Ngày 13/5 tới, Morgan Stanley Capital Investment (MSCI) sẽ công bố kết quả đánh giá phân loại thị trường hàng năm, chính thức có hiệu lực vào ngày 29/5/2019.
Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được nâng tỷ trọng đáng kể trong MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index khi thị trường Argentina được nâng hạng và Kuwait được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng từ tháng 6/2019.
Khó "thuận buồm xuôi gió"
Theo các dự báo, tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index sẽ tăng từ 16,47% vào cuối tháng 2/2019 lên 25,8%; trong khi tỷ trọng trong MSCI Frontier 100 Index sẽ tăng từ 18,03% vào cuối tháng 2/2019 lên 30%.
Tính đến thời điểm cuối tháng 3, các quỹ mô phỏng theo MSCI Frontier Market Index và MSCI Frontier Markets 100 Index đang phân bổ khoảng 493 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam, 671 triệu USD vào cổ phiếu Kuwait và 501 triệu USD vào cổ phiếu Argentina.
Nếu Argentina được chuyển sang nhóm thị trường mới nổi, gần như toàn bộ số tiền 501 triệu USD sẽ được các quỹ này phân bổ sang các thị trường cận biên còn lại. Việt Nam sẽ là một trong những thị trường được hưởng lợi lớn nhất do đang chiếm tỷ trọng lớn trong MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index.
Đây chính là cơ hội cho các cổ phiếu vốn hóa lớn khi các quỹ này thực hiện mua vào các cổ phiếu đang có trong danh mục như: VNM, VIC, VHM, VCB, SAB, MSN, HPG và GAS.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc đón lượng vốn lên tới 66 triệu USD (theo nhận định của CTCK VnDirect) không hẳn sẽ thuận lợi như dự báo.
Tỷ trọng phân bổ vào hai thị trường lớn nhất trong rổ chỉ số MSCI Frontier 100 Market Index không được vượt quá 40% mà cụ thể ở đây là Kuwait và Việt Nam (số liệu cập nhật đến 3/5/2019) đã lên tới 43%. Do đó, khả năng tỷ trọng của Việt Nam trong MSCI Frontier 100 Market Index có thể sẽ không thay đổi nhiều.
Quỹ mô phỏng chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index là iShares MSCI Frontier 100 ETF mô phỏng lại hoàn toàn rổ chỉ số lại có quy mô khá khiêm tốn 510 triệu USD, tỷ trọng phân bổ vào thị trường Việt Nam là 17% (khoảng 86 triệu USD).
Do đó, iShares MSCI Frontier 100 ETF là quỹ ETF ít có sự tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam nhất trong các quỹ ETF.
Trong khi đó, các quỹ mô phỏng theo chỉ số MSCI Frontier Markets Index lại là các quỹ mở và quỹ đóng với quy mô khoảng 3,2 tỷ USD nhưng lại không phải quỹ ETF nên việc quỹ mua bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào độ hấp dẫn của thị trường.
Hơn nữa, theo CTCK MBS (MBS), các nhà đầu tư vẫn cần lưu ý việc luân chuyển dòng vốn quốc tế khi USD vẫn đang ở mức cao kể từ giữa năm 2017 và dòng tiền đầu cơ vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Rõ ràng "chỉ số" hấp dẫn của mỗi thị trường chính là điều kiện quyết định việc thu hút dòng vốn ngoại nhưng thị trường chứng khoán Việt đã có đủ để hút được lượng vốn nói trên?
Theo đại diện của VietinBank Securities, hiện chỉ số P/E của Vn- Index đang ở mức 16,38 lần, cao hơn mức trung bình giai đoạn 2013-2018 và trung bình khu vực Đông Nam Á; tỷ suất sinh lời của Vn-Index cũng chỉ đạt 6,8%, không hấp dẫn khi so với lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng.
"Chỉ số" hấp dẫn là điều kiện quyết định để thu hút dòng vốn mới |
Điều kiện quyết định
Trong một lần công bố gần đây của MSCI, thị trường Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được một số tiêu chí về mặt định tính để được nâng hạng, thậm chí cần ít nhất một năm nữa để được đưa vào "danh sách rút gọn" và thêm từ một đến hai năm sau đó để chính thức được nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi.
Trong khi đó, theo Giám đốc đầu tư của một công ty quản lý quỹ, dòng vốn ngoại trên thị trường Việt Nam trong giai đoạn gần đây chủ yếu đến từ các quỹ có xu hướng tìm kiếm cơ hội mới trong bối cảnh thị trường Mỹ có dấu hiệu chậm lại mà nhiều khả năng dòng vốn này đã cơ bản được giải ngân xong trong đầu năm 2019.
Dòng vốn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc chủ yếu có được do các câu chuyện riêng và khi những câu chuyện này qua đi thì dòng vốn sẽ có phần hạn chế.
Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, vị chuyên gia này đưa ra khuyến nghị cẩn trọng bởi câu chuyện nâng hạng thị trường có thể hỗ trợ các chỉ số nhưng đây không còn là câu chuyện mới.
Hơn nữa, tỷ lệ sở hữu nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã khá lớn, chỉ tính trên HoSE đã khoảng 40%, nên sẽ khó kỳ vọng dòng vốn lớn tiếp tục đổ vào thị trường.
Tuy nhiên, theo thông tin của bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên chuyên trách Sở GDCK Tp.HCM, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tại TTCK Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Tính đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 24,6% giá trị giao dịch tại Vn-Index (khoảng 31 tỷ USD); 27,35% giá trị giao dịch tại VN30, trong đó ngành tiêu dùng thiết yếu được quan tâm nhất (hơn 50%), ngành công nghệ thông tin (48%), y tế (40%)…
Do đó, để kích hoạt dòng vốn từ MSCI, thị trường chứng khoán Việt Nam cần thay đổi cả về chất và lượng, đồng thời cải thiện các điểm hạn chế để đón đầu các dòng tiền mới.
Linh Đan