Thị trường chứng khoán dự kiến vẫn còn biến động mạnh |
Theo KBSV, bối cảnh quốc tế bị xáo trộn với những diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19 đã mang tới nhiều hệ quả. Trong nước, các chỉ tiêu vĩ mô không còn giữ được sự ổn định khi tăng trưởng kinh tế có thể ghi nhận mức sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ vẫn đang ở mức vừa phải khi hiện mới tập trung vào việc cắt giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK), tâm lý lo lắng của nhà đầu tư trước diễn biến khó lường của dịch bệnh đã khiến TTCK thế giới đồng loạt giảm điểm. Vn-Index trong quý I ghi nhận sụt giảm 31%, thấp hơn so với chỉ số tiêu chuẩn so sánh (FTSE-EM Index) và là một trong những TTCK giảm sâu nhất trong khu vực.
Tuy vậy, tại kịch bản cơ sở, KBSV kỳ vọng đỉnh dịch bệnh sẽ rơi vào cuối quý II (kịch bản cơ sở) dù chưa có sự đồng thuận của các nhà nghiên cứu. Điều này đồng nghĩa với việc nhịp hồi phục bền vững sẽ chỉ xuất hiện vào giai đoạn nửa sau quý II, đầu quý III, với sự dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã sụt giảm sâu, và có khả năng từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ cơ cấu tài chính lành mạnh, ưu thế về quy mô, cũng như quan hệ với đối tác lâu năm...
Cùng với đó là những yếu tố hỗ trợ từ phía Chính phủ như: đẩy mạnh đầu tư công cùng các gói kích thích kinh tế trên thế giới được bung ra; hiệu quả từ các gói hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp của Chính phủ, các biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
KBSV cho rằng ở thời điểm hiện tại so với cách đây hơn 10 năm đã có nhiều sự khác biệt. Thị trường chuyên nghiệp hơn và dòng tiền mang tính ổn định, dài hạn hơn. Mặc dù vậy, diễn biến thị trường giai đoạn khủng hoảng 2008-2009 vẫn là cơ sở quan trọng để làm tham chiếu cho các kịch bản xấu có thể diễn ra.
Với xác suất xảy ra thấp, KBSV coi mức P/E đáy của thị trường giai đoạn khủng hoảng 2008-2009 (quanh 8 lần) là kịch bản tiêu cực nhất có thể xảy ra, tương đương vùng giá quanh 500 của chỉ số Vn-Index ở thời điểm hiện tại.
T.L