Theo nhận định của cá chuyên gia, sau khi Vn-Index đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, định giá P/E hiện tại của Vn-Index đang tiệm cận mức trung vị chia ra nhóm thị trường “đắt” và “rẻ”. Tuy nhiên, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) vượt trội và tiềm năng tăng trưởng EPS cao, mức định giá của Vn-Index hiện vẫn được xem là hợp lý.
Nhịp điều chỉnh hiện nay của thị trường sẽ là cơ hội mua tốt cho nhà đầu tư với tầm nhìn tăng trưởng trong 3 năm tới. Sau diễn biến này, Vn-Index sẽ tiếp tục xu hướng tăng điểm hướng về mức 1.500 điểm trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những cái nhìn thận trọng.
Nhận diện rủi ro
Trong báo cáo tháng 7 của Công ty chứng khoán KB (KBSV) cho biết, động lực tăng trưởng của thị trường tiếp tục đến từ sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt nhóm vốn hóa lớn thuộc các ngành ngân hàng, thép, chứng khoán, tiện ích, công nghệ thông tin… trong bối cảnh điều kiện thị trường được đánh giá sẽ tiếp tục duy trì trạng thái thuận lợi.
Hiện, chỉ số P/E của thị trường đang ở mức hơn 18 lần và đang được đánh giá là rẻ nếu xét đến bối cảnh EPS của toàn thị trường được dự báo tăng trưởng 20-25% trong các quý tới.
Động lực tăng trưởng của thị trường vẫn tồn tại nhiều yếu tố thiếu chắc chắn. |
Thực tế, tăng trưởng EPS đang là yếu tố chính giải thích về mặt cơ bản cho mức tăng trưởng của thị trường trong thời gian qua, EPS của các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh dựa trên kết quả kinh doanh quý I vừa qua.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận lại mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp có sự phân bổ không đồng đều giữa các ngành, chủ yếu tập trung lớn ở các cổ phiếu ngân hàng. Theo thống kê, tổng lợi nhuận của 13 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam đã chiếm đến hơn 42% tổng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong quý I/2021.
Như vậy, nếu loại phần lợi nhuận chiếm hầu hết bởi ngành ngân hàng thì mức tăng trưởng EPS là rất thấp và P/E của thị trường có thể đã vượt mức 25 lần.
Trong khi đó, dù các doanh nghiệp niêm yết khác đã có sự hồi phục, các hoạt động đầu tư mở rộng đã được triển khai trở lại nhưng vẫn duy trì ở mức thấp do ảnh hưởng của dịch bệnh tại các quốc gia khác.
Hiện, dịch bệnh đã quay trở lại với nước ta và tiếp tục lan tràn ra các tỉnh phía Nam thì có khả năng dòng vốn đầu tư và huy động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục sụt giảm trong 2 quý cuối năm, đặc biệt là các ngành sản xuất.
Hơn nữa, có ý kiến cho rằng, điều đáng lo nhất của thị trường hiện nay sẽ đến từ nhóm ngành bất động sản dù giao dịch cổ phiếu nhóm ngành này khá trầm lắng trong thời gian qua nhưng lại có mối quan hệ mật thiết với ngành ngân hàng.
Sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp ngành bất động sản sẽ dẫn đến tác động tiêu cực lên hiệu quả kinh doanh của ngành ngân hàng, kéo theo suy giảm trong mức EPS của toàn thị trường, qua đó đẩy mức P/E tăng cao, tạo áp lực điều chỉnh lớn cho thị trường trong mức định giá.
Khó khăn chồng chất
Mới đây, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đã chỉ ra 4 rủi ro lớn đối với thị trường hiện tại. Thứ nhất, các nước đã bắt đầu thắt chặt các gói hỗ trợ, thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa. Bài học năm 2013 đã xảy ra hiện tượng này và lập tức dòng vốn đầu tư rút từ thị trường mới nổi, rủi ro quay về đầu tư vào thị trường ít rủi ro hơn.
Thứ hai, lạm phát tăng dẫn đến lãi suất có xu hướng tăng. Thứ ba, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp bắt đầu co lại, bởi chi phí đầu vào tăng, trong khi giá cả đầu ra chưa tăng tương ứng, điều này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến giá chứng khoán. Thứ tư là thuế, hiện Mỹ đã tính đến chuyện tăng mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng từ con số 15% lên 21%, điều này tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán nói chung.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, ngoài 4 yếu tố rủi ro nói trên, TS Cấn Văn Lực cho rằng, nhà đầu tư còn đối diện 2 rủi ro nữa gồm vấn đề nền tảng của nhà đầu tư khi 90-95% nhà đầu tư Việt Nam vẫn là nhỏ lẻ, thiếu tính chuyên nghiệp, bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, hệ số đòn bẩy tài chính cao, khi thị trường điều chỉnh, họ có thể phản ứng thái quá và đây là rủi ro.
Cùng với đó, không loại trừ khả năng một số doanh nghiệp hiện nay đang "té nước theo mưa", tranh thủ đà tăng của thị trường hiện tại để "làm bóng” kết quả kinh doanh của mình nhằm mục đích phát hành cổ phiếu, trái phiếu.
Thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect cho thấy, từ đầu năm 2021 về giá trị cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu đã đạt 25.617 tỷ đồng, cao hơn 3 lần so với con số trong cả năm 2020. Công ty chứng khoán này cho rằng, giai đoạn dễ dàng của nhà đầu tư chứng khoán đã đi qua, đã đến lúc nhà đầu tư cần ưu tiên quản trị rủi ro hơn là tìm đáy của thị trường.
“TTCK 6 tháng cuối năm tiếp tục có bước phát triển mới, nhưng các thành viên thị trường cần có sự thận trọng bởi thị trường luôn luôn có hai mặt thuận lợi và rủi ro, do đó từng nhà đầu tư cần cân nhắc quản trị rủi ro để thị trường có thể phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn khuyến nghị.
Minh Khuê