài Gòn của công ty chứng khoán MBS, cho rằng sự sụt giảm liên tiếp của thanh khoản duy trì trong suốt thời gian qua đã phản ánh tâm lý thận trọng, chờ đợi của nhà đầu tư, khi mà xu hướng của Vn-Index là chưa thực sự rõ ràng, thậm chí nguy cơ rơi vào nhịp điều chỉnh mạnh và kéo dài của chỉ số này vẫn còn đang hiện hữu.
Thực tế, sau những đợt lao dốc mạnh, hầu hết các nhà đầu tư đều có tâm lý muốn thoát ra thị trường nên sẽ liên tiếp bán ra. Trong khi đó, những người ở lại thì không chấp nhận bán với mức quá rẻ như hiện tại vì cho rằng nền kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn đang phát triển ổn định, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) vẫn đang tăng trưởng tốt với những thông tin tích cực hơn.
Thị trường chứng khoán được cho là khó thu hút vốn đầu tư mới |
Đã có sự dịch chuyển?
"Tôi vẫn đang kỳ vọng vào kịch bản tích cực của thị trường khi mùa báo cáo tài chính năm được công bố với nhiều DN đang được định giá thấp sẽ thu hút được dòng tiền", ông Tân nói.
Thế nhưng, tuần giao dịch vừa qua lại thể hiện hoàn toàn không như mong đợi bất chấp nhiều DN đã bắt đầu công bố lợi nhuận quý IV cũng như cả năm 2018. Do những báo cáo này không tạo được cú hích đáng chú ý, cùng với rào cản tâm lý quá mạnh đã khiến thị trường dao động hẹp, dòng tiền lớn vẫn chưa có dấu hiệu quay trở lại thị trường.
Điểm sáng duy nhất của thị trường là chỉ số Vn-Index vẫn giữ được mốc 900 điểm và lực cầu tuy không lớn nhưng cũng đã tăng dần lên, cùng với đó là việc khối ngoại mua ròng đều đặn qua các phiên giao dịch.
Theo công ty chứng khoán Bảo Việt, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hiện đang trong diễn biến phân hóa với sắc xanh đỏ đan xen với mức tăng giảm không lớn. Thanh khoản của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn giữ ở mức thấp, vì vậy kỳ vọng vào sự đột phá của nhóm cổ phiếu này trong thời điểm hiện nay có lẽ cũng không hợp lý.
Do đó, dòng tiền đang có dấu hiệu dịch chuyển vào một số cổ phiếu vừa và nhỏ nhưng nhìn chung vẫn còn khá hạn chế và mang tính chọn lọc cao, thanh khoản thị trường chỉ dao động ở mức trung bình trong trong những tuần cận Tết.
Ở một cách nhìn khác, có ý kiến cho rằng nhà đầu tư đang giữ tiền để chuẩn bị cho những đợt thoái vốn khủng sắp được diễn ra trong năm 2019 như Viglacera, Agribank, MobiFone…
Tuy nhiên, nhìn lại những thương vụ thoái vốn trong hai năm trở lại đây, sau hàng loạt thành công của các thương vụ lớn như Sabeco, Vinamilk... bán được với giá cao, đến nay nhiều nhà đầu tư tham gia những thương vụ này, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đều lỗ lớn nếu so sánh về giá.
Cũng có ý kiến cho rằng một bộ phận các nhà đầu tư đang "lưỡng lự" không hiểu chuyện gì đang xảy ra, bởi rõ ràng nền kinh tế vĩ mô đang ổn định, DN kinh doanh tốt, tình hình thế giới cũng không có diễn biến xấu, các cổ phiếu đều được đánh giá là đã chiết khấu đủ rồi nhưng Vn-Index thì vẫn cứ giảm.
Nhìn chung, nếu các biến động của thị trường chưa biểu hiện được một xu hướng chắc chắn thì việc xuất hiện của dòng tiền lớn có lẽ vẫn cần thêm thời gian.
Linh Đan