Trong quý III/2019, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) nội lớn ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm, có thể kể đến SSI, HSC, VCI ghi nhận mức giảm lãi sau thuế trong quý III/2019 lần lượt là 44%, 50% và 6%.
Ở chiều ngược lại, các CTCK ngoại đang kinh doanh khá tích cực tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, trong 5 CTCK ngoại lớn tại Việt Nam là CTCK Mirae Asset, CTCK KIS Việt Nam, CTCK KB Việt Nam (KBSV); CTCK Yuanta Việt Nam và CTCK May Bank Kim Eng (MBKE), có 4 CTCK báo lãi sau thuế tăng mạnh so với quý III/2018.
Dòng tiền “ngó lơ”
Kết quả kinh doanh sụt giảm khiến cổ phiếu của các CTCK nội không thu hút được dòng tiền dù thị trường trong năm 2019 không ít lần tạo sóng. Thực tế, trong giai đoạn đầu tháng 11, khi thị trường xuất sắc bứt phá vượt qua được “ngưỡng thiên đường” 1.000 điểm, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng có sự chuyển mình.
Có thể kể đến như cổ phiếu SSI sau 8 tháng đầu năm giao dịch không mấy tích cực, thị giá giảm xuống dưới 20.000 đồng/cp – mức thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại, đã có nhịp hồi phục về vùng giá 21.650 đồng/cp (phiên 12/11), tăng 10% so với mức giá đáy hồi tháng 9/2019.
Tuy nhiên, hiện nay, cổ phiếu SSI đã điều chỉnh về mức giá 19.200 đồng/cp – thiết lập mức đáy mới, bỏ xa mức đáy cũ 19.820 đồng/cp của tháng 9, tương đương với việc SSI đánh rơi 11,3% giá trị chỉ sau một tháng.
Tương tự, cổ phiếu HCM của Chứng khoán HSC cũng từng vượt qua vùng giá thấp nhất 2 năm (dưới 20.000 đồng/ cp), ghi nhận mức tăng mạnh lên 25.800 đồng/ cp (phiên 13/11). Thế nhưng, đến nay, HCM đang giao dịch thiếu tích cực với những phiên giảm giá chiếm áp đảo về vùng giá 22.800 đồng/cp.
Hồi phục từ mức đáy thấp nhất trong 1-2 năm cũng là tình hình được ghi nhận tại một số cổ phiếu chứng khoán khác trong giai đoạn tháng 11 như SHS của Chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội; ART của Chứng khoán BOS ; VCI của Chứng khoán Bản Việt; VND của Chứng khoán VNDirect …
Tuy nhiên, hầu hết những cổ phiếu này đều đã điều chỉnh về vạch xuất phát trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Nếu so sánh với mức đỉnh hồi cuối quý I/2018 thì những gương mặt nổi bật như HCM, SSI, VND, SHS, VCI… đều ghi nhận mức giảm từ 50-70%, dù chỉ số Vn-Index chỉ giảm khoảng 20% trong cùng quãng thời gian.
Nhìn vào diễn biến này, nhiều nhà đầu tư không khỏi bất ngờ bởi nhóm cổ phiếu chứng khoán là một trong những nhóm ngành thu hút dòng tiền đầu cơ hàng đầu thị trường. Những đặc tính về thanh khoản và được hưởng lợi từ sự sôi động của thị trường đã giúp dòng tiền luôn tìm đến.
Tuy nhiên, chính những đặc tính này cũng góp phần khiến dòng tiền “ngó lơ” nhóm cổ phiếu chứng khoán bởi kết quả kinh doanh của các CTCK là phụ thuộc vào diễn biến thị trường. Thực tế là những con sóng của thị trường chỉ trong ngắn hạn, còn kết quả kinh doanh là cả một quá trình.
Cổ phiếu ngành chứng khoán không hấp dẫn được dòng tiền đầu cơ |
Khó chồng khó
Do tính chất kinh doanh, giai đoạn thị trường tích cực, ngành chứng khoán có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến từ hoạt động cho vay margin, môi giới, tự doanh… Ở chiều ngược lại, diễn biến thị trường chứng khoán kém thuận lợi sẽ khiến các hoạt động này gặp khó.
Năm 2019, mặc dù Vn-Index đã hồi phục mạnh từ vùng 890 điểm và có thời điểm lên 1.030 điểm nhưng tâm lý giới đầu tư vẫn khá yếu. Dòng tiền có xu hướng rút khỏi thị trường khiến hoạt động môi giới, cho vay margin phần nào bị ảnh hưởng.
Từ thực tế này cho thấy bức tranh kinh doanh, diễn biến giao dịch của nhóm cổ phiếu chứng khoán đang rơi vào trạng thái chưa tìm thấy “cửa sáng”, thậm chí không ít cổ phiếu gần như bị lãng quên dù cũng mang “họ chứng khoán”.
Tuy nhiên, “mối đe dọa” lớn nhất hiện nay của các CTCK nội không đến từ thị trường bởi thị trường xuống rồi sẽ hồi phục, mà đến từ những “đồng nghiệp” có yếu tố ngoại. Trong những năm gần đây, làn sóng các CTCK ngoại, đặc biệt các CTCK có vốn Hàn Quốc “đổ bộ” vào Việt Nam ngày càng diễn ra mạnh mẽ.
Sau khi gia nhập, các CTCK này đã nhanh chóng tăng vốn và trở thành một ẩn số cho bức tranh hiệu quả hoạt động tương lai của khối CTCK khi thị phần đang có sự xáo trộn mạnh.
Vừa qua, một CTCK sau khi được đối tác Hàn Quốc mua lại đã tung ra chính sách miễn phí giao dịch trọn đời (chỉ thu phí nộp cơ quan quản lý ~ 0,03%). Đây thực sự là áp lực không nhỏ đối với các CTCK trong nước khi mức phí thường được áp dụng 0,15 – 0,3%.
Đó có lẽ là một sự khởi đầu cho làn sóng miễn phí của các CTCK vốn Hàn Quốc, bởi lãi suất tại quốc gia này đang khá thấp, chỉ khoảng 1-2%, nên họ có thể bỏ qua phí giao dịch, tập trung vào cho vay margin cũng đủ mang về mức lợi nhuận hấp dẫn.
Trong báo cáo chiến lược tháng 11, CTCK Rồng Việt (VDSC) cũng cho biết dư nợ margin đã tăng hơn 12.000 tỷ đồng kể từ cuối năm 2018, gấp 4 lần giá trị giao dịch bình quân hàng ngày sau 9 tháng năm 2019.
Chỉ tính riêng Chứng khoán Mirae Asset, KBSV và KIS đã chiếm hơn 37% dư nợ margin tăng lên. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc vừa tiếp tục hạ lãi suất lần thứ 2 trong năm, tạo điều kiện cho các CTCK gia tăng dư nợ ký quỹ…
Linh Đan