Theo thông báo mới nhất ngày 21/10 của MSCI, từ tháng 11/2020 Kuwait sẽ không có tên trong chỉ số MSCI Frontier Markets 100 dành cho thị trường cận biên do được nâng hạng lên nhóm mới nổi (emerging markets).
Trước đó, kế hoạch nâng hạng thị trường Kuwait đã bị trì hoãn bởi các tác động của đại dịch Covid - 19, theo thông báo của MSCI hồi tháng 6. Do Việt Nam chưa có khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi nên thông tin về thị trường Kuwait được cho là yếu tố tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cơ hội đón dòng tiền lớn
Hiện nay, trong chỉ số MSCI Frontier Market 100 có 3 thị trường có tỷ trọng lớn nhất là Kuwait 25,86%, Việt Nam 12,51% và Morocco 11,2%. Trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index, đây cũng là 3 thị trường lớn nhất là Kuwait 37,05%, Việt Nam 17,55%, Morocco 7,86%.
Cơ hội đón dòng tiền MSCI của Việt Nam là rất lớn nhưng không phải ở tất cả các nhóm cổ phiếu. |
Trong tháng 11 tới, MSCI sẽ nâng hạng Kuwait lên nhóm “mới nổi”, nghĩa là tỷ trọng của thị trường này bị bỏ trống, sẽ tạo ra thay đổi lớn cho các thị trường còn lại. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là sẽ được hưởng lợi nhất từ câu chuyện này khi có thể tăng thêm 5-6% tỷ trọng trong rổ Frontier Markets, trở thành thị trường lớn nhất rổ chỉ số này.
Theo chia sẻ mới đây của bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền - Giám đốc nghiên cứu phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Maybank KimEng, việc thị trường Kuwait có thể được nâng hạng trong tháng 11 sẽ khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút được lượng vốn đáng kể từ các quỹ đầu tư mô phỏng theo chỉ số MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index.
Một ước tính cuối tháng 9 của CTCK VNDirect cho rằng, thị trường Việt Nam có thể hút ròng 120 triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ ETF mô phỏng theo 2 chỉ số thị trường cận biên này của MSCI. Quy mô của dòng vốn ngoại đổ vào có thể còn lớn hơn, lên đến 200-210 triệu USD, nếu tính thêm đóng góp từ các quỹ chủ động.
Trước đó, Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cũng công bố báo cáo cơ hội thu hút dòng tiền của Việt Nam sau kỳ MSCI Review tháng 11/2020 với kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được mua bổ sung 68,8 triệu USD bởi quỹ iShares (quỹ đầu tư theo MSCI FM 100 Index) và 193 triệu USD nếu các quỹ khác (đầu tư theo MSCI FM Index) tăng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam thêm 5%.
Hiện, Việt Nam là thị trường chiếm tỷ trọng lớn thứ hai sau Kuwait trong rổ chỉ số của iShares với 11,8% gồm 26 cổ phiếu nằm trong danh mục, tại thời điểm cuối tháng 8. BSC dẫn báo cáo hồi tháng 5 và tháng 8 của MSCI chỉ ra Việt Nam dự kiến chiếm lần lượt 25,8% và 30% trong MSCI FM Index và MSCI FM 100 Index.
Hiện có 31 quỹ đầu tư lấy MSCI FM Index làm chỉ số mô phỏng, với tổng giá trị tài sản quản lý ước 3,8 tỷ USD. Trong đó, các cổ phiếu của Việt Nam chiếm khoảng 12% với giá trị đầu tư 463 triệu USD.
Nhưng không của tất cả
Thực tế, cơ hội hưởng lợi của thị trường chứng khoán Việt trong câu chuyện thị trường Kuwait được nâng hạng không phải là vấn đề quá mới mà đã được nhắc đến từ năm ngoái nhưng mới chỉ “nóng” lại khi MSCI phát đi thông báo về lộ trình giảm dần tỷ trọng của thị trường Kuwait.
Theo đề xuất mới của MSCI, việc loại bỏ các cổ phiếu của Kuwait sẽ không thực hiện ngay mà theo lộ trình từng quý bắt đầu từ tháng 11/2020. Nói cách khác, nếu theo cách cũ, toàn bộ cổ phiếu Kuwait sẽ bị các quỹ đầu tư mô phỏng theo chỉ số MSCI Frontier Markets 100 bán sạch ngay, còn theo cách mới có thể bán từ từ cho tới tháng 11/2021.
Điều này đồng nghĩa với việc tỷ trọng của các thị trường còn lại trong nhóm cận biên, bao gồm cả Việt Nam cũng sẽ chỉ được tăng lên từ từ theo lộ trình giảm tỷ trọng của Kuwait nói trên. Thị trường Việt Nam trong chỉ số MSCI Frontier Markets 100 hiện là 12,53% thì trong tháng 11 tới trước mắt sẽ được tăng lên 15,76% (giai đoạn 1).
Về mặt lý thuyết, điều này đồng nghĩa với việc tỷ trọng phân bổ vốn của các quỹ đầu tư đối với thị trường Việt Nam cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi của các cổ phiếu vẫn còn là một vấn đề chưa thể khẳng định trong ngắn hạn.
Theo bảng tính mô phỏng, top 5 cổ phiếu Việt Nam có tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số MSCI Frontier Markets 100 là VNM (Vinamilk) sẽ đạt 2,55%, VIC (Vingroup) đạt 2,5%, VHM (Vinhomes) đạt 2,22%, HPG (Hòa Phát) đạt 1,43%, VCB (Vietcombank) đạt 1,11%.
Tuy nhiên trong giai đoạn 1 (tháng 11/2020 đến tháng 2/2021), mức thay đổi thực tế sẽ không nhiều nếu xét theo tỷ trọng đến 15/9/2020, VNM đang là 2,22%, VIC là 1,9%, VHM là 1,5%, HPG là 1,1%, VCB là 0,8%.
Nhận định về việc cổ phiếu nào sẽ được hưởng lợi nhất từ dòng vốn MSCI, ông Andy Ho, Trưởng Bộ phận Đầu tư, Tập đoàn VinaCapital cho rằng "Khi chúng ta tăng được tỷ trọng, đồng nghĩa với việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến Việt Nam và đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn. Những doanh nghiệp vẫn còn tỷ lệ sở hữu nước ngoài với thị giá phải chăng. Tuy nhiên để thực sự đón được dòng vốn này, ở góc độ doanh nghiệp đòi hỏi sự cộng hưởng của việc tuân thủ các tiêu chuẩn kinh doanh cao hơn và khả năng quản trị doanh nghiệp tốt hơn".
Minh Khuê