Trong năm 2018, các chỉ số chứng khoán Việt đều giảm điểm mạnh nhưng lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng tới 1,88 tỷ USD, vượt mức mua ròng năm 2017 là 1,16 tỷ USD. Trong khi đó, nhiều thị trường khác tại Đông Nam Á chứng kiến sự rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo đánh giá của ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đây là giá trị mua ròng lớn nhất của khối ngoại trong lịch sử hơn 20 năm vận hành của thị trường chứng khoán Việt.
Dòng tiền thay thế
Tại Hội thảo Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam, ông Park Won Sang cho biết chỉ số Vn-Index đã chinh phục được mốc kỷ lục trong năm 11 năm qua khi tăng lên hơn 1.200 điểm vào tháng 4/2018 nhưng đã giảm mạnh về mốc 892 điểm khi kết thúc năm.
Nguyên nhân, theo ông Park Won Sang, là do tác động từ những yếu tố bất lợi từ thị trường chứng khoán toàn cầu, chiến tranh thương mại Mỹ Trung, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cơ bản đồng USD, giá dầu thế giới giảm mạnh.
Trước những tác động này, xu hướng giảm sâu diễn ra tại hầu hết thị trường chứng khoán, thị trường Việt Nam cũng nằm trong xu hướng giảm, với những biến động tương đối mạnh, có sự trồi sụt.
Ngoài những yếu tố vĩ mô, việc khối ngoại rút vốn khỏi các thị trường mới nổi và cận biên cũng là một yếu tố khiến các thị trường chứng khoán lao dốc. Thế nhưng, thị trường chứng khoán Việt dường như lại thể hiện được sức hấp dẫn của mình khi vẫn hút ròng được vốn ngoại dù giảm mạnh về điểm số.
Lý giải về sự lạ này, ông Park Won Sang nhấn mạnh, trong diễn biến rút vốn khỏi thị trường của nhà đầu tư ngoại đến từ Mỹ và châu Âu các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc lại tăng lên mạnh mẽ thay thế lớp đầu tư này.
Điều này đã hỗ trợ cho thị trường chứng khoán không giảm mạnh và cho thấy sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu liên tiếp lao dốc trong tháng 12/2018 và những ngày đầu năm 2019, chứng khoán Việt cũng không thoát khỏi số phận chung khi chứng kiến cảnh bán tháo liên tiếp nhiều phiên.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt dường như vẫn tiếp nối được sự thành công về huy động vốn ngoại trong năm 2018 khi bất chấp thị trường điều chỉnh giảm, khối ngoại vẫn mua ròng 7 phiên liên tiếp với tổng giá trị lên đến hơn 1.000 tỷ đồng.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết quy mô vốn hóa của thị trường đến cuối năm 2018 đã đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 12,7% so với 2017 và tương đương 71,6% GDP năm 2018. Con số này thậm chí đã vượt chỉ tiêu 70% GDP dự kiến đến năm 2020.
Dòng vốn đầu tư có thể quay trở lại các thị trường mới nổi và đang phát triển trong năm 2019 |
Hấp lực hút vốn ngoại
Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu trong năm qua ước đạt 6.500 tỷ đồng, tăng tới 29% so với năm trước đó. Tương tự, thị trường trái phiếu, giá trị niêm yết cũng đạt 1,122 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% cùng kỳ và tương đương 20,3% GDP năm 2018.
Trước nhiều triển vọng tươi sáng kể trên nhưng giới đầu tư vẫn cần lưu ý rằng khối ngoại vẫn bơm ròng lượng lớn tiền vào thị trường chứng khoán Việt trong năm qua nhưng phần lớn số tiền này chỉ đổ vào các thương vụ "đình đám" như NVL (3.500 tỷ), VHM (28.500 tỷ) và MSN (10.000 tỷ).
Qua phương thức khớp lệnh, khối ngoại bán ròng xuyên suốt cả năm với giá trị đạt 16.000 tỷ đồng và điều này phần nào lý giải diễn biến kém tích cực của thị trường chung.
Do đó, cần làm gì để dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục chọn Việt Nam như một điểm đến tiềm năng, nhất là khi hệ số P/E của thị trường đã điều chỉnh về mức hấp dẫn, rẻ hơn rất nhiều so với các thị trường khác, đây là một thách thức lớn đối với thị trường chứng khoán Việt.
Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, dòng vốn đầu tư có thể quay trở lại các thị trường mới nổi và cận biên trong năm 2019 để tìm kiếm lợi nhuận sau khi trải qua thời kỳ lỗ nặng.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể làm chậm lại quá trình tăng lãi suất trong năm 2019, dòng vốn đầu tư sẽ càng tự tin hơn để tìm kiếm cơ hội tại các thị trường khác ngoài nước Mỹ nhiều hơn.
Ngoài câu chuyện nâng hạng thị trường sẽ tiếp tục là đòn bẩy cho thị trường chứng khoán Việt thì kế hoạch niêm yết chính thức của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân cũng được kỳ vọng sẽ là hấp lực thu hút thêm dòng vốn ngoại.
Như đã nói ở trên, không chỉ phương Tây và dòng tiền từ các nước phương Đông như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… đang đẩy mạnh hướng đầu tư sang thị trường chứng khoán Việt, không chỉ nhắm đến việc thâu tóm các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn mà còn tích cực tham gia các thương vụ đấu thầu thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước.
Ông Park Won Sang dự báo chỉ số Vn-Index trong năm 2019 sẽ dao động trong khoảng 850 – 1.100 điểm, thị trường không thể hồi phục hoàn toàn nhưng sẽ có tín hiệu tích cực do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại sẽ giảm và Fed cũng sẽ giảm tần suất tăng lãi suất cơ bản đồng USD.
Về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt vẫn tiếp tục tăng nhờ nền tảng vững chắc của tiêu dùng trong nước, chủ trương phát triển của Chính phủ, nỗ lực cải cách chính sách để hấp dẫn dòng vốn FDI…
Trên thực tế, chặng đường phía trước còn dài, liệu có tiếp tục được đánh giá là một trong những thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn như năm 2018 hay không của chứng khoán Việt vẫn còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Linh Đan