Đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường chứng khoán lao đao trong 3 tháng đầu năm 2020, trong đó chỉ số Vn-Index đã giảm 31%, nhiều cổ phiếu lao dốc khiến kết quả kinh doanh của hàng loạt công ty chứng khoán sụt giảm trong quý I vì tự doanh.
"Ông lớn" chao đảo
Chứng khoán SSI (SSI) dù liên tiếp dẫn đầu thị phần môi giới trên sàn HoSE nhưng kết quả kinh doanh trong kỳ vừa qua cũng không mấy tích cực khi tổng doanh thu đạt 936,5 tỷ đồng, tăng 34,38% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 15,1 tỷ đồng, giảm tới 92,12%.
Trong đó, lợi nhuận mảng môi giới chỉ ghi nhận 66 triệu đồng, giảm tới 99,71% so với cùng kỳ. Doanh thu mảng cho vay ký quỹ ghi nhận 145,5 tỷ đồng, giảm 7,15%. Đặc biệt, chi phí lỗ từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) lên tới 489,1 tỷ đồng, tăng 533%. Đây là những nguyên nhân kéo kết quả kinh doanh giảm sâu.
Tương tự, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ghi nhận tổng doanh thu 379,1 tỷ đồng, tăng 3,34%, nhưng lợi nhuận chỉ đạt 118,6 tỷ đồng, giảm 41,46 tỷ đồng so với quý I/2019.
Đại diện VCSC cho biết, tác động của thị trường chung đã ảnh hưởng đến việc đánh giá lại các khoản đầu tư FVTPL của hoạt động tự doanh chứng khoán. Đây là nguyên nhân chính làm tăng chi phí hơn 138% so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại Chứng khoán VNDirect (VND) đã ghi nhận kết quả doanh thu 456,9 tỷ đồng, lợi nhuận 58,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 42,42% và giảm 34,77% so với cùng kỳ.
Sở dĩ doanh thu của VNDirect tăng là do mảng đầu tư, cho vay margin và đánh giá lại tài sản tăng trưởng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ lên hơn 200 tỷ đồng, nguyên nhân do việc ghi nhận lỗ từ FVTPL vào chi phí hoạt động tăng đột biến lên 166 tỷ đồng, so với khoản hoàn nhập hơn 2 tỷ đồng năm trước.
So với 3 công ty trên, Chứng khoán TP.HCM (HSC) và Chứng khoán Mirea Asset có số liệu tài chính tích cực hơn, lãi quý I lần lượt tăng 26% và hơn 8%.
Với HSC, mức tăng của lợi nhuận chủ yếu đến từ việc chốt lời "đúng đỉnh". Danh mục cổ phiếu niêm yết của HSC giảm hơn 80% từ mức hơn 360 tỷ đồng đầu năm xuống còn 66 tỷ đồng; trong khi tự doanh của Mirea Asset chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu hoạt động, phần tăng chủ yếu đến từ nghiệp vụ môi giới và cho vay.
Lợi nhuận quý I/2020 của SSI giảm tới hơn 92% so với cùng kỳ (Ảnh: SSI) |
Công ty nhỏ báo lỗ
Cũng "mắc cạn" với tự doanh nhưng không được "may mắn" khi chỉ sụt giảm lợi nhuận như SSI, VNDirect..., một số công ty chứng khoán thậm chí đã phải báo lỗ trong quý I/2020.
Có thể kể đến Chứng khoán FPT (FPTS), trong kỳ vừa qua báo lỗ hơn 97,2 tỷ đồng chủ yếu từ khoản lỗ hơn 136 tỷ đồng do FVTPL. Được biết, hoạt động tự doanh từng đem về doanh thu khủng cho FPTS trong năm 2019.
Danh mục của FPTS chỉ có cổ phiếu MSH của May Sông Hồng là đáng kể, chiếm đến 98,85%. Giá gốc của khoản đầu tư này chỉ khoảng 13,45 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2019 đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước những diễn biến của thị trường, cổ phiếu MSH đã giảm hơn 20% trong quý I/2020, dẫn tới khoản lỗ hơn 144,6 tỷ đồng từ việc đánh giá lại tài sản tài chính thông qua lãi lỗ.
Cùng chung cảnh ngộ, Chứng khoán Bảo Minh (BMSC) chịu lỗ gần 38 tỷ đồng, chủ yếu do khoản lỗ từ FVTPL tăng 83% so với cùng kỳ lên hơn 98 tỷ đồng (phần lớn là do đánh giá lại tài sản). Trong khi đó, lãi từ tài sản FVTPL giảm tới hơn 22% về còn 57 tỷ đồng, đồng thời BMSC lại không có nguồn thu đáng kể từ mảng cho vay margin cũng như môi giới chứng khoán.
Tương tự, trong quý I/2020, Chứng khoán BOS ghi nhận doanh thu đạt gần 107 tỷ đồng, tăng 191% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn lỗ ròng 38 tỷ đồng.
Trong phần giải trình kết quả kinh doanh, BOS cho biết nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 khiến giá cổ phiếu trong danh mục của công ty sụt giảm, đồng thời chi phí hoạt động kinh doanh lại tăng 403% lên gần 140 tỷ đồng.
Tự doanh cắt lỗ và doanh thu môi giới sụt giảm, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lần đầu báo lỗ kể từ đầu năm 2012 với gần 23,6 tỷ đồng. Cụ thể, BVSC ghi nhận lãi tài sản FVTPL giảm tới hơn 55% còn hơn 14 tỷ đồng; lỗ tài sản FVTPL trong kỳ gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước, lên tới gần 54 tỷ đồng trong quý I/2020.
Mặt khác, doanh thu môi giới của công ty sụt giảm hơn 20% về còn 25 tỷ đồng. Doanh thu từ mảng cho vay margin tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng không đủ đề bù đắp thua lỗ từ tự doanh và giảm sụt doanh thu môi giới.
Ngoài ra, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) lỗ hơn 88 tỷ đồng do trích lập dự phòng với danh mục tự doanh; Chứng khoán Vietcombank (VCBS) lỗ gần 31 tỷ đồng, trong khi Chứng khoán BIDV (BSC) cũng lỗ gần 61 tỷ đồng...
Tuy nhiên, việc giảm lợi nhuận hoặc thua lỗ, theo nhận định từ một số công ty chứng khoán, chỉ là trạng thái tạm thời khi đánh giá lại giá trị hợp lý của danh mục tự doanh tại ngày chốt báo cáo. Trong trường hợp thị trường khởi sắc hơn, giá các cổ phiếu tăng trở lại, những công ty lỗ lớn trong quý I hoàn toàn có cơ hội lãi cao nhờ việc hoàn nhập dự phòng.
Linh Đan