Trong tuần giao dịch cuối tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam rung lắc mạnh, các chỉ số có nhiều phiên "xanh vỏ đỏ lòng" khi đa phần các cổ phiếu giảm nhưng các chỉ số lại tăng nhờ một vài cổ phiếu trụ cột.
Lịch sử giảm điểm
Các thống kê cho thấy, kể từ năm 2005 đến nay, Vn-Index đã có 10 lần giảm điểm trong tháng 11, tương ứng với tỷ lệ lên tới 66,7% nhiều hơn cả tháng 5 - thời điểm được cho là xấu nhất của năm với tâm lý "Sell in May".
Tình hình của HNX-Index thậm chí còn "ảm đạm" hơn khi chỉ số này có đến 11 lần giảm điểm ở tháng 11 trong các năm từ 2006 - 2019.
Tháng 11 không mấy khi là tháng tươi sáng của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng không phải là không có cơ hội cho các nhà đầu tư. |
Về bản chất, việc thị trường tăng hay giảm là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh các thông tin không có nhiều biến động, mùa báo cáo tài chính quý III đã kết thúc, các chỉ số đã tăng liên tiếp trong 3 tháng đang là điểm trừ cho tháng 11 năm nay.
Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao. Tính đến cuối quý III/2020, dòng tiền vay ký quỹ (margin) đã đạt khoảng 66.000 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay, nên khi thị trường càng điều chỉnh sâu thì mối nguy ngày càng lớn.
Ngoài ra, dù Việt Nam đã kiểm soát tốt nhưng dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu, lại đang bùng phát dữ dội. Nhiều nước tái triển khai phong tỏa trên quy mô rộng, hay áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tăng tốc xuất khẩu trong những tháng cuối năm của các doanh nghiệp Việt Nam.
Đáng chú ý, theo ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới, Hội sở của Mirae Asset Việt Nam, tháng 11 năm nay đặc biệt hơn do cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đi vào giai đoạn cuối, sẽ kết thúc vào ngày 3/11, là một ẩn số lớn cho thị trường tài chính toàn cầu.
Thông thường, giới đầu tư lựa chọn đứng ngoài theo dõi ở thời điểm trước và sau đợt bầu cử 3 - 4 tuần rồi mới quyết định xu hướng đầu tư. Điều này làm lượng cầu sụt giảm đáng kể và phân bổ vào các tài sản an toàn khác như trái phiếu chính phủ, hàng hóa (vàng hay dầu)…, khiến thị trường chứng khoán có những đợt biến động thiên về hướng giảm nhiều hơn do lực cầu giảm.
Trong khi đó, tại thị trường chứng khoán Việt Nam, trong 3 kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ gần đây, cả hai chỉ số Vn-Index và HNX-Index đều giảm điểm.
Đặc biệt, cũng theo thống kê nhiều năm trở lại đây, tháng 11 là giai đoạn mà khối ngoại bán ròng mạnh nhất cho đến nửa cuối tháng 12 hoặc sang tháng 1 năm sau. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại cũng đang rơi vào trạng thái khối ngoại bán ròng suốt từ đầu năm đến nay.
Chờ cơ hội mới
Mặc dù bị bủa vây bởi những thông tin thiếu tích cực, nhưng không có nghĩa là mọi cánh cửa đều đóng lại cho tháng 11.
Trên thực tế, thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao khi dòng tiền vẫn nhiệt tình chảy vào chứng khoán. Trong đó, dòng tiền từ các nhà đầu tư mới (nhà đầu tư F0) tiếp tục hoạt động mạnh mẽ khi chưa từng trải qua một nhịp điều chỉnh đáng kể nào kể từ tháng 7.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, thị trường tháng 11 còn có động lực từ việc thị trường Kuwait được nâng hạng thị trường mới nổi, nên chứng khoán Việt Nam cũng có tỷ trọng lớn trong rổ thị trường cận biên theo xếp hạng của MSCI (Công ty nghiên cứu đầu tư Morgan Stanley Capital International).
Lúc đó, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hút lượng phân bổ ròng của nhóm quỹ tracking (giao dịch) theo chuẩn MSCI lên tới khoảng 200 - 250 triệu USD.
"Trong thời kỳ "tiền rẻ", thị trường chứng khoán sẽ là nơi hưởng lợi trực tiếp và đầu tiên, vì nhóm tài sản này thanh khoản rất cao", ông Tuấn nhận định.
Ngoài ra, theo báo cáo của Chứng khoán SSI, các chỉ số vĩ mô trong chiều hướng tích cực như GDP tăng trưởng cao hơn kỳ vọng, xuất siêu đạt kỷ lục cũng là một trong những yếu tố thôi thúc các nhà đầu tư quay trở lại với thị trường chứng khoán.
Hơn nữa, dự kiến lãi suất có thể sẽ còn giảm thêm vào cuối năm nay và đầu năm 2021 cùng với sự hồi phục trong các hoạt động kinh tế khi làn sóng Covid 19 thứ 2 được kiểm soát tốt, sẽ tiếp tục nâng đỡ thanh khoản của thị trường và tạo tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư chinh phục những mốc quan trọng. SSI dự báo chỉ số Vn-Index có thể trở lại mốc 1.000 điểm.
Về chiến lược đầu tư, ông Tuấn cho biết, nhà đầu tư nên cân nhắc ưu tiên nhóm cổ phiếu lớn vì tiền hút vào nhiều.
Xét theo nhóm ngành, tăng trưởng mạnh thuộc về nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ, ngân hàng, thực phẩm - đồ uống, nông - lâm - thủy sản, chứng khoán, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, vật liệu xây dựng, bất động sản, xây dựng, sản xuất hàng gia dụng, công nghệ thông tin...
Minh Khuê