Trên thị trường chứng khoán Mỹ, đà hồi phục chưa kịp kéo dài, Phố Wall đã quay lại bán tháo trên diện rộng trong phiên cuối tuần qua (30/10), kết thúc tuần tồi tệ nhất ghi nhận được kể từ tháng 3.
Thước đo mức độ sợ hãi của nhà đầu tư trên thị trường đóng cửa ngày 30/10 ghi nhận mức cao nhất trong 20 tuần, một dấu hiệu cho thấy sự lo lắng của nhà đầu tư trong tuần cuối cùng trước cuộc bầu cử (Ảnh minh họa: Int) |
Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, tâm lý trên thị trường vô cùng bấp bênh khi phải đối mặt với viễn cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào thứ Ba tuần này (3/11) sẽ không thể kết thúc một cách êm đẹp, dẫn tới sẽ khó có bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào nữa cho các doanh nghiệp và người dân đến từ Quốc hội trong tương lai gần trong khi dịch bệnh đang khiến cả đất nước lao đao.
Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX) - thước đo mức độ sợ hãi của nhà đầu tư trên thị trường, đóng cửa ngày 30/10 ghi nhận mức cao nhất trong 20 tuần, một dấu hiệu cho thấy sự lo lắng của nhà đầu tư trong tuần cuối cùng trước cuộc bầu cử.
Kết thúc phiên 30/10, chỉ số Dow Jones giảm 157,51 điểm (-0,59%), xuống 26.501,60 điểm; S&P 500 giảm 40,15 điểm (-1,21%) xuống 3.269,96 điểm; Nasdaq Composite giảm 274,00 điểm (-2,45%), xuống 10.911,59 điểm.
Trong tuần, Dow Jones giảm 6,5%, S&P 500 giảm 5,6% và Nasdaq Composite giảm 5,5%. Trong tháng, Dow Jones giảm 4,6%, S&P 500 giảm 2,8% và Nasdaq Composite giảm 2,3%.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, mặc dù có chút khởi sắc trong phiên cuối tuần qua, nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh phải chứng kiến tuần tồi tệ nhất và cũng là tháng tồi tệ nhất kể từ đợt bán tháo dữ dội hồi tháng 3.
Kết thúc phiên 30/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 4,48 điểm (-0,08%), xuống 5.577,27 điểm; chỉ số DAX tại Đức giảm 42,59 điểm (-0,36%), xuống 11.556,48 điểm; chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 24,27 điểm (+0,54), lên 4.594,24 điểm.
Tính chung tuần qua, chỉ số FTSE 100 giảm 4,83%, chỉ số DAX giảm 8,61% và CAC40 giảm 6,42%. Trong tháng, chỉ số FTSE 100 giảm 5,50%, chỉ số DAX giảm 8,93% và CAC40 giảm 4,78%.
Thị trường chứng khoán châu Á cũng kết thúc tháng 10 bằng một phiên giao dịch đỏ lửa. Chứng khoán Nhật Bản lao dốc do sự phân hóa bởi kết quả kinh doanh quý vừa qua của các doanh nghiệp niêm yết.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc giảm do chịu ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu thực phẩm, đồ uống.
Kết thúc phiên 30/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 354,81 điểm (-1,52%), xuống 22.977,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 48,19 điểm (-1,47%), xuống 3.224,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 479,18 điểm (-1,95%), xuống 24.107,42 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 59,52 điểm (-2,56%), xuống 2.267,15 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 2,29%, chỉ số Shanghai Composite giảm 1,63%, chỉ số Hang Seng giảm 3,26% và chỉ số KOSPI giảm 3,97%. Trong tháng, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,23%, chỉ số Shanghai Composite tăng 0,20%, chỉ số Hang Seng tăng 2,76% và chỉ số KOSPI giảm 2,61%.
Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, chỉ số Vn-Index ngược dòng với thị trường thế giới, đóng cửa tăng 6,39 điểm (+0,70%) lên mức 925,47 điểm; HNX-Index đóng cửa tại mức 135,34 điểm, tăng 0,97 điểm (+0,73%); UPCoM Index đóng cửa tại mức 62,85 điểm, tăng 0,11 điểm (+0,18%).
Nhận định về thị trường trong tuần từ ngày 2-6/11, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, VN-Index vẫn sẽ nhận được sự hỗ trợ từ vùng 895-910 điểm. Chỉ số được kỳ vọng sẽ có diễn biến khởi sắc trong những phiên đầu tuần. Tuy nhiên nhịp hồi phục (nếu có) của thị trường có thể chỉ mang tính kỹ thuật và quá trình điều chỉnh của thị trường dự kiến sẽ còn diễn ra trong khoảng 1-2 tuần để giúp các nhóm cổ phiếu trên thị trường hình thành mặt bằng giá mới. Kỳ công bố kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết đã đi đến giai đoạn thoái trào và không còn tạo ra ảnh hưởng đối với diễn biến thị trường chung. Trong thời gian tới, nhà đầu tư sẽ hướng sự chú ý đến các thông tin về kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) lại nhìn nhận, VN-Index có thể sẽ tiếp tục giảm điểm về ngưỡng hỗ trợ quanh 910 điểm trước khi cho phản ứng hồi phục từ đây. Những nhà đầu tư đã bắt đáy thăm dò một phần tỷ trọng danh mục trong vùng 930-935 điểm trong phiên 28/10 nên tiếp tục quan sát, có thể giải ngân thêm một phần danh mục nữa nếu thị trường có nhịp giảm về ngưỡng hỗ trợ trung hạn quanh 910 điểm.
Ngược lại, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn vẫn còn cao và áp lực điều chỉnh vẫn có thể sẽ gia tăng ở các phiên giao dịch đầu tuần. Đồng thời, dòng tiền tiếp tục suy yếu ở các nhịp tăng cho thấy lực cầu chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường, rủi ro phần lớn có thể sẽ chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
P.L