Lần giãn cách xã hội đầu tiên hồi tháng 4/2020 đã bắt đầu một đợt “sóng thần” tăng giá kéo dài tới nửa đầu năm 2021 của thị trường chứng khoán với mức tăng trưởng ghi nhận được là gần 115,5%.
Do vậy, khi quyết định giãn cách TP.HCM cùng các tỉnh phía Nam, và mới đây nhất là Hà Nội được thực hiện, nhiều nhà đầu tư hy vọng lịch sử này sẽ lặp lại, nhất là sau khi Vn-Index vừa trải qua nhịp sụt giảm gần 13% đầu tháng 7.
Hơn một năm "mua là thắng"
Suốt hơn một năm qua, trong khi phần lớn thế giới cảm nhận một năm tồi tệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì những nhà đầu tư tài chính nói chung và chứng khoán nói riêng lại đang mơ màng trong giấc mộng hoàn hảo chưa từng có.
Thực tế, khi virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán (Trung Quốc) và cả thành phố bị phong tỏa, thế giới vẫn chỉ đánh giá đây là một rủi ro cục bộ. Bằng chứng là chỉ có chứng khoán Trung Quốc là giảm điểm, các thị trường khác vẫn tăng điểm. Tại Việt Nam, cho đến trước Tết Nguyên đán 2020, Vn-Index tăng gần 3,2%.
Nhiều nhà đầu tư đã chán nản, thậm chí sợ hãi những phiên "tụt áp" vừa qua của thị trường. |
Tuy nhiên, đại dịch bùng phát đã làm đóng băng tất cả các hoạt động xã hội, phần lớn hoạt động kinh tế, nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam chìm trong yên lặng vì lệnh phong toả. Điều này đã khiến các chỉ số chứng khoán sụp đổ với tốc độ kinh hoàng, như S&P500 sụt giảm gần 34% trong hơn một tháng, Vn-Index cũng lao dốc và chính thức chạm đáy 650 điểm vào cuối tháng 3/2020.
Rõ ràng, Covid-19 cùng các lệnh phong toả đã đem lại vận xui cho giới đầu tư vì không ai kịp phản ứng cũng như không ai lường trước được một nguyên nhân chưa từng có lại tác động đến thị trường chứng khoán mạnh như vậy. Chắc hẳn, thời điểm này có rất nhiều người phải chịu cảnh "cháy túi".
Thế nhưng, trong bối cảnh chưa từng có này lại dẫn đến một điều chưa từng có khác, chính là "cơ hội vàng" cho các nhà đầu tư mới "chân ướt chân ráo" bước vào thị trường chứng khoán, hay còn được gọi là nhóm nhà đầu tư F0.
Tính đến tháng 6/2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có hơn 3,3 triệu tài khoản, chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân từ đủ các ngành nghề như nhân viên văn phòng, chủ quán, cơ sở kinh doanh đang nghỉ dịch đến cả những tiểu thương, tài xế taxi, xe công nghệ…
Những người tìm đến thị trường chứng khoán có thể do mệt mỏi vì bị giam hãm trong nhà quá lâu, hoặc muốn “gỡ” lại thu nhập trong thời gian nghỉ dịch, hay đơn giản là nhiều tiền quá không biết dùng vào việc gì!?
Chính dòng tiền từ những nhóm nhà đầu tư này đã khiến thị trường hồi phục như “vũ bão”. Vn-Index tính đến đầu tháng 7/2021 đã ghi nhận mức tăng trưởng hơn 115% kể từ đáy tháng 3/2020, hầu hết các cổ phiếu đều tăng giá. Nói cách khác, mọi nhà đầu tư mua vào từ tháng 3/2020 trở đi đều có lãi, thậm chí chiến lược "mua và quên" sinh lời lớn nhất.
Lịch sử khó lặp lại?
Quả thực, nhìn vào chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ 15 tháng qua kể từ sau đợt giãn cách lần đầu tiên thì kỳ vọng về một con sóng lớn của giới đầu tư là hoàn toàn có cơ sở.
Tuy nhiên, việc lịch sử có lặp lại hay không là một câu chuyện cần sự kiểm chứng. Nhưng cần phải nhắc lại là thị trường chứng khoán lúc này không còn giống cách đây hơn một năm, nên khó có thể lặp lại một cách tương đồng.
Có thể kể đến như việc, tại thời điểm cuối tháng 3/2020, “sóng giãn cách” khởi động sau khi thị trường đã phải trải qua 3 tháng “đau thương” trước đó, giá trị cổ phiếu bốc hơi vài chục phần trăm. Trong khi thị trường hiện tại đã trải qua một chu kỳ tăng trưởng cực mạnh nhưng nhịp điều chỉnh từ đầu tháng 7 cũng chưa phải là quá nhiều.
Nói cách khác, về mặt chu kỳ thị trường, giai đoạn giãn cách lần 1, thị trường đang ở đáy, còn thị trường của lúc này đang tụt xuống từ đỉnh.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, bối cảnh xã hội của lần giãn cách tháng 7/2021 cũng khác xa thời điểm tháng 4/2020 khi xảy ra ở những khu vực trọng điểm, trong đó có TP.HCM - địa phương đóng góp nhiều vào GDP, do đó có thể tác động tới mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5% của cả nước. Dịch xuất hiện trong các tháng 5, 6, 7 đến nay đã tác động ít nhiều tới mục tiêu cả năm.
Hơn nữa, sau một thời gian dài “đánh vật” với dịch bệnh, rất nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực dịch vụ và sản xuất đã chịu tác động nặng nề. Sức chịu đựng của doanh nghiệp cũng khác hoàn toàn so với thời điểm đầu năm 2020, thậm chí là trong cả năm 2020.
Dù mặt bằng lợi nhuận chung của các doanh nghiệp niêm yết vẫn được đánh giá ở mức cao, nhưng cần phải nhắc lại là động lực thúc đẩy chính đang đến từ nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, nhất là ngân hàng và chứng khoán. Tuy nhiên, nền kinh tế không chỉ có các nhóm doanh nghiệp này.
Nhìn chung, thị trường chứng khoán đã kết thúc giai đoạn dễ kiếm tiền nhất, nên khó có thể thuyết phục được những đồng tiền nhàn rỗi mới đổ vào thị trường. Đặc biệt, trong nhiều ngày vừa qua, thị trường liên tiếp có những phiên đỏ lửa khiến các F0 không còn hào hứng như trước, thậm chí có thể chuyển thành sợ hãi. Do đó, sự xuất hiện của một “con sóng thần” như trước đây có thể chỉ nằm trong kỳ vọng.
Minh Khuê